Phát triển đội ngũ: Không chỉ dừng trong ý tưởng

PHẠM HOA LÀI| 05/07/2009 09:03

Nhận thức về giá trị của nguồn lực con người, chịu đầu tư, đào tạo để nâng cấp chất lượng nguồn lực này chính là chuyển biến đáng ghi nhận nhất trong quan điểm quản trị của phần lớn doanh nghiệp VN trong thời gian qua.

Phát triển đội ngũ: Không chỉ dừng trong ý tưởng

Nhận thức về giá trị của nguồn lực con người, chịu đầu tư, đào tạo để nâng cấp chất lượng nguồn lực này chính là chuyển biến đáng ghi nhận nhất trong quan điểm quản trị của phần lớn doanh nghiệp VN trong thời gian qua. Không chỉ về kinh phí, thời gian, các kế hoạch đào tạo đã thực sự bắt đầu từ “cốt lõi của vấn đề” để thay đổi từ gốc.

Robot hay những con người tự chủ?

“Hồi trước, tôi không có khái niệm gì về kỹ năng sống, kỹ năng mềm cho nhân viên đâu! Mà từ sự khổ học của chính mình, tôi bắt họ cũng khổ học theo.Tối ngày vùi đầu trên máy tính, tìm kiếm tài liệu trên mạng về những kiến thức chuyên môn mới nhất, ngay cả bấm bụng cho nhân viên đi học hay dự hội nghị ở nước ngoài, thì cả thầy lẫn trò cũng chỉ lo học, lo họp xong rồi về”- ông Lương Tuấn Thành, Giám đốc Công ty Sản xuất công nghiệp Vạn Tín, kể.

Chính vì sự “khổ học” này mà một ngày, ông nhận ra, mình và nhân viên giỏi thì có giỏi, nhưng còn khiếm khuyết rất nhiều thứ để có được một công ty phát triển thay vì một nhà xưởng chuyên làm hàng theo yêu cầu của người khác.

Ông bắt đầu tìm hiểu về thiết kế, nghiên cứu và phát triển thương hiệu, dịch vụ chăm sóc khách hàng, nhu cầu thị trường. Từ đây, ông nhận ra, ông và đội ngũ của mình lâu nay “giống như robot”, chỉ có chuyên môn sâu và lao động chăm chỉ, rất ít kỹ năng gia tăng giá trị sản phẩm, nhãn hiệu.

Một kế hoạch lớn đã được triển khai trong công ty của ông Thành. Cả thầy lẫn trò bắt đầu học, đọc sách về kỹ năng đàm phán, xây dựng thương hiệu, cách thức tạo sự hài lòng... “Lúc đầu đọc không hiểu gì mấy, sau đó bắt đầu say mê. Chính nhà tư vấn cũng ngạc nhiên về sự thay đổi của chúng tôi” – ông Thành cho biết.

Theo ông Thành, “cuộc cách mạng” bắt đầu từ giữa năm 2008 đến nay đã làm thay đổi từ “gốc rễ quan điểm”, không khí môi trường làm việc đến bề ngoài của công ty. Ông nói: “Chúng tôi không chỉ yêu công việc hơn, mà còn sống vui vẻ hơn nữa”.

Tổng dự toán cho các chương trình đào tạo trong năm 2009 chiếm một phần rất lớn trong nguồn tài chính chung, vì đây được xem như là cuộc “đầu tư tổng lực” của công ty này.

Tác động vào thái độ

ICP là doanh nghiệp đang được đánh giá rất cao về cách thức đầu tư con người. Trong một lần gặp gần đây, ông Phan Quốc Công, Chủ tịch của ICP, chia sẻ khá chi tiết về quan điểm và khuynh hướng đào tạo, phát triển con người. Theo kế hoạch, từ nay đến cuối năm 2009, ICP có 45 lớp đào tạo nội bộ, chưa kể những chương trình đào tạo bên ngoài, với thời lượng tương đương 54 ngày huấn luyện.

Ông Công cho biết, quan điểm về đầu tư cho đào tạo con người xuất phát từ tầm nhìn chiến lược, rồi được xác định bằng kế hoạch cụ thể với kinh phí được cam kết hằng năm chứ không chỉ đào tạo theo nhu cầu tăng doanh số. Vì vậy, nên có những chương trình đào tạo dài hạn, kéo dài đến hai năm.

“Một điều rất quan trọng là làm cho nhân viên nhận thấy, rằng khi sống trong tổ chức này, họ được trưởng thành lên” – ông Công phát biểu.

Quy trình xác định kế hoạch đào tạo của ICP là các bộ phận đề xuất yêu cầu, chuyển sang phòng nhân sự thảo luận, đánh giá, xem xét chi phí. Sau đó, phòng nhân sự sẽ tổng hợp và lên lịch cho cả năm. kinh phí đào tạo của công ty này được định trên phần trăm doanh số.

Theo phân tích của ông, nếu một doanh nghiệp chỉ lo phát triển kinh doanh mà không đi kèm với đào tạo, thì khi tăng trưởng nhanh, sẽ phải liên tục thay người để đáp ứng cho các nhu cầu mới.

Sự thay đổi liên tục đó chắc chắn dẫn đến bất ổn trong đội ngũ, chi phí cho việc thay người cũng cao hơn nhiều so với chi phí đào tạo. Hơn nữa, mất người - thay người còn là nguyên nhân khiến tốc độ phát triển chậm lại.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Phát triển đội ngũ: Không chỉ dừng trong ý tưởng
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO