Những người trẻ đi tìm phong cách riêng

HÀ VŨ| 06/11/2009 06:15

Trẻ trung, năng động, biết làm việc đội nhóm, chịu học hỏi để vươn lên, tìm kiếm sự khẳng định trong nghề nghiệp... là đặc điểm của đội ngũ nhân viên TST

Những người trẻ đi tìm phong cách riêng

Trẻ trung, năng động, biết làm việc đội nhóm, chịu học hỏi để vươn lên, tìm kiếm sự khẳng định trong nghề nghiệp, làm hết mình vì thương hiệu, màu cờ sắc áo... thường được dùng để nói về những cán bộ trẻ trong các cơ quan, đơn vị. Tuy nhiên, những câu chữ “xưng tụng” ấy dễ trở thành sáo ngữ nếu tinh thần đó chưa thấm sâu đến từng nhân viên. Ở một DN có gần trăm con người mà hầu hết là trẻ như TST Tourist, việc xây dựng được nền tảng căn cơ đó không phải là chuyện dễ.

Ngôi nhà thứ hai

Cô nhân viên phòng marketing đến kỳ ở cữ, đã buồn buồn khi nghĩ đến những ngày thiếu vắng tiếng cười đùa của bạn bè cùng cơ quan, không khí làm việc, thậm chí cả những lời phê bình của trưởng phòng mỗi khi việc chưa xong. Một hướng dẫn viên trong lúc chờ chuyến bay đưa khách đi tour nước ngoài, đã nhắn tin về cho trưởng phòng hướng dẫn: “Em đang buồn quá, bạn bè giờ đâu hết rồi?”. Bạn hướng dẫn viên này đang nhớ về lúc hào hứng chuẩn bị lên đường đi nghỉ mát ở Malaysia cùng công ty cách đây gần một tháng. Lúc đó, những chiếc áo màu cam đồng phục, cờ hiệu rực rỡ của TST đã chiếm một góc sân bay Tân Sơn Nhất. Chị phụ trách căn tin thì nói: “Khi nào cậu Duy (Tổng giám đốc Lại Minh Duy) không cần nữa thì tôi nghỉ, chứ tôi không muốn về hưu đâu”... Còn nhiều chuyện rất “nội bộ” như thế chúng tôi có dịp nghe khi tiếp xúc với các bạn tại TST Tourist.

Cùng đi nghỉ ở Malaysia

Ở TST Tourist, chuyện trả phép sớm hơn để gặp gỡ anh em hay các hướng dẫn viên luôn tìm đến thăm nhau, dù chỉ để ngồi ăn một tô mì, uống ly nước khi tình cờ biết là cùng có mặt ở nước bạn là chuyện rất thường tình. Những ngày lễ, Tết, 8/3... việc bày biện, trang hoàng trụ sở công ty hay tổ chức thi cắm hoa, nấu ăn của các bạn nam... càng làm cho sinh hoạt nội bộ thêm gắn bó. Khi anh em có dịp đi nghỉ mát với nhau thì càng trở thành những cuộc vui “ngất trời”. Về tuổi đời, từ Tổng giám đốc Lại Minh Duy đến các trưởng phòng, ban không hơn nhiều so với nhân viên. Vốn trở thành truyền thống, ban lãnh đạo cũng thường “bận rộn” cho những buổi ăn trưa hay cà phê để tư vấn về đủ loại thắc mắc từ lời khuyên cho các mối quan hệ trong cơ quan, gia đình, định hướng nghề nghiệp, thay đổi công việc... và chắc chắn không thiếu những chuyện tế nhị khác.

Những ông thầy khó tính

Những năm gần đây, theo yêu cầu phát triển số lượng nhân viên của TST Tourist tăng lên khá nhanh chóng. Tăng về lượng nhưng chuẩn về chất lượng thì Tổng giám đốc Duy không muốn phiến phiến cho qua. Bên cạnh nghề kinh doanh, Duy còn là thầy giáo dạy nghiệp vụ lữ hành nên anh cẩn trọng trong việc tuyển người. Nhất là ở những bộ phận thường xuyên tiếp xúc với khách hàng như hướng dẫn viên, bộ phận chăm sóc khách hàng, chào bán tour... Tiêu chuẩn để được nhận vào Công ty, trước hết không phải là người đã có kinh nghiệm mà là sự trung thực, có tinh thần học hỏi, chí cầu tiến bên cạnh các yếu tố sức khỏe và đặc biệt phải tôn trọng màu cờ sắc áo. Với Duy, chuyện giỏi nghề sẽ đến với người biết cầu tiến, ham học hỏi.

Trưởng phòng Hướng dẫn Đỗ Mạnh Thịnh cho biết, TST giải bài toán chất lượng bằng việc “đào tạo và đào tạo lại” liên tục. Một hướng dẫn viên được nhận vào, dù là người mới hoặc đã từng làm việc nơi khác, đều phải được huấn luyện theo chuẩn của TST từ một tháng rưỡi đến hai tháng. Chương trình huấn luyện chặt chẽ đến từng ngày. Tất nhiên kiến thức chuyên môn, ngoại ngữ là phần quan trọng để hướng dẫn viên đủ tự tin hoàn thành nhiệm vụ, nhưng điểm để tạo nên sự khác biệt của TST chính là văn hóa trong ứng xử với khách hàng. Khi anh biết quan tâm có mặt đúng lúc khách cần ngay cả lúc hướng dẫn viên hết nhiệm vụ thì chắc chắn điểm hài lòng của khách hàng sẽ tăng lên. Đặc biệt là khách vùng nông thôn đi tour nước ngoài, rất dễ lúng túng với chuyện thẻ từ mở cửa phòng, không quen sử dụng các thiết bị phòng nghỉ, hay thức sớm nhưng quên mang phiếu ăn sáng hoặc không rành ngoại ngữ... Nét văn hóa của TST cũng đòi hỏi hướng dẫn viên hay nhân viên công ty không được xuất hiện trước mặt khách mà cách ăn mặc, tư thế không chỉnh chu, lịch lãm. Cụ thể đến mức, đưa khách ra biển cũng không được mặc áo thun ba lỗ, quần sọt, mang đôi dép không sạch...

Việc “đào tạo” từ kiến thức đến phong cách đã diễn ra thường xuyên đến độ chỉ cần ánh mắt hay một cái nhíu mày của các sếp là anh em biết là có điều gì đó chưa ổn.

Có lần, trong cuộc nhậu thân tình của một chuyến đi nghỉ, hai anh trưởng, phó phòng hướng dẫn cũng tranh thủ nhắc: hôm nay có bạn nói tiếng Anh bị sai, thì có một ngón tay giơ lên nhận lỗi về mình. Hay làm hướng dẫn cho anh em trong công ty mà cứ theo thói quen: “thưa các cô, chú, anh, chị” thì cũng bị phê bình. Nhưng những “ông thầy khó tính” đó đã đào tạo được những hướng dẫn có năng lực, được khách hàng khen ngợi trên trang web của công ty. Trong đó, có bạn đã thành nghề khi chưa kịp nhận bằng tốt nghiệp đại học.

Gắn kết từ công việc

Ứng xử với khách ra sao thì ứng xử với đồng đội như vậy. Hòa nhã, không được lớn tiếng, biết tôn trọng nhau... cũng là nội quy của công ty. Mọi điều phàn nàn, không hài lòng về nhau phải được phản ánh lên trưởng phòng và giải quyết thỏa đáng trong tinh thần gắn kết, hợp tác và chân thành. Chào hỏi nhau buổi sáng, người trẻ lễ phép với người tuổi lớn hơn... đã trở thành “nề nếp”.

Việc gắn kết còn được thể hiện trong tinh thần hỗ trợ nhau hoàn thành nhiệm vụ chung của công ty. Đây là việc chủ động tự nối kết lẫn nhau giữa các trưởng phòng ban mà ngay cả Tổng giám đốc Duy cũng khá bất ngờ khi biết được. Chẳng hạn như thời gian nghỉ giữa hai kỳ đi tour của hướng dẫn viên ngoài việc phải tham gia các chương trình huấn luyện của công ty, thì có thể đi thu tiền giúp cho bộ phận bán tour hoặc phòng kế toán, phát quà trúng thưởng cho khách hàng, thăm hỏi các khách hàng cũ, tiếp thị với khách hàch hàng mới... Điều này đã giúp các bạn hướng dẫn có thêm kỹ năng giữ chân khách hàng, hoặc biết cách tìm thêm nguồn khách cho công ty, đồng thời giải tỏa bớt áp lực cho các phòng ban khác.

“Chính vì thế mà chúng tôi hiểu công việc của nhau, định vị được sản phẩm của mình trên thị trường và tận dụng được mọi cơ hội để quảng bá cho thương hiệu TST. Trưởng phòng Marketing Trần Đức Thịnh cho biết như vậy. Anh cho biết thêm, trước kia, đến ngày đi tour thì hướng dẫn viên mới biết khách của mình là ai, bao nhiêu người, tuổi tác ra sao. Với cách liên kết này thì chúng tôi hiểu rõ nguồn khách của mình hơn.

Nhìn lại đội ngũ của mình, Tổng giám đốc Lại Minh Duy không giấu được sự tự hào. Anh đang cùng nhân viên của mình đồng hành cùng thương hiệu TST Tourist trên con đường chuyên nghiệp hóa. Trong sự cạnh tranh khắc nghiệt, Duy cho biết, anh phấn đấu để tạo dựng cho đội ngũ nhân viên trẻ môi trường làm việc ổn định lâu dài

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Những người trẻ đi tìm phong cách riêng
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO