Nền kinh tế đang bắt đầu có những chuyển biến đáng kể vì Covid-19

Julien Brun| 05/04/2020 06:00

Bất chấp những ồn ào gần đây về kinh tế số, người tiêu dùng và lực lượng lao động vẫn là trung tâm của nền kinh tế hiện đại Việt Nam. Và, khi các nhân tố chủ chốt này bị tác động, mọi thứ sẽ bị ảnh hưởng theo hiệu ứng dây chuyền.

Nền kinh tế đang bắt đầu có những chuyển biến đáng kể vì Covid-19

Dù vẫn còn sớm để dự báo thế giới sẽ ra sao sau khi đại dịch kết thúc, nhưng một điều chắc chắn là nền kinh tế thế giới và chuỗi cung ứng toàn cầu sẽ có sự chuyển biến đáng kể.

Cung cầu gián đoạn

Đầu tháng 2/2020, lệnh phong toả áp dụng tại Trung Quốc do dịch Covid-19 đã gây ra sự gián đoạn chưa từng thấy trong chuỗi cung ứng nguyên vật liệu và hàng hóa toàn cầu. Từ đó, nhiều người dần nhận ra rằng, một nền kinh tế phụ thuộc vào khu vực sản xuất của Trung Quốc rất dễ bị tổn thương.

Hiện, lượng hàng tồn kho ở nhiều nước đang cạn kiệt nhanh chóng, và tình trạng thiếu hụt cũng bắt đầu xảy ra tại khắp nơi trên thế giới. Các công ty bên ngoài Trung Quốc đang được hối thúc tìm kiếm nguồn nguyên vật liệu thay thế ở nước khác nhằm phục vụ đơn đặt hàng. 

Theo một khảo sát do Công ty Tư vấn quản trị cung ứng CEL Consulting thực hiện vào cuối tháng 3/2020, có 83% số công ty trong chuỗi giá trị hữu hình (nhà bán lẻ, vận chuyển, thương nhân, nhà sản xuất) tại Việt Nam gặp phải vấn đề về nguồn cung nguyên phụ liệu trong tháng 2, 3. Đồng thời, 47% trong số họ gặp khó khăn cụ thể với nguồn cung từ phía Trung Quốc và phần lớn thiếu hụt nguyên liệu thô. 

Mặc dù một nhà cung cấp nguyên phụ liệu mới rồi sẽ sớm được tìm ra, song không thể không đề cập đến việc các chuyến bay đang dần bị buộc phải ngừng lại và hàng hóa xuất nhập khẩu cũng chậm lại do thiếu hụt nguồn nhân lực. Có thể thấy, đại dịch Covid-19 đang ảnh hưởng đến mọi quốc gia, bất kể mức độ phát triển. Hiện, tới 3,4 tỷ người đang phải tuân thủ lệnh cách ly, gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức tiêu dùng; thậm chí có nơi còn không được đến siêu thị.

Lệnh phong toả áp dụng tại Trung Quốc do dịch Covid-19 đã gây ra sự gián đoạn chưa từng thấy trong chuỗi cung ứng nguyên vật liệu và hàng hóa toàn cầu.

Lệnh phong toả áp dụng tại Trung Quốc do dịch Covid-19 đã gây ra sự gián đoạn chưa từng thấy trong chuỗi cung ứng nguyên vật liệu và hàng hóa toàn cầu.

Tại Việt Nam, dù có những mặt hàng tăng rõ rệt, như thực phẩm đóng gói (tăng 26%), các loại sữa (10%), sản phẩm chăm sóc cá nhân (29%), nhưng sự gia tăng này là mua dự trữ chứ không phải sự gia tăng tiêu dùng lành mạnh. Hầu hết doanh nghiệp (DN) trong các lĩnh vực khác đều hy vọng tình hình dịch bệnh ở Trung Quốc sẽ sớm được khống chế, qua đó giúp nhiều ngành hàng hồi phục nhanh. Tuy nhiên, dù điều đó có xảy ra, thì đến thời điểm hiện nay, lượng đơn đặt hàng vẫn đang ở mức thấp nhất, thậm chí không có, như đối với hàng may mặc, thời trang, giày dép, điện tử, xe, đồ nội thất… 

Ở Việt Nam, đơn đặt hàng của những DN phụ thuộc xuất khẩu đang bị hủy mỗi ngày, đặc biệt là đơn hàng từ các nước châu Âu và Mỹ. Một hậu quả nữa là các công ty giao nhận, vận tải hàng hóa tại Việt Nam cũng đang giảm từ 25% - 70% lượng hàng. Một số doanh nghiệp vừa và nhỏ (DNVVN) đã tuyên bố phá sản, ngành công nghiệp đang bị đe dọa, mặt bằng kinh doanh bị trả lại, lĩnh vực bất động sản và xây dựng trì trệ.

Có thể nói, Việt Nam đang đứng trước một thực tế, là bất chấp những ồn ào gần đây về kinh tế số, người tiêu dùng và lực lượng lao động vẫn là trung tâm của nền kinh tế hiện đại. Và, khi các nhân tố chủ chốt này bị tác động, mọi thứ sẽ bị ảnh hưởng theo hiệu ứng dây chuyền.

Cần thiết chuyển kênh

Khi phải ở nhà nhiều hơn, người tiêu dùng sẽ giảm mạnh lượng chi tiêu. Khảo sát của CEL Consulting cho thấy, doanh thu của các công ty hoạt động trong lĩnh vực bán lẻ, phân phối và dịch vụ hậu cần (không bao gồm thương mại điện tử và giao hàng chặng cuối) đã giảm 25% trong quý I/2020 và được dự báo sẽ không phục hồi trong năm nay.

Bên cạnh đó, giãn cách xã hội vì dịch bệnh đã buộc người tiêu dùng tại thành thị lựa chọn những cách mua sắm an toàn hơn. Vì vậy, thương mại điện tử và dịch vụ giao hàng tận nhà đã trở nên cấp thiết, giúp các công ty và nhà hàng nhỏ duy trì hoạt động ở mức nhất định dù có lệnh đóng cửa. Hiện, các cơ sở này đều không phục vụ tại chỗ, mà chỉ cho phép mang đi, hoặc giao hàng tận nơi.

thương mại điện tử và dịch vụ giao hàng tận nhà đã trở nên cấp thiết, giúp các công ty và nhà hàng nhỏ

Thương mại điện tử và dịch vụ giao hàng tận nhà - cứu cánh cho những công ty và nhà hàng nhỏ giữa mùa dịch bệnh

Theo Lazada Group, số đơn hàng giao tận nhà ở Singapore đã tăng 300%, và dịch vụ giao hàng của Grab cũng tăng 200% tại Bangkok. Dù số liệu chính thức hiện vẫn chưa được công bố, song sự tăng trưởng tương tự cũng đang được nhìn thấy ở các thành phố lớn tại Việt Nam.

Về tổng quan, một lượng lớn hàng hóa đã được chuyển sang các kênh mua sắm trực tuyến. Dẫu vậy, một trong những thách thức lớn nhất mà sự thay đổi này mang lại đối với kênh phân phối nội địa chính là năng lực vận chuyển hàng hóa đường dài. 

Chắc chắn, sự vận chuyển giữa hai miền Bắc - Nam sẽ gặp khó, khi đây là thời điểm việc vận chuyển bằng đường hàng không và đường sắt bị hạn chế tối đa. Xe tải chạy đường dài cũng sẽ trở nên thiếu, và điều này sẽ kéo theo sự chậm trễ và gián đoạn không mong muốn trong việc giao nhận hàng hóa.

Trong một diễn biến khác, khi người tiêu dùng bắt đầu quen với việc giao hàng tận nơi, thì thương mại điện tử sẽ phát triển nhanh. Đây chắc chắn sẽ là xu hướng cơ bản trong ngành hàng tiêu dùng. Ngoài ra, cuộc khủng hoảng do virus corona chủng mới cũng sẽ thúc đẩy hơn nữa tiến trình xây dựng chính phủ điện tử, tạo điều kiện thuận lợi hơn cho người dân thực hiện các nghĩa vụ hành chính trực tuyến, qua đó tránh được tình trạng chờ đợi lâu lắc và thói quan liêu.

Xu hướng mới sẽ là?

Trong khi một số quốc gia đang gặt hái nhiều kết quả hứa hẹn trong cuộc chiến chống Covid-19 như Hàn Quốc, Nhật Bản và Trung Quốc, các nước Âu, Mỹ dường như vẫn sẽ phải đối mặt với việc phong tỏa ít nhất cho đến tháng 6 hoặc 7. Thế nên, dù là trong kịch bản Covid-19 được khống chế, thì thời điểm để các nước Âu, Mỹ phục hồi sớm nhất cũng phải là trong quý III và IV/2020.

Ấy là chưa kể đến việc các thị trường chứng khoán Mỹ vẫn bất ổn, cộng thêm nỗi lo về một cuộc khủng hoảng kinh tế toàn cầu sắp đến, dù một lượng lớn tiền mặt đã được Cục Dự trữ Liên bang (FED) bơm vào thị trường để hỗ trợ cho nền kinh tế. Bên cạnh đó, dù cho các quốc gia khác có xu hướng phục hồi nhanh thế nào đi nữa, nhưng nếu Mỹ bị ảnh hưởng nặng nề bởi Covid-19, nền kinh tế thế giới cũng sẽ phải đối mặt với các thách thức nghiêm trọng vào những tháng tới. 

Dù vẫn còn sớm để dự báo thế giới sẽ ra sao sau khi đại dịch Covid-19 kết thúc, thì một điều chắc chắn là nền kinh tế thế giới và chuỗi cung ứng toàn cầu sẽ có sự chuyển biến đáng kể

Do tình hình dịch bệnh, DNVVN trong chuỗi cung ứng sẽ phải chống chọi hoặc thậm chí biến mất, để lại lỗ hổng lớn trong chuỗi cung ứng và buộc các DN phải tìm đối tác khác.

Theo khảo sát của CEL Consulting, 80% DN Việt Nam đã hoặc đang xem xét triển khai các chương trình khuyến mãi đặc biệt để đảm bảo doanh số tối thiểu; và 60% trong số đó đã thay đổi dòng sản phẩm. Các công ty cần phải đổi mới và tái cơ cấu, trong bối cảnh tiêu dùng biến động và xu hướng tiêu dùng mới lên ngôi. Và, chắc chắn các DN không thể thích nghi đủ nhanh với hoàn cảnh mới rồi sẽ bị loại khỏi “cuộc chơi”.

Ngay cả khi vẫn còn sớm để dự báo thế giới sẽ ra sao sau khi đại dịch Covid-19 kết thúc, thì một điều chắc chắn là nền kinh tế thế giới và chuỗi cung ứng toàn cầu sẽ có sự chuyển biến đáng kể. Một vài xu hướng đã bắt đầu xuất hiện, như:

- Đặt hàng trực tuyến trở thành thói quen phổ biến của người tiêu dùng và sự phổ biến của các kênh thương mại điện tử sẽ ngày càng được khẳng định.

- Các chuỗi cung ứng được địa phương hóa, từ đó làm giảm sự phụ thuộc vào thị trường xuất khẩu. Người tiêu dùng sẽ ưu tiên cao hơn cho các sản phẩm địa phương thay vì hàng nhập khẩu.

- Yêu cầu về nguồn gốc hàng hóa và việc tuân thủ các tiêu chuẩn an toàn của người tiêu dùng sẽ tăng.

- DNVVN trong chuỗi cung ứng sẽ phải chống chọi hoặc thậm chí biến mất, để lại lỗ hổng lớn trong chuỗi cung ứng và buộc các DN phải tìm đối tác khác.

- Sự triển khai nhanh chóng của các giải pháp kỹ thuật số sẽ làm cho hiệu suất kinh doanh tăng cao và các đối tác thuộc chuỗi giá trị sẽ được kết nối khăng khít hơn.

- Các dịch vụ thuê ngoài, như logistics, sản xuất để sản xuất, kinh doanh linh hoạt hơn sẽ tăng tốc.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Nền kinh tế đang bắt đầu có những chuyển biến đáng kể vì Covid-19
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO