M&A 6 tháng đầu năm 2013: Chững lại để chờ thời

LÊ MỸ/DĐDN| 13/07/2013 05:27

Giống như năm 2012, mặc dù hoạt động mua bán và sáp nhập (M&A) DN vẫn diễn ra sôi động, song tổng số giá trị các thương vụ giảm; tình hình thị trường M&A 6 tháng đầu năm 2013 cũng không có nhiều biến động. Mặc dù, một số lĩnh vực lại vẫn đang âm ỉ chờ thời điểm chín muồi để bùng nổ các deal mới.

M&A 6 tháng đầu năm 2013: Chững lại để chờ thời

Giống như năm 2012, mặc dù hoạt động mua bán và sáp nhập (M&A) DN vẫn diễn ra sôi động, song tổng số giá trị các thương vụ giảm; tình hình thị trường M&A 6 tháng đầu năm 2013 cũng không có nhiều biến động. Mặc dù, một số lĩnh vực lại vẫn đang âm ỉ chờ thời điểm chín muồi để bùng nổ các deal mới.

Năm 2013, Báo cáo về thị trường M&A của Stox Plus dự báo bất động sản (BĐS), thực phẩm, đồ uống, xi măng, ngân hàng và tài chính tiêu dùng sẽ tiếp tục là tâm điểm nóng. Dự báo này có nhiều phần đúng. Hoạt động M&A trên thị trường thực tế đã diễn ra chủ yếu quay quanh các lĩnh vực này.

Điểm sáng M&A bất động sản

Điển hình trên thị trường BĐS là vụ sang nhượng Tổ hợp Trung tâm Thương Mại - Khách sạn Vincom Center A TP. HCM từ CTCP Tập đoàn Vingroup với bên nhận chuyển nhượng là CTCP Tập đoàn Phát triển hạ tầng và BĐS VN (VIPD). Giá trị thương vụ là 9.823 tỉ đồng. Lợi nhuận sau thuế của việc chuyển nhượng toàn bộ toà nhà ước tính khoảng 4.300 tỉ đồng. Để thực hiện thương vụ này, Vingroup đã thực thi góp vốn thêm 4.044 tỉ đồng vào Cty TNHH MTV dịch vụ thương mại và đầu tư Tương Lai, tăng vốn điều lệ từ 6 tỉ đồng lên 4.050 tỉ đồng vào cuối tháng 2/2013. Hình thức góp vốn thông qua việc chuyển nhượng toàn bộ Vincom Center A tại khu tứ giác vàng Eden 53 Lê Thánh Tôn, 171 Đồng Khởi, 6A Lê Lợi, 116 Nguyễn Huệ, phường Bến Nghé, quận 1, TPHCM.

Cũng vẫn là Vingroup, một thương vụ sang nhượng cổ phần khác đã được Tập đoàn này thực hiện với việc hợp tác cùng quỹ đầu tư vốn tư nhân lớn thứ 5 thế giới Warburg Pincus. Đầu tiên, Vingroup và các Cty con đã chuyển nhượng toàn bộ vốn góp tương ứng giá trị 2.325 tỉ đồng tại các Cty con quản lý hệ thống trung tâm thương mại Vincom Bà Triệu, Hải Phòng, Long Biên và Vincom Center B sang Vincom Retail – một “bước đệm” theo đánh giá của CTCK Bản Việt để chuẩn bị về mặt quản lý tài sản và báo cáo tài chính nhằm thu hút vốn đầu tư ngoại. Quả nhiên không lâu sau, Warburg Pincus đã chính thức ký hợp đồng góp 200 triệu USD để mua khoảng 20% cổ phần trong Vincom Retail, Cty thành viên của Vingroup. Giá trị thương vụ được đánh giá là mức đầu tư lần đầu lớn nhất từ trước đến nay của một quỹ đầu tư toàn cầu vào một DN của VN.

Vào trung tuần tháng 6, Vingroup có công văn gửi Sở giao dịch chứng khoán về việc thành lập Cty Thế hệ mới, từ công ty TNHH thương mại đầu tư và phát triển Thời Đại – cũng một thành viên của Vingroup. Theo đó, vốn điều lệ của Cty Thế Hệ Mới là 1.439 tỉ đồng, Vingroup sở hữu 100%. Thế Hệ Mới có địa chỉ tại 72 Lê Thánh Tôn và 47 Lý Tự Trọng TP HCM và đây cũng chính là địa chỉ của tổ hợp dự án Vincom Center B. Đồng thời, Thời Đại là Cty con của Vingroup, được tăng vốn từ 6 tỉ đồng lên 3.000 tỉ đồng vào tháng 10/2012, sau khi Vingroup chuyển giao sở hữu một phần dự án nêu trên. Không loại trừ khả năng đây có thể cũng là một động thái chuẩn bị cho một hoạt động M&A mới? ; hoặc là một bước đi tái cơ cấu lại tổ chức và hoạt động của Vingroup.

Nhiều nhà đầu tư trong ĐHCĐ thường niên 2013 của Vingroup đầu tháng 6 cũng chuyền tin nhau về một thương vụ đang đàm phán và sắp hoàn thành việc bán một phần dự án. Thông tin này khá trùng với dự đoán nói trên. Nếu thật như vậy, rõ ràng các dự án của Vingroup đã và đang được các nhà đầu tư đánh giá rất cao, kể cả trong thời buổi hàng loạt dự án BĐS cao ốc văn phòng tổ hợp thương mại phải nằm đắp chiếu vì xây dựng dở dang hoặc ế ẩm không người thuê mướn.

Khi đại gia tận dụng M&A

Nếu như trên thị trường địa ốc, Vingroup là một đại gia lớn đang nhiệt tình tham gia thị trường M&A thì Hoàng Anh Gia Lai (HAG) cũng không hề thua kém. Khác với Vingroup, HAG đã tham gia thị trường chuyển nhượng dự án (chủ yếu là dự án nhà ở chung cư) từ rất sớm cách đây mấy năm. Và nay khi trở lại với động thái M&A, đích nhắm của HAG có lẽ vẫn là một số dự án BĐS đã phát triển; kèm theo, là các dự án thủy điện.

Đại gia muốn bán dự án, liệu thị trường có người mua? Câu trả lời là, có cung tốt ắt có cầu tốt. Một nguồn tin cho hay trong 6 dự án thủy điện đang phát triển, HAG đều đã tìm được nhóm khách hàng trong nước đầu tư. Đây có thể xem là tin tốt lành cho các cổ đông HAG, đặc biệt là nhóm cổ đông ngoại, mặc dù lĩnh vực thủy điện luôn được đánh giá có tiềm năng sinh lợi lớn (do nhu cầu thị trường VN) và HAG đã đi gần hết chặng đường đầu tư ban đầu. Vì cơ bản thủy điện vẫn là một lĩnh vực ngốn vốn, khả năng quay vòng và thu hồi vốn chậm, chưa kể những tác động đi kèm về vấn đề môi trường, môi sinh.v.v. có thể ảnh hưởng đến thương hiệu và tiêu chí đầu tư của các nhóm cổ đông này.

Một đại gia khác, trong top đầu về vốn hóa thị trường trên sàn chứng khoán là Masan, trong 6 tháng đầu năm 2013 cũng liên tiếp có thông tin về hoạt động M&A. Theo đó, Masan đã hoàn tất mua Proconco (Cám Con cò) để hoàn thiện chuỗi cung cấp thức ăn chăn nuôi thông qua mua Hoa Mười Giờ, mua nước khoáng Vĩnh Hảo để mở rộng sang lĩnh vực nước uống đóng chai, suối khoáng song song với cà phê. Các thương vụ của Masan đều được thực hiện trong năm 2012 và chỉ công bố sau khi hoàn tất song giới quan sát nhận định với tỉ lệ sở hữu chưa đạt như mong muốn, các thương vụ kể trên của Masan sẽ còn tiếp tục kéo dài để ít nhất Cty này sẽ tiến tới gần tới 100% vốn sở hữu. “Khi đó, Masan mới phát huy được khả năng chi phối từ chiến lược cho đến phân phối, thậm chí marketing cho các sản phẩm chứ không đơn thuần đóng vai trò của cổ đông lớn. Trong trường hợp này, Masan lợi thế hơn nhiều so với các nhà đầu tư ngoại đầu tư vào cùng ngành hàng thực phẩm, trừ lĩnh vực chăn nuôi với những ông lớn quá bài bản từ Thái như CP Group”, một chuyên gia về M&A nhận định.

Vốn đến từ đâu?

Cũng như các năm trước, thị trường M&A VN hưng thịnh phần lớn nhờ nguồn vốn ngoại. Theo một thống kê trong quý I/2013, quy mô thị trường đã đạt khoảng 676 triệu USD với 14 thương vụ. Trong đó, ngoài các thương vụ bán dự án, cổ phần đã nêu thì thị trường còn có các thương vụ điển hình như Tập đoàn khách sạn Minor International mua lại hai khu nghỉ dưỡng Life Heritage Resort Hội An và Life Resort Quy Nhơn với giá 16 triệu USD; Cty Berli Juker mua Cty Ichiban chuyên về đậu hũ với giá 4,7 triệu USD...Những dự án này chủ yếu được thực hiện bởi bên mua đến từ Nhật Bản – xuất phát điểm chính của dòng vốn M&A tại VN trong năm 2012.

Liên quan đến hoạt động của DN Nhật Bản tại VN, một nhà xúc tiến thương mại đến từ Osaka trong một Diễn đàn Giao lưu Việt Nhật cũng cho biết, khác với những năm trước, hoạt động đầu tư của Nhật ra nước ngoài chủ yếu tập trung ở các Cty lớn, thì bắt đầu từ 2012 và mạnh lên trong 2013, dòng vốn này có sự góp sức của rất nhiều DNVVN Nhật Bản. Vì lẽ đó, ông này cho biết không loại trừ có rất nhiều dòng vốn góp đầu tư tư nhân vào các Cty nhỏ của VN, theo hình thức liên doanh, góp vốn cổ phần, ủy thác đầu tư hoặc liên kết trong một chuỗi cung ứng giá trị giữa hai thị trường Nhật Bản – VN và mở rộng ra là các thị trường quốc tế, mà những số liệu thống kê về nguồn vốn và thương vụ thỏa thuận hợp tác, M&A có thể bỏ qua.

Một thống kê mới nhất từ Bloomberg ngược lại cho biết trong nửa đầu năm 2013, số lượng các thương vụ M&A của DN Nhật đã giảm đi rất mạnh và thấp nhất trong vòng 9 năm qua. Tổng giá trị các thương vụ cũng mất gần phân nửa (khoảng 47% so với đầu năm 2012). Nguyên do được Bloomberg chỉ ra là đồng Yên đã tụt dốc quá thấp và các nhà đầu tư Nhật đã tỏ ra dè chừng khi thực hiện các thương vụ M&A, do lo ngại lợi ích bị ảnh hưởng. Dù vậy, sự thống trị của DN Nhật trên thị trường M&A tại VN, và trải rộng ở khắp các lĩnh vực từ ngân hàng, tài chính tiêu dùng, công nghệ, thực phẩm, sản xuất…trong những năm qua cho đến hiện nay, vẫn củng cố thêm cơ sở cho dự báo của Stox Plus rằng tương lai M&A 2013, phần lớn vẫn thuộc về nguồn vốn Nhật.

Cơ sở này hoàn toàn có lý khi chính CEO của Tổ chức Nghiên cứu và Quản trị tài chính doanh nghiệp Nhật Bản– RECOF, ông Yoshimitsu Onji, cũng cho rằng dù đã có rất nhiều DN Nhật Bản đầu tư sản xuất tại các khu công nghiệp VN, song vẫn còn đó những DN khác ngoài nhu cầu mua lại các nhà máy, cơ sở sản xuất họ còn có mục tiêu thâu tóm được hệ thống phân phối cũng như nguồn lao động chất lượng.

Hơn nữa, “xu hướng dân số giảm của Nhật Bản vẫn chưa dừng lại, và tình trạng giảm sinh, dân số già tiếp tục kéo dài đang khiến cho thị trường tiêu dùng đang ngày càng bị thu hẹp. Để duy trì tốc độ tăng trưởng ổn định, các DN Nhật Bản không còn cách nào khác là phải tích cực đầu tư vào các quốc gia mới nổi. Đây rõ ràng không phải là xu hướng một sớm một chiều và theo đó làn sóng đầu tư mạnh mẽ của các DN Nhật Bản vào VN được dự báo sẽ còn tiếp tục kéo dài”, ông Yoshimitsu Onji nói.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
M&A 6 tháng đầu năm 2013: Chững lại để chờ thời
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO