Phát hành trái phiếu doanh nghiệp: Gió đã đổi chiều

NGỌC ANH| 11/08/2018 08:26

Việc phát hành trái phiếu doanh nghiệp hiện nay đã có những thay đổi.

Phát hành trái phiếu doanh nghiệp: Gió đã đổi chiều

Trái phiếu của Novaland đã được niêm yết trên sàn chứng khoán Singapore

Trước đây, trên thị trường tài chính, giới đầu tư vẫn thấy nhiều doanh nghiệp như Vingroup (VIC), Thế giới Di Động (MWG), Masan (MSN), Gelex triển khai các đợt phát hành trái phiếu nhưng người mua thường là các tổ chức tài chính trong và ngoài nước.

Chẳng hạn năm ngoái, qua nhiều đợt thu mua, Công ty Chứng khoán Techcombank (TCBS) đã mua 1.300 tỷ đồng trái phiếu của Vingroup (VIC). Hay trong gần 1.200 tỷ đồng trái phiếu MWG phát hành cuối năm 2017, đến  97,36% lượng trái phiếu là do các công ty bảo hiểm mua. Trong đó, bên mua nhiều nhất là  Prudential Việt Nam, Manulife, AIA.

Nhưng việc phát hành trái phiếu doanh nghiệp hiện nay đã có những thay đổi. Các doanh nghiệp lớn mạnh, đủ điều kiện thì mạnh dạn vay tiền của các tổ chức có trái phiếu chuyển đổi quốc tế. Đáng chú ý phải kể đến đợt phát hành thành công 160 triệu USD trái phiếu chuyển đổi quốc tế của Novaland (NVL). Trái phiếu chuyển đổi này được phát hành bằng USD, kỳ hạn 5 năm, có thể chuyển đổi thành cổ phần phổ thông với giá ban đầu 74.750đ/CP, cao hơn 15% so với giá cổ phần tham chiếu tại ngày phát hành, lãi suất 5,5%/năm, được thanh toán 6 tháng một lần và lợi tức đáo hạn 6,25%/năm.

Link bài viết

Đợt phát hành trái phiếu quốc tế của Novaland có sự tư vấn của tổ chức nước ngoài, huy động vốn kép (kết hợp cả phát hành cổ phần) và trái phiếu đã được niêm yết trên sàn chứng khoán Singapore ngày 30/4 vừa qua. Chính vì thế, nhiều nhà đầu tư châu Á, châu Âu rất quan tâm đến trái phiếu quốc tế của Novaland. Theo đánh giá từ Global Capital "đây là giao dịch trái phiếu chuyển đổi niêm yết trên sàn giao dịch quốc tế đầu tiên phát hành từ Việt Nam trong 6 năm, phá vỡ sự trầm lắng kéo dài kể từ giao dịch tương tự trước đó”.

Gần đây hơn, Vinpearl (VPL) - một công ty con thuộc Vingroup cũng có kế hoạch phát hành 325 triệu USD trái phiếu quốc tế. Nhưng Vinpearl khác Novaland ở chỗ, trái phiếu quốc tế do Vinpearl phát hành có thể hoán đổi sang cổ phiếu VIC mà Vinpearl đang sở hữu.

Tính đến cuối năm 2017, Vinpearl nắm giữ 90 triệu cổ phiếu VIC, tương đương 3,4% vốn điều lệ của Vingroup. Về mặt thủ tục, Vingroup đã ký kết tư vấn với Bank of New York Mellon (chi nhánh Luân Đôn, chi nhánh Luxembourg) với Credit Suise Limited (Singapore) và Deutsche Bank (chi nhánh Hong Kong).

Có thể thấy, doanh nghiệp Việt Nam muốn tìm kiếm nguồn vốn vay quốc tế thì phải ngày càng chuyên nghiệp, tìm đến sự trợ giúp tư vấn của các định chế tài chính nước ngoài và đưa ra những điều kiện, quyền lợi hấp dẫn nhà đầu tư.

Đối với thị trường vốn trong nước, các doanh nghiệp muốn đảm bảo đợt phát hành trái phiếu thành công cũng phải theo các điều kiện tương tự. Như đợt phát hành trái phiếu của MWG là có Credit Guarantee and Investment Facility (CGIF) - quỹ đầu tư tín thác của Ngân hàng Phát triển Châu Á (ADB) bảo lãnh.

Ở quy mô và vị trí nhỏ hơn, đợt huy động 400 tỷ đồng trái phiếu của Gelex vẫn diễn ra như mong đợi nhờ có sự tham gia hỗ trợ của đơn vị tư vấn là Công ty Chứng khoán Shinhan Việt Nam (SSV). Để hấp dẫn hơn, Gelex còn đưa ra mức lãi suất đủ hấp dẫn (trung bình 7,25%/năm) và rút ngắn kỳ hạn trái phiếu (2 năm). Kết quả, chỉ sau 2 tháng, Shinhan đã tìm được cho Gelex 3 nhà đầu tư, trong đó có 2 nhà đầu tư Hàn Quốc là Shinhan Bank và Hana Bank.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Phát hành trái phiếu doanh nghiệp: Gió đã đổi chiều
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO