Một giải pháp kích cầu?

VŨ CHI| 08/07/2009 04:33

Dù không nằm ngoài tầm ảnh hưởng của suy thoái kinh tế toàn cầu, nhưng thời gian qua, tình trạng tiêu dùng ở VN hầu như không hề suy giảm. Nhưng xu hướng này không đáng mừng...

Một giải pháp kích cầu?

Dù không nằm ngoài tầm ảnh hưởng của suy thoái kinh tế toàn cầu, nhưng thời gian qua (tính từ tháng 9/2008), tình trạng tiêu dùng ở VN hầu như không hề suy giảm. Nhưng xu hướng này không đáng mừng, trái lại đặt ra một bài toán khác cho giải pháp kích cầu hiện nay.

Hàng xa xỉ vẫn vững như kiềng

Theo số liệu thống kê của Bộ Công Thương, tính chung 5 tháng đầu năm, nhập khẩu ước đạt 23,98 tỷ USD, bằng 63% so với cùng kỳ năm trước.

Có thể nói nhu cầu tiêu dùng trong nước của người trẻ đang rất sung sức, nhất là những sản phẩm có giá trị lớn như xe hơi. Chính vì thế mà VN luôn là điểm đến của những dòng xe sang trọng như Ferrari F430, Mercedes SLR, Audi R8, Porsche, Rolls-Royce Phantom mui trần 2009, Lexus LS600HL… Thực vậy, nhập khẩu 5 tháng đầu năm của nhóm hàng tiêu dùng có dấu hiệu tăng mạnh như ô tô nguyên chiếc là 15,5%, xe máy nguyên chiếc 18,6%..., trong khi đó nhóm hàng nhập khẩu phục vụ cho sản xuất chỉ tăng từ 4-5%.

Đại diện một hãng phân phối điện thoại tại TP.HCM cho biết, năm qua đã bán ra không dưới 2 triệu chiếc điện thoại di động. Năm 2009, tuy không quá lạc quan nhưng các nhà phân phối điện thoại di động cho rằng thị trường vẫn tiếp tục tăng trưởng với mức không dưới 10%. Trong khi đó, thị trường các mặt hàng xa xỉ như đồng hồ, nước hoa, thời trang và xe cao cấp vẫn khá nhộn nhịp.

Điển hình như thị trường xe tay ga trị giá 20 - 40 triệu đồng một chiếc vẫn “sốt” từ đầu năm đến nay. Anh Lê Văn Hùng, Tổng giám đốc Công ty Hoa Anh, chuyên nhập khẩu rượu cho biết, thị trường rượu ngoại nhập vào thời điểm này vẫn tăng 20% về số lượng và từ 5-10% về giá cả. Bà Nguyễn Thị Điền, Tổng giám đốc Công ty May An Phước, cho hay, thời trang cao cấp vẫn không giảm.

Nên kích cung hay cầu?

Một chuyên gia kinh tế khẳng định: “Cơn bão suy thoái ảnh hưởng mạnh đến người có thu nhập trung bình và thấp, nhưng với những người có thu nhập từ 20 triệu đồng/tháng trở lên thì suy thoái kinh tế không bị ảnh hưởng nhiều. Điều này đã giúp các thương hiệu cao cấp sống khỏe”.

Điều đáng nói là trong những tháng đầu năm nay, mục đích của kích cầu nhắm tới là hàng sản xuất trong nước chứ không phải kích cầu hàng nhập khẩu, đặc biệt là hàng xa xỉ. Việc nhập khẩu hàng hóa xa xỉ có giá trị lớn giữa lúc tình hình kinh tế khó khăn, hàng hóa của nhiều DN không tiêu thụ được và bội chi ngân sách là khó chấp nhận.

Trước tình hình trên, một số chuyên gia kinh tế, khi phân tích tình hình nhập khẩu đã chỉ ra rằng, lẽ ra cần phải kích cung thay vì kích cầu. Lấy ví dụ trong ngành xe hơi, thay vì chỉ đưa lộ trình và tỉ lệ nội địa hóa đơn giản, các DN nên chọn ra các chi tiết hay bộ phận cụ thể mà trong nước có khả năng sản xuất, kể cả việc xuất khẩu ngược lại cho các hãng xe đang kinh doanh tại VN, coi như đây là bước đệm cho đầu ra sản phẩm của các DN.

Dĩ nhiên điều này cần sự hỗ trợ rất nhiều từ phía Chính phủ, chẳng hạn như khuyến khích các DN làm ra các sản phẩm phụ trợ này, chứ không phải ưu đãi cho các hãng nhập khẩu và lắp ráp xe hơi.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Một giải pháp kích cầu?
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO