OCB: Tiên bền vững, hậu lớn mạnh

VÂN KHÁNH thực hiện| 05/09/2009 07:19

Ngày 26/8, Ngân hàng BNP Paribas đã ký kết thỏa thuận tăng vốn góp vào Ngân hàng Phương Đông (OCB) từ 10% lên 15% vốn điều lệ.

OCB: Tiên bền vững, hậu lớn mạnh

Ngày 26/8, Ngân hàng BNP Paribas (Pháp) đã ký kết thỏa thuận tăng vốn góp vào Ngân hàng Phương Đông (OCB) từ 10% lên 15% vốn điều lệ. Việc tăng tỷ lệ sở hữu cổ phần chứng tỏ BNP Paribas tin tưởng vào tiềm năng phát triển bền vững của OCB. Ông Guido Van Hauwermeiren, Giám đốc điều hành Ngân hàng bán lẻ thị trường mới nổi của BNP Paribas, khẳng định:

- Sự tham gia của BNP Paribas vào OCB với tư cách cổ đông chiến lược trong thời gian qua đã vượt xa những thỏa thuận được ký kết giữa hai bên. Nội dung của thỏa thuận liên minh chiến lược là tái cấu trúc OCB trên định hướng phát triển ngân hàng bán lẻ, nâng cao việc quản lý, kiểm soát rủi ro, triển khai công nghệ thông tin nhằm hiện đại hóa hoạt động ngân hàng và phát triển nguồn nhân lực. Ngoài ra, BNP Paribas cũng hỗ trợ OCB về kinh nghiệm phát triển thị trường thẻ và các sản phẩm dịch vụ khác. Theo thỏa thuận, BNP Paribas sẽ tham gia đến 20% vốn điều lệ của OCB khi được Nhà nước VN cho phép và chúng tôi luôn sẵn sàng cho việc này.

* Năm qua, có những tập đoàn tài chính lớn ở các nước đã phá sản trước tình hình suy thoái kinh tế toàn cầu. Nhờ đâu mà BNP Paribas vẫn giữ được vị trí là một trong những tập đoàn đứng đầu châu Âu trong lĩnh vực tài chính - ngân hàng và được xếp trong 15 ngân hàng lớn nhất thế giới?

- Năm vừa qua là năm hết sức khó khăn cho kinh tế thế giới, nhiều tập đoàn tài chính hàng đầu thế giới chao đảo. BNP Paribas cũng gặp khó khăn trong hoạt động đầu tư nhưng nhìn tổng thể BNP Paribas vẫn có lợi nhuận cao trong năm 2008. BNP Paribas không bị ảnh hưởng khủng hoảng nhiều là do chúng tôi xây dựng “văn hóa quản lý rủi ro” khá tốt. Khó khăn từ khủng hoảng toàn cầu chưa qua khỏi nên BNP Paribas vẫn rất coi trọng quản lý rủi ro.

Lễ ký kết thỏa thuận tăng vốn góp của BNP Paribas vào OCB

Tất cả mọi hoạt động của ngân hàng đều có thể rủi ro, do đó những quyết định từ cấp lãnh đạo cao nhất của ngân hàng lúc nào cũng phải quan tâm khía cạnh quản lý rủi ro, nhất là trong những quyết định về tín dụng. Những tập đoàn tài chính qua cuộc khủng hoảng vừa rồi mà không bị ảnh hưởng nhiều thì đều có điểm chung là quản trị rủi ro tốt. Trong quản lý rủi ro, BNP Paribas coi trọng tính tuân thủ. Việc chấp hành nghiêm túc các quy định luật pháp là điều mà mọi nhân viên tập đoàn đều phải hết sức lưu tâm và chúng tôi không cho phép mọi sự không tuân thủ trong tập đoàn. Tuy rằng đảm bảo tính tuân thủ nhiều khi gây khó khăn cho hoạt động kinh doanh, rõ ràng khi thị trường tốt thì chúng tôi không phát triển nhanh như các ngân hàng khác, nhưng đến lúc khó khăn thì mới thấy chính việc đó giúp chúng tôi vượt qua khủng hoảng. Khi tham gia vào OCB, chúng tôi muốn san sẻ kinh nghiệm xây dựng “văn hóa quản lý rủi ro” với ngân hàng này.

* Ông nhận định gì về tình hình kinh tế VN trong năm qua và năm nay?

- Năm 2008, VN có khó khăn về thanh khoản ở quý I, nhưng Chính phủ VN đã có những biện pháp kịp thời, hữu hiệu giúp kinh tế vượt qua suy giảm. VN chỉ tăng trưởng chậm hơn so với các năm trước chứ không rơi vào khủng hoảng. Chúng tôi không quan tâm đến tăng trưởng ngắn hạn ở VN nên không nhìn vào con số từng thời kỳ, mà đặt niềm tin vào tiềm năng của VN và triển vọng phát triển kinh tế VN.

* BNP Paribas có dự định lập ngân hàng 100% vốn ở VN không hay chỉ là mua cổ phần của OCB?

- Ở VN, BNP Paribas sẽ tập trung hoàn toàn cho liên minh chiến lược với OCB, chúng tôi không có ý định mở ngân hàng con. Trong quá trình đổi mới OCB còn nhiều việc phải làm và chúng tôi luôn tập trung cao độ để làm tốt nhất cho OCB.

* Định hướng chiến lược của OCB trong 5 năm tới (2010 -2015) là ở giai đoạn 1 sẽ trở thành một ngân hàng có qui mô vừa (vốn điều lệ trên 3.000 tỷ đồng) nhưng hiện đại, có hiệu quả cao và đạt chất lượng tốt. Từ nền tảng đó, OCB phát triển giai đoạn 2 thành một ngân hàng lớn (vốn điều lệ trên 10.000 tỷ đồng), có sức cạnh tranh cao, là một trong những ngân hàng thương mại hàng đầu VN về chất lượng, hiệu quả và an toàn trong hoạt động. BNP Paribas sẽ đóng góp gì cho chiến lược này của OCB?

- Niềm tin của chúng tôi không suy chuyển nên chúng tôi tiếp tục đầu tư vào VN và OCB. Ngay từ khởi điểm, hai đối tác đã thống nhất định hướng đưa OCB trở thành một trong 10 ngân hàng thương mại cổ phần hàng đầu VN. Có hai khía cạnh chúng tôi muốn nhấn mạnh, đó là chất lượng phục vụ khách hàng và sự an toàn trong hoạt động. Đây là quan điểm được sự đồng thuận của ban lãnh đạo OCB. Trong hai năm đầu của liên minh chiến lược, chúng tôi đã tập trung vào xây dựng nền móng để OCB bền vững, tiếp theo sẽ phát triển OCB thành một ngân hàng tốt và tiến lên ngân hàng mạnh. Phải bảo đảm phục vụ khách hàng tốt, bảo đảm an toàn hoạt động ngân hàng, chứ không phải quy mô lớn là tốt.

BNP Paribas có kinh nghiệm phát triển thị trường thẻ ở nhiều nước. Khi nào OCB đẩy mạnh hoạt động thẻ thì BNP Paribas sẽ hỗ trợ. Về tài trợ tiêu dùng, từ khi BNP Paribas bắt đầu liên minh chiến lược với OCB thì hai bên đã nghĩ đến vấn đề này nhưng Hội đồng quản trị Ngân hàng OCB quyết định tập trung nhân lực, thời gian vào củng cố nền móng ngân hàng và đến khi nào chúng tôi thấy nền móng vững vàng thì sẽ phát triển mạnh các dịch vụ.

OCB đã đưa vào vận hành trung tâm dữ liệu (data center) theo tiêu chuẩn quốc tế, để từ đó triển khai thành công dự án online tín dụng, online tiền gửi, quản lý danh mục khách hàng theo mã, triển khai một số tiện ích trên SMS, xây dựng các công cụ quản lý rủi ro tín dụng, rủi ro thị trường và thông tin quản trị điều hành… Đến cuối năm 2009, OCB sẽ hoàn thành dự án ngân hàng lõi, hoàn thiện tái cấu trúc theo hướng ngân hàng hiện đại. Song song đó, OCB đang định hình và sẽ đưa ra thị trường nhiều sản phẩm dịch vụ mới, từ đó cải thiện cơ cấu thu nhập của OCB theo hướng tăng dần tỷ trọng thu nhập từ dịch vụ, đồng thời đẩy mạnh liên kết kinh doanh trong một số sản phẩm dịch vụ liên thông giữa OCB và BNP Paribas.

Hiện BNP Paribas đã có một thành viên trong HĐQT và một thành viên trong Ban tổng giám đốc của OCB. Đồng thời, BNP Paribas đã cử các chuyên gia cấp cao để thực hiện những dự án kinh doanh then chốt của OCB, cũng như tư vấn các nội dung mà hai bên đã thỏa thuận. Theo kế hoạch, OCB tăng vốn điều lệ lên 2.000 tỷ đồng vào năm 2009 và 3.000 tỷ đồng vào năm 2010. Đến cuối tháng 8/2009, OCB có 70 trụ sở giao dịch hiện diện ở 17 tỉnh thành trên cả nước. Lợi nhuận dự kiến 8 tháng đầu năm 2009 đạt khoảng 70% kế hoạch lợi nhuận năm 2009 của OCB.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
OCB: Tiên bền vững, hậu lớn mạnh
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO