Ngân sách tăng vẫn không được hưởng

CÁC NGỌC| 24/06/2009 00:02

Trong 5 tháng đầu năm nay, kim ngạch xuất khẩu của VN mới đạt 4,4 tỷ USD, giảm 24,9% so 5 tháng đầu năm 2008...

Ngân sách tăng vẫn không được hưởng

Trong 5 tháng đầu năm nay, kim ngạch xuất khẩu của VN mới đạt 4,4 tỷ USD, giảm 24,9% so 5 tháng đầu năm 2008. Chính phủ đã có nhiều giải pháp tháo gỡ khó khăn cho các doanh nghiệp (DN) xuất khẩu, trong đó có những thay đổi về chính sách xúc tiến thương mại (XTTM). Kinh phí cho XTTM tăng lên nhưng DN ở nhiều địa phương vẫn không tiếp cận được với các Chương trình XTTM Quốc gia.

Tăng hỗ trợ

Chương trình XTTM Quốc gia đã thực hiện được ba năm, cần có những thay đổi để sử dụng hiệu quả ngân sách. Quyết định số 80/ 2009/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ sửa đổi, bổ sung Quy chế xây dựng và thực hiện Chương trình XTTM Quốc gia giai đoạn 2006 - 2010 với nhiều điểm mới đáng chú ý, có hiệu lực thi hành từ ngày 15/7/2009, được xem là sự tích cực giúp DN đẩy mạnh xuất khẩu trong thời gian tới.

Quyết định 80 bổ sung các tổ chức XTTM được nhận kinh phí hỗ trợ khi tham gia Chương trình XTTM Quốc gia của các đơn vị chủ trì khác. Điều này sẽ tạo điều kiện cho các địa phương tham gia vào hoạt động XTTM quốc gia để xúc tiến tiêu thụ các sản phẩm đặc trưng. Về nội dung hỗ trợ, Quyết định 80 bổ sung thêm ba loại hình hỗ trợ mới để phù hợp với giai đoạn suy giảm kinh tế.

Mức hỗ trợ đã được nâng lên, như hỗ trợ 100% chi phí đào tạo trong nước và nước ngoài về XTTM, 100% chi phí gian hàng và tuyên truyền quảng bá mời khách nước ngoài đến các sự kiện XTTM của VN ở nước ngoài...

Ông Trần Quốc Mạnh, Phó chủ tịch Hội Mỹ nghệ và Chế biến gỗ TP.HCM (HAWA):

Đưa hội chợ VIFA vào Chương trình XTTM Quốc gia Cách đây 10 năm, Mỹ chưa nghĩ VN là nước làm đồ gỗ nhưng hiện giờ, nói đến đồ gỗ thì người Mỹ nghĩ có một VN sản xuất rất tốt.

Với thị trường Mỹ và châu Âu, tuy đang tốt, nhưng chương trình XTTM cần đẩy lên giai đoạn mới. Chúng tôi muốn xây dựng moat trung tâm để các DN đưa hàng hóa đến. Chính phủ đã cho phép mở kho ngoại quan và hỗ trợ 70% chi phí, nếu có được có thể hỗ trợ toàn bộ chi phí cho 1 - 2 năm đầu, sau đó các DN sẽ tự lo.

Việc tổ chức cho các đoàn nước ngoài vào VN mua hàng đã được ngành gỗ làm mấy năm. Hiện nay, Hội chợ Expo đã được đưa vào Chương trình XTTM Quốc gia, còn Hội chợ VIFA được HAWA tổ chức vào tháng Ba, chúng tôi cũng đề nghị đưa vào Chương trình XTTM Quốc gia.

Một trong những điều làm cho việc tham gia hội chợ nước ngoài thành công là chuẩn bị hàng hóa cho tốt. Muốn có hàng hóa tốt thì phải tập huấn cho DN từ khâu chuẩn bị mẫu mã, nghiên cứu thị trường mục tiêu, rồi sản xuất.

DN VN rất yếu khâu này. Đề nghị hỗ trợ kinh phí cho ngành gỗ làm tốt khâu này, tiến tới lập trung tâm nghiên cứu thiết kế mẫu cho ngành hàng.

Vẫn khó tiếp cận chương trình XTTM quốc gia

Ông Đỗ Thắng Hải, Cục trưởng Cục XTTM cho biết, kinh phí cho XTTM không thiếu, năm nay đã duyệt 172 tỷ đồng và đang xin duyệt thêm 100 tỷ đồng nữa, thế nhưng Bộ Tài chính yêu cầu phải làm rõ tính khả thi, hiệu quả của từng chương trình XTTM. Từ nay đến cuối năm, Cục XTTM sẽ chủ trì 18 Chương trình XTTM Quốc gia.

Theo ông Từ Minh Thiện, Giám đốc Trung tâm XTTM và Đầu tư TP.HCM (ITPC), XTTM bằng cách đưa khách hàng nước ngoài vào VN tốt hơn so với đi ra nước ngoài vì ít tốn kém mà nhiều DN được tiếp xúc. TP.HCM có lập hội chợ ảo, nhiều tổ chức XTTM nước ngoài qua đó mà biết những sản phẩm họ cần và tập hợp đoàn DN nước họ sang tìm kiếm cơ hội giao thương. Hội chợ ảo rất thiết thực để giới thiệu, nhất là những sản phẩm cồng kềnh.

Ông Hồ Văn Hùng, Phó giám đốc Trung tâm XTTM ĐT Vĩnh Long: Nghề gốm Vĩnh Long chưa tham gia Chương trình XTTM Quốc gia

Nếu nói các hiệp hội ngành hàng trung ương mới đủ điều kiện chủ trì Chương trình XTTM Quốc gia thì hơi khó cho địa phương.

Ở Vĩnh Long có hiệp hội nghề gốm, các cơ sở gốm, gạch trải dài trên 20 cây số, nếu nói làng nghề thì có lẽ không ở đâu nhiều như vậy, sản xuất cả trăm triệu sản phẩm mỗi năm, nếu quy ra ngoại tệ thì không dưới 50 triệu USD.

Thế nhưng từ trước tới giờ, DN nghề gốm Vĩnh Long chưa tham gia được Chương trình XTTM Quốc gia nào, gửi hồ sơ đăng ký không hề được duyệt. Đề nghị giao cho các tỉnh đồng bằng sông Cửu Long chủ trì một số Chương trình XTTM Quốc gia đối với những mặt hàng có thế mạnh như lúa gạo, trái cây, thủy hải sản, gốm đỏ mỹ nghệ, hàng thủ công...

Tuy nhiên, muốn làm được việc này thì phía VN phải có nguồn cung hàng phong phú để DN nước ngoài chọn lựa. ITPC muốn lập dữ liệu cho khoảng 1.000 DN cũng khó vì phải chọn DN đủ khả năng làm đối tác đáp ứng theo những yêu cầu phía nước ngoài đưa ra. Ông Đỗ Thắng Hải lại cho rằng, hội chợ ảo khó thực hiện vì khi đưa hàng lên chưa chắc DN VN đưa mẫu mới, đẹp vì sợ bị ăn cắp mẫu.

TP.HCM và các tỉnh Vĩnh Long, An Giang, Kiên Giang, Tây Ninh...đều nhìn nhận thị trường Campuchia (CPC) và Lào trước đây cứ nghĩ không đáng quan tâm, nhưng khi bắt tay vào làm mới thấy đấy là các thị trường tốt cho DN các tỉnh phía Nam vì văn hóa tiêu dùng tương đồng. Tuy nhiên, việc xâm nhập hai thị trường này phải có chiến lược và chương trình thống nhất.

Nghề gốm Vĩnh Long chưa tham gia Chương trình XTTM Quốc gia nào

TP.HCM là đầu mối tổ chức nhiều hội chợ tại CPC, tư vấn tiêu dùng trên truyền hình CPC, giúp DN chuyển ngữ từ tiếng Việt sang tiếng CPC trên nhãn hàng hóa, xây dựng kho ngoại quan, in tài liệu giao tiếp tiếng CPC để khi sang đó DN có thể chủ động giao tiếp đơn giản. Hiện nay nhiều địa phương có chương trình XTTM qua CPC nhưng nếu không có chương trình tổng lực thì khó cạnh tranh hàng Thái Lan và Trung Quốc.

Giao thông đang là một trở ngại cho hàng VN tiếp cận hai thị trường gần nhất. Với CPC, ông Thiện ngạc nhiên tại sao VN đã có với Thái Lan một hiệp định đường bộ, theo đó hàng hóa VN khi đi qua cửa khẩu Lào đến Thái Lan thì không phải dỡ hàng, nhưng ở CPC phải dỡ hàng tại cửa khẩu. Công ty Dược phẩm Vĩnh Long xuất khẩu sang Lào chiếm 10% thị trường dược phẩm của Lào, các mặt hàng nông sản của Vĩnh Long cũng có nhu cầu nhiều ở Lào, nhưng vì qua Lào chỉ có thể đi đường bộ nên chi phí cao.

Các tỉnh đều thắc mắc Chương trình Thương hiệu Quốc gia ghi vốn 2,3 tỷ đồng nhưng cho ngành hàng, lĩnh vực nào và thực hiện ra sao từ cơ quan XTTM địa phương đến DN đều chưa rõ. Đã qua gần 6 tháng, những DN nào đã được hưởng chương trình này, những thông tin không rõ ràng gây thiệt thòi cho DN địa phương, ai chịu trách nhiệm?

Ông Huỳnh Văn Gành, Giám đốc Trung tâm XTĐT - Thương mại và Du lịch Kiên Giang: Điều hành xuất khẩu gạo phải thỏa đáng cho các tỉnh

Kinh phí hầu như Trung tâm tự bươn chải. Kiên Giang có những mặt hàng bán qua CPC rất mạnh, thậm chí phải bán từ từ vì sợ hút hàng. Ở thị trường Lào, Kiên Giang cũng mở được chi nhánh, triển vọng phát triển, nhưng cũng cần sự hỗ trợ để mạnh thêm.

Kiên Giang bức xúc về xuất khẩu gạo, lượng lúa moat năm khoảng 3,4 triệu tấn, tiêu dùng rồi còn dư trên 1 triệu tấn. Cơ chế của Hiệp hội Lương thực VN không hiểu được, khi có thì không cho xuất, khi cho xuất thì giá thấp dẫn đến thiêt hại nông dân. 

Tỉnh có giúp DN kiếm được khách hàng cũng không bán được vì Hiệp hội chặn lại. DN của tỉnh phản ứng rất dữ. Hiệp hội Lương thực VN có hai tổng công ty lương thực, điều hành thế nào cũng phải cân đối thỏa đáng cho các tỉnh. Tranh "sếp" trong quản lý mà thiệt hại thì nông dân chịu.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Ngân sách tăng vẫn không được hưởng
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO