Làm gì để du lịch thoát “ngủ đông”?

Hồng Nga - Thảo Minh| 10/08/2020 05:14

Mới bắt đầu vào nhịp nhờ các chương trình kích cầu nội địa thì nay ngành du lịch lại khó khăn với đợt bùng phát Covid-19 thứ hai. Ngành du lịch sẽ phải làm gì để thoát cảnh “ngủ đông” lần hai?

Làm gì để du lịch thoát “ngủ đông”?

Du lịch biển Việt Nam còn nhiều tiềm năng phát triển - Ảnh: TTXVN

Lại tiếp tục khó

Hai tuần vừa qua là thời gian các doanh nghiệp (DN) ngành du lịch tất bật với bao nhiêu việc nhưng không phải vì nhiều tour, tuyến, khách hàng mà là để giải quyết vấn đề hủy, hoãn tour khi dịch Covid-19 lại bùng phát. Theo thống kê sơ bộ của Sở Du lịch TP.HCM, từ khi dịch Covid-19 lần hai bắt đầu, đến nay đã có hơn 35.000 chương trình du lịch gồm tour trọn gói, tour tự chọn, các dịch vụ khách sạn, vé máy bay, điểm tham quan... của các DN bị hủy, hoãn. Trong đó, Vietravel chỉ trong hai ngày (26 và 27/7/2020) đã hủy gần 21.000 chương trình với doanh thu dự kiến là 88,6 tỷ đồng, Saigontourist với hơn 10.000 chương trình bị hủy... Các DN như Bến Thành Tourist, Lữ hành Fiditour, Hòa Bình, TST, Đất Việt... cũng bị hủy từ 5.000 chương trình trở lên.

Đến nay, khi dịch bệnh lan rộng hơn, không những tour đến khu vực có dịch, tour cho mùa Hè mà hàng loạt sự kiện hội họp, ẩm thực cũng bị hủy trên diện rộng. Hiện đã có hàng nghìn chương trình du lịch chương trình đi Phú Quốc, Nha Trang, Hà Nội, Đà Lạt... cũng bị hủy. Không chỉ các DN tại TP.HCM, DN du lịch của nhiều địa phương cũng trong tình trạng tương tự. Theo đại diện của bookingthongminh.com, chỉ trong 5 ngày (từ 27-31/7/2020), công ty đã xử lý việc hủy, dời chuyến cho 1.000 vé đi Phú Quốc, Hà Nội, Chu Lai... của 4 hãng hàng không. Ông Nguyễn Như Nam - Tổng giám đốc Công ty CP Du lịch Việt Nam (TravelMart) cho biết, trong tháng 8 này công ty có khoảng 10.000 khách từ Đà Nẵng du lịch đến các địa phương khác như Hạ Long, Phú Quốc, Đà Lạt, Quy Nhơn, Phú Yên... nhưng cũng rục rịch hủy tour.

Doanh thu ngành du lịch TP.HCM bị ảnh hưởng nghiêm trọng bởi Covid-19. Tính đến tháng 7/2020, khách du lịch đến TP.HCM chỉ đạt 9,4 triệu lượt, giảm 54,7% so với cùng kỳ năm 2019, doanh thu đạt hơn 34.000 tỳ đồng, giảm 49,6% so với cùng kỳ năm trước. Khách du lịch quốc tế đến thành phố chỉ đạt 1,3 triệu lượt, giảm 70% so với năm trước. Tương tự, doanh thu du lịch lữ hành 7 tháng đầu năm của Đà Nẵng đã giảm đến 58,6% so với cùng kỳ năm 2019. Sự bùng phát bất ngờ của dịch Covid-19 tại thành phố này, vốn đang trong mùa cao điểm du lịch một lần nữa khiến các hoạt động bị tê liệt, các kế hoạch kích cầu, lễ hội trong thời gian tới đều bị tạm hoãn hoặc hủy bỏ.

Cũng trong tình cảnh khó khăn này, lãnh đạo UBND TP. Hội An cho biết, từ đầu tháng 6 đến trước ngày 25/7/2020, Hội An thu hút khoảng 10.000 khách nội địa vào dịp cuối tuần. Khi Covid-19 lây lan trong cộng đồng, hoạt động du lịch Hội An hứng chịu tác động nặng nề khi du khách hủy tour hàng loạt.

Theo các chuyên gia, đợt dịch bệnh này sẽ khiến các DN khó khăn gấp bội, thậm chí sẽ có làn sóng DN rời thị trường nhiều hơn. Trước khi có đợt bùng phát dịch lần này, DN ngành du lịch đã cực kỳ khó khăn. Theo số liệu của Tổng cục Thống kê, 7 tháng qua, doanh thu dịch vụ lữ hành ước tính đạt 11,1 nghìn tỷ đồng, giảm 55,4% so với cùng kỳ năm trước. Doanh thu mảng dịch vụ lưu trú, ăn uống đạt gần 281 nghìn tỷ đồng, giảm 16,6% so với cùng kỳ năm ngoái. Vận tải hàng không chỉ đạt 20,8 triệu lượt khách, giảm 35,8% so với cùng kỳ. Một số địa phương có thế mạnh về du lịch như Khánh Hòa, TP.HCM, Vũng Tàu, Cần Thơ, Quảng Ninh sụt giảm từ 50-70%.

Nhiều DN cho biết không thể chống chịu trước tình trạng suy giảm lượng khách, sụt giảm doanh thu quá mạnh và lâu dài. Nhiều công ty lữ hành đã đóng cửa, hàng loạt khách sạn, resort vẫn chưa thể mở cửa trở lại. Riêng tại TP.HCM, theo số liệu từ Savills Việt Nam, tính đến hết quý II/2020, tại trung tâm du lịch hàng đầu này có khoảng 40 khách sạn từ 3-5 sao phải tạm thời đóng cửa nên nguồn cung trên thị trường giảm sút. Thành phố chỉ còn 12.400 phòng từ 3-5 sao hoạt động, giảm 23% so với cùng kỳ năm ngoái.

Liên kết hỗ trợ

Tình trạng hủy dịch vụ dây chuyền, từ tour, vé máy bay, dịch vụ nhà hàng, phòng khách sạn, hội nghị... diễn ra dồn dập khiến nhiều DN đang đến ngưỡng không thể chống chọi. Một số DN cho biết sẽ tiếp tục thu hẹp quy mô để duy trì, số khác chuẩn bị tạm dừng hoạt động hoặc tạm chuyển hướng sang những mảng kinh doanh khác để có nguồn thu. Và hoạt động kinh doanh du lịch được cho là sẽ ảm đạm trở lại ít nhất trong tháng 8, và trước diễn biến khó lường của đại dịch có thể khiến DN lữ hành bước vào giai đoạn ngủ đông lần nữa.

Trước tình cảnh quá khó khăn của DN, các hiệp hội, hội ngành nghề đang đề xuất các phương án “giải cứu “ ngành du lịch và cũng đã gửi kiến nghị đến các cơ quan quản lý nhằm hỗ trợ DN vượt qua đại dịch. Theo bà Nguyễn Thị Khánh - Phó chủ tịch Thường trực Hiệp hội Du lịch TP.HCM (Hiệp hội), Hiệp hội đã có văn bản gửi các cơ quan quản lý về du lịch, hiệp hội du lịch các địa phương trên cả nước để kêu gọi liên kết hỗ trợ DN lữ hành trong việc đàm phán hủy, hoãn tour trong giai đoạn Covid-19.

Theo chia sẻ của bà Nguyễn Thị Khánh, khi hủy tour, khách yêu cầu công ty lữ hành hoàn tiền 100%, chỉ có một số người đồng ý hoãn chuyến vào thời gian thích hợp. Điều này khiến các DN lữ hành chịu áp lực rất lớn khi thực hiện việc hoàn tiền cho khách nhưng không được trả lại các khoản ứng trước, đặt cọc hoặc các khoản đã thanh toán dịch vụ cho nhà cung cấp vận chuyển, lưu trú, nhà hàng, hàng không... Do đó, Hiệp hội đề nghị các cơ quan quản lý du lịch, hiệp hội du lịch các địa phương trên cả nước vận động đơn vị cung ứng dịch vụ chia sẻ tổn thất và thiệt hại, không phạt hủy, hoãn tour, đồng thời hoàn tiền cho DN lữ hành để tạo điều kiện cho DN thanh toán với khách hàng.

Cũng nhằm hỗ trợ cho DN du lịch vượt đại dịch lần nữa, Sở Du lịch TP.HCM cho biết sẽ tiếp tục rà soát, đánh giá tình hình thiệt hại do ảnh hưởng dịch bệnh của các DN trong ngành và đề xuất UBND TP.HCM giải pháp tháo gỡ khó khăn. Các nhóm giải pháp được tập trung như đề nghị giãn thuế, giảm thời hạn thực hiện nghĩa vụ thuế, cho phép nộp chậm các loại thuế. Cùng với đó, Sở sẽ đề nghị Ngân hàng Nhà nước khẩn trương thực hiện biện pháp hỗ trợ DN, đặc biệt với DN trong lĩnh vực du lịch. Sở cũng nghiên cứu kịch bản để kịp thời chuẩn bị khôi phục du lịch sau khi dịch được kiểm soát tốt và có giải pháp hỗ trợ, tạo điều kiện cho DN du lịch cơ sở lưu trú, vận chuyển, mua sắm, ẩm thực phục hồi.

Trong các cuộc họp tháo gỡ khó khăn cho DN gần đây, Phó chủ tịch Thường trực UBND TP.HCM Lê Thanh Liêm cho biết, từ nay đến hết năm 2020, Thành phố sẽ tập trung vào việc hỗ trợ DN du lịch, chuẩn bị triển khai chương trình kích cầu du lịch, kế hoạch tăng cường xúc tiến du lịch, đa dạng hóa thị trường và sản phẩm du lịch. Đồng thời, thúc đẩy liên kết, hợp tác phát triển du lịch giữa thành phố với 13 tỉnh đồng bằng sông Cửu Long và các tỉnh Đông Nam Bộ, hướng tới hợp tác với các tỉnh Trung Bộ và Bắc Bộ. 

----------------------------------------------------------------------

Ông Hoàng Đức Huy - Tổng giám đốc TransViet 

[Caption]

Trong năm 2020, chiến lược của TransViet là ngoài nhiệm vụ tăng trưởng thị phần du lịch phổ thông để tiến gần tới mục tiêu top 3 công ty du lịch lớn nhất Việt Nam, TransViet cũng chính thức tham gia phân khúc du lịch cao cấp, mang đến cho khách hàng... Tuy nhiên, dịch bệnh Covid-19 khiến kế hoạch của TransViet bị thay đổi nhiều. 

Trong đợt dịch đầu tiên, có thể nói các công ty du lịch, trong đó có TransViet chỉ là ngủ đông, còn đợt dịch lần hai là ngủ sâu. Đợt dịch này đúng vào mùa du lịch cao điểm, vì vậy tổn thất cho các công ty du lịch là rất lớn.

Trước khi có đợt bùng phát dịch lần này, doanh nghiệp ngành du lịch cực kỳ khó khăn vì đại dịch. Theo số liệu từ Tổng cục Thống kê, bảy tháng qua, doanh thu dịch vụ lữ hành ước tính đạt 11,1 ngàn tỷ đồng, giảm 55,4% so với cùng kỳ năm trước.

Khi khách hàng hủy tour, các hãng hàng không chỉ có chính sách bảo lưu tiền đặt cọc, đồng ý cho đổi vé bay vào thời gian khác trong thời hạn tối đa là 180 ngày mà không hoàn lại tiền cho đơn vị lữ hành. Ngược lại, khách hàng lại chỉ mong muốn công ty du lịch hoàn trả 100% tiền phí mua tour. Vì vậy, ngoài việc công ty phải hoàn tiền 100% cho khách hàng đã mua tour, chúng tôi phải đưa ra giải pháp, tiết giảm chi phí tối đa.

Trong kịch bản lạc quan là có thể thời điểm gần cuối năm, dịch không lan rộng và kiểm soát tốt như ba tháng qua thì tâm lý khách hàng cũng vẫn e dè, chưa thật an tâm để đi du lịch.

Hiện tại, đa số công ty du lịch đều chưa tìm được lối đi. Điều mà doanh nghiệp cần nhất lúc này là hỗ trợ từ Chính phủ. Trong bối cảnh khó khăn chung, có thể Chính phủ cũng khó đưa ra những gói hỗ trợ lớn cho du lịch nhưng có thể thực hiện ngay một số chính sách hỗ trợ. Trong đó, có chính sách giãn thuế, cho phép doanh nghiệp nợ thuế vẫn có thể hoạt động thêm một thời gian để có thể xoay xở tìm nguồn thu; cho vay ưu đãi, áp dụng cho vay tín chấp với doanh nghiệp lữ hành để có tiền trả lãi ngân hàng, trả lương nhân viên cốt cán.

Để vượt qua khó khăn và duy trì nguồn nhân lực, TransViet đã chuyển nhân lực sang mảng sản xuất nông nghiệp sạch, thực phẩm và hàng tiêu dùng an toàn. Riêng mảng du lịch thì vẫn giữ đội hình tối thiểu, chỉ khoảng 10% nhân viên.

Bà Nguyễn Nguyệt Vân Khanh - Phó giám đốc Ban Tiếp thị Công ty Du lịch Vietravel

[Caption]

Sau hơn ba tháng Việt Nam hoàn toàn khống chế được dịch, công ty đã rất hứng khởi chuẩn bị tất cả dịch vụ tốt nhất để đón chào một mùa du lịch Hè đang khởi sắc. Trước đó, công ty cũng đã rất thành công khi bán khoảng 5.300 tour trong khuôn khổ Ngày hội Du lịch TP.HCM 2020.

Việc dịch Covid-19 trở lại lần hai như một cơn "địa chấn" ảnh hưởng đến cả ngành du lịch. Nhằm đảm bảo an toàn cho du khách và tuân theo đúng chỉ đạo của Nhà nước, Công ty Vietravel đã bắt đầu hoãn, hủy các tour khởi hành đến Đà Nẵng với tổng số đoàn là 110 đoàn (khoảng 4.500 lượt khách). Tính đến ngày 5/8/2020, công ty đã hủy 22.302 lượt khách, với doanh thu là 102 tỷ, tuy nhiên nếu tình hình dịch bệnh vẫn tiếp tục diễn biến phức tạp thì dự báo doanh thu và lượt khách tiếp tục bị hủy sẽ tăng thêm. Tuy nhiên, đúc kết từ những kinh nghiệm trải qua ở đợt dịch lần một, Vietravel đã ngay lập tức có những kịch bản ứng phó kịp thời xử lý các tình huống khẩn cấp cũng như giải quyết yêu cầu thỏa đáng cho khách hàng.

Khác với thời điểm đầu tiên khi dịch Covid-19 bùng lên, đợt hai này sẽ là thời gian rất khó khăn với ngành du lịch. Tâm lý khách hàng sẽ e dè hơn, thị trường sẽ chậm hồi phục hơn sau hai “cơn sóng", các địa phương có ca nhiễm cũng cần có thời gian để khởi động trở lại các dịch vụ như điểm lưu trú, nhà hàng, khu du lịch... Chúng tôi dự đoán trong 6 tháng đầu năm 2021 là thời điểm "vàng" để tái khởi động và kích cầu thị trường. Chính phủ cần áp dụng các gói hỗ trợ doanh nghiệp, giảm thuế... để các doanh nghiệp mạnh dạn đưa ra các gói khuyến mãi và sản phẩm du lịch với giá tốt, thu hút du khách. Chúng tôi kỳ vọng Hè 2021 sẽ là giai đoạn ngành du lịch hồi phục hoàn toàn với sự an tâm của du khách khi dịch đã được khống chế.

Ông Nguyễn Minh Mẫn - Trưởng Phòng Truyền thông - Marketing TST Tourist

MinhMan-TST-2331-1597044202.jpg

Có thể nói, trong thời điểm từ khi phát sinh trường hợp bệnh nhân Covid-19 số 416 tại Đà Nẵng và lan rộng trên phạm vi nhiều tỉnh, thành cả nước, TST tourist đã làm việc cật lực ngày đêm để thương lượng với những nhà cung cấp dịch vụ như hàng không, điểm đến, khách sạn... để đảm bảo quyền lợi khách hàng trong việc hủy, dời ngày và đổi tuyến... Toàn bộ nhân lực trở lại công việc sau đợt giãn cách đã làm việc xuyên thời gian để gấp rút giải quyết công việc. Đến nay cơ bản đã tạm ổn và tiếp tục xử lý phát sinh từ diễn biến thực tế thị trường, ổn định tâm lý khách hàng và chống dịch.

Cho đến nay, tất cả tour du lịch trong nước có lịch khởi hành từ tháng 8 đã dừng lại để tập trung vào hai nhiệm vụ chính: giải quyết các vấn đề liên quan đến đối tác, nhà cung cấp dịch vụ và hỗ trợ khách hàng.

Mặc dù đã lên phương án xử lý trong trường hợp phát sinh dịch trở lại, nhưng diễn biến của dịch lần hai rất nhanh, vì vậy doanh nghiệp phải hao tốn rất nhiều năng lượng của đội ngũ nhân sự và tài chính. Chúng tôi rất mong sớm nhận được những giải pháp chung của ngành và hỗ trợ từ Chính phủ nhằm tháo gỡ những bài toán khó về đảm bảo giữ chân nguồn nhân sự chất lượng cao, giảm áp lực tài chính từ các khoản thuế, phí, điện, nước...  và đặc biệt là có biện pháp hữu hiệu trong các chính sách nhằm giúp doanh nghiệp lữ hành trụ vững trong khoảng thời gian ít nhất từ nay đến cuối năm, khi hầu hết thị trường khách quốc tế vào Việt Nam và thị trường khách đi ra các nước đã và đang tiếp tục đóng băng. 

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Làm gì để du lịch thoát “ngủ đông”?
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO