Phân phối sản phẩm công nghệ: Kỳ vọng vào điện thoại di động

LỮ Ý NHI| 15/05/2016 01:27

Trong khi 2 "ông lớn" đứng đầu trong thế chân kiềng phân phối thiết bị di động là PET và FPT Trading đang có kế hoạch "phá thế chân kiềng" thì DGW vẫn kỳ vọng vào mảng điện thoại đi động.

Phân phối sản phẩm công nghệ: Kỳ vọng vào điện thoại di động

Trong khi 2 "ông lớn" đứng đầu trong thế chân kiềng phân phối thiết bị di động là PET và FPT Trading đang có kế hoạch "phá thế chân kiềng" thì DGW vẫn kỳ vọng mảng điện thoại đi động sẽ đóng góp doanh thu lớn cho Công ty trong năm 2016 và sắp tới.

Đọc E-paper

Tại đại hội cổ đông năm 2016 của FPT, vấn đề được bàn luận nhiều nhất là nên hay không giảm sở hữu tại mảng phân phối và bán lẻ để tập trung cho mảng công nghệ, viễn thông và phương án thoái vốn tại mảng phân phối, bán lẻ đã được nhiều cổ đông tán thành.

Một chuyên viên môi giới của Công ty Chứng khoán SSI cho rằng, tốc độ tăng trưởng các chỉ số của FPT về doanh thu, lợi nhuận và cổ tức khá hấp dẫn. Song, các con số này nhiều năm qua không có sự đột phá. Vì vậy, với thị trường phân phối đang nhiều cạnh tranh và chuẩn bị đến ngưỡng bão hòa thì việc FPT tập trung vào các mảng kinh doanh cốt lõi và đầu tư cho các thương vụ M&A trong mảng công nghệ là bước đi đúng về dài hạn.

Về phía PET, mặc dù chưa công bố chiến lược cụ thể nhưng với việc thừa nhận thị trường đang cạnh tranh khốc liệt và cần cẩn trọng trong chiến lược kinh doanh, cho thấy công ty này sẽ khó tạo ra những đột phá trong những năm tới. Trong khi đó, ông Đoàn Hồng Việt - Chủ tịch kiêm TGĐ DGW lại khẳng định: "Ít nhất 3 năm nữa, DGW vẫn khai thác tốt mảng phân phối thiết bị di động".

Trước đó, khi niêm yết trên thị trường chứng khoán vào đầu tháng 8/2015, DGW cũng đặt tham vọng cán mức doanh thu 1 tỷ USD vào năm 2020, bất chấp thực tế doanh thu năm 2014 chỉ mới đạt khoảng 230 triệu USD. Theo thông tin của DGW, ghi nhận của Hãng nghiên cứu thị trường Business Monitor International (BMI), thị trường sản phẩm điện tử tại Việt Nam dự kiến sẽ đạt tỷ lệ tăng trưởng trung bình gộp hằng năm 6,2% trong suốt giai đoạn 2014 - 2018.

Các sản phẩm này gồm có điện thoại di động, máy tính, các thiết bị nghe nhìn và trò chơi điện tử. Đặc biệt, điện thoại di động có giá dưới 5 triệu đồng sẽ tăng trưởng, bởi đây là mức giá vừa phải đối với túi tiền của đại đa số người tiêu dùng.

Trước sự chuẩn bị thoái lui của PET và FPT Trading, DGW vẫn không... nao núng, ngược lại cho rằng có cơ sở đặt ra kỳ vọng, đó là chiến lược kinh doanh khác biệt so với PET và FPT Trading.

Ông Việt nói: "Ngoài mối quan hệ khăng khít với 30 thương hiệu máy tính nổi tiếng, để tránh lặp lại bài học từng bị "điêu đứng" khi Nokia thay đổi chiến lược sản xuất, năm 2016, DGW sẽ không ưu tiên các nhãn hàng điện thoại lớn mà tập trung phân phối cho các thương hiệu nhỏ, là những thương hiệu tiềm năng, trung thành và mang lại độ bền vững cao cho DGW".

Theo tính toán của DGW, tỷ lệ tiêu thụ điện thoại di động ở thành thị và nông thôn ngày càng cân bằng (năm 2014 là 57,9% và 42,1%), như vậy, tổng số lượng điện thoại bán ra sẽ tăng lên 19 triệu chiếc và tiếp tục tăng trong những năm tới sẽ là "điểm sáng" để DGW kỳ vọng đón đầu thị phần này.

Bên cạnh đó, phân khúc điện thoại tầm trung bình dành cho nhóm khách hàng thu nhập trung bình thấp vẫn rất cao và còn tăng trưởng vào năm 2017 - 2018, vì vậy, DGW tập trung phát triển thị phần cho các thương hiệu nhỏ nhưng có uy tín như Obi (Mỹ), Wiko (Pháp), và gần đây là Intex - hãng điện thoại uy tín số 1 tại Ấn Độ, có 4 nhà máy sản xuất và chỉ đứng sau Samsung tại thị trường Ấn Độ. "Đây chính là những thương hiệu đáp ứng đúng đối tượng khách hàng của thị phần còn lại", ông Việt khẳng định.

Với tính toán trên, xem ra chiến lược "đầu vào" của DGW có vẻ khá ổn. Tuy nhiên, cái khó mà các nhà phân phối đang vướng là đầu ra. Ông Việt tiết lộ: "Sở dĩ chúng tôi tin tưởng chọn các nhãn hiệu mới và nhỏ vì khác biệt của DGW là không đơn thuần chỉ làm dịch vụ bán hàng và logistics như những nhà phân phối khác mà có năng lực thực hiện đầy đủ 5 dịch vụ phát triển thị trường: phân tích thị trường, marketing, bán hàng, hậu cần và hậu mãi. Thực tế, các nhãn hàng mới Wiko, Obi... đều được nhận diện thương hiệu khá tốt và bước đầu đã đem lại cho DGW doanh số tương đối ổn định".

Vị chủ tịch DGW cũng cho biết: "Mặc dù chuỗi bán lẻ Viễn Thông A, Thế Giới Di Động chiếm đến 50 - 55% thị phần của DGW nhưng chiến lược "đầu ra" của DGW không tập trung hết vào hai chuỗi bán lẻ lớn này mà tập trung vào 45% thị phần còn lại là các cửa hàng nhỏ lẻ”. Theo ông Việt, kênh bán hàng này vẫn bán tất cả sản phẩm từ thấp đến cao cấp.

Với 6.000 cửa hàng ở 63 tỉnh - thành sẽ tạo thế chân rết phân phối bền vững và ổn định cho DGW. Bên cạnh đó, DGW không chỉ phân phối đơn thuần mà còn đầu tư nhiều mảng khác liên quan nhằm mang lại cho đối tác nhiều lợi ích cộng thêm, như phân tích thị trường, marketing, xây dựng thương hiệu cho các nhãn hàng mới...

DGW còn có đội ngũ nhân viên chuyên thực hiện các dịch vụ sau bán hàng tại các trung tâm bảo hành (Digiworld Care) do chính Công ty thiết lập chứ không hợp tác với các đơn vị bảo hành như các DN khác. "Năm 2016, DGW sẽ tiếp tục mở thêm 8 trung tâm bảo hành tại TP.HCM", ông Việt chia sẻ.

>Thị trường BĐS: Sự trở lại của các nhà phân phối

>Khi nhà bán lẻ kiêm vai trò nhà phân phối...

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Phân phối sản phẩm công nghệ: Kỳ vọng vào điện thoại di động
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO