Kinh tế vỉa hè không 'ngược chiều' với đô thị văn minh

Kim Ngân - Trần Thanh| 26/08/2022 06:00

Vấn đề phát triển hay xóa bỏ kinh tế vỉa hè luôn được đặt ra đối với các đô thị lớn như TP.HCM. Liệu có cách nào để khai thác kinh tế vỉa hè mà vẫn không ảnh hưởng đến giao thông và mỹ quan đô thị?

Kinh tế vỉa hè không 'ngược chiều' với đô thị văn minh

Khách du lịch quốc tế thưởng thức ẩm thực vỉa hè ở Việt Nam

Nhìn từ thực tế

Đã từ lâu, quy hoạch vỉa hè được xem là vấn đề trọng tâm cần phải giải quyết. Bởi vì tiêu chí của một thành phố văn minh, hiện đại là vỉa hè phải thông thoáng, không có tình cảnh buôn bán lộn xộn. Vì vậy, trong các cuộc vận động chỉnh trang đô thị của TP.HCM đều không thể thiếu nội dung hành động vì môi trường xanh, sạch, đẹp và hô hào dẹp buôn bán lấn chiếm vỉa hè. 

Trở về năm 2017, một chiến dịch giải tỏa vỉa hè đã diễn ra rất quyết liệt ở quận 1, TP.HCM. Nhưng sau khi dọn dẹp thông thoáng được vài ngày, nhiều đoạn vỉa hè lại bị lấn chiếm. Cuối cùng, lãnh đạo thành phố quyết định dừng thi hành chiến dịch vì không đạt được kết quả như mong muốn. 

Theo TS. Nguyễn Văn Đáng - Viện Xã hội học, Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh, những vấn đề liên quan đến dân sinh nên được thực hiện mềm mỏng, linh hoạt vì nhu cầu kinh tế vỉa hè không thể chấm dứt hoàn toàn, nếu quá mạnh tay có thể gây ra những xung đột không đáng có giữa chính quyền và người dân.

TS. Võ Trí Thành - Viện trưởng Viện Nghiên cứu Phát triển thương hiệu và cạnh tranh, nguyên Phó viện trưởng Viện Nghiên cứu Quản lý kinh tế Trung ương bày tỏ: "Việc giữ lại kinh tế vỉa hè không đơn giản chỉ là chuyện gìn giữ một nét văn hóa".  Theo ông, kinh tế vỉa hè không những giúp thúc đẩy sự sáng tạo trong kinh doanh, dưỡng dục tình người mà còn giúp giảm thiểu xung đột, bất mãn giữa người với người.

ThS-KTS. Lê Nguyễn Hương Giang - người từng tham gia nghiên cứu về không gian vỉa hè tại TP.HCM cùng GS. Annette Kim - Đại học MIT, Mỹ (tác giả cuốn sách Đời sống vỉa hè Sài Gòn) cho rằng, buôn bán nhỏ trên vỉa hè đã trở thành nét văn hóa đặc thù tồn tại lâu đời ở các đô thị Việt Nam và là một trong những điểm hấp dẫn khách du lịch nước ngoài. 

Không còn là chuyện giữ hay dẹp

Lợi ích và tiềm năng do kinh tế vỉa hè mang lại có thể thấy rõ. Vấn đề của Việt Nam không phải là xóa bỏ hay giữ lại kinh tế vỉa hè, mà là quy hoạch kinh tế vỉa hè phát triển phù hợp với mỹ quan và giao thông đô thị.

Sau nhiều năm nghiên cứu về kinh tế vỉa hè ở một số nước, KTS. Lê Nguyễn Hương Giang nhận thấy mô hình "Freedom Trail" ở Boston, Mỹ phù hợp để Việt Nam có thể áp dụng, nhất là ở TP.HCM. Mô hình này tạo nên một con đường dài kết nối các di tích lịch sử, di sản văn hóa ở địa phương, du khách được tự do trải nghiệm mà không cần hướng dẫn viên. Trên con đường đó, hàng quán vỉa hè được tập trung bày bán mà không làm ảnh hưởng đến giao thông hay mỹ quan đô thị.

Sau 5 năm triển khai, phố hàng rong trên đường Nguyễn Văn Chiêm dần trở thành điểm đến quen thuộc của khách du lịch và người dân địa phương. Mô hình này đã tạo điều kiện cho các hộ dân ổn định cuộc sống. TP.HCM tiếp tục triển khai thêm nhiều tuyến phố hàng rong khác ở quận 5 và quận 1. 

Nhóm nghiên cứu về kinh tế vỉa hè do TS. Dư Phước Tân - Trưởng Phòng Nghiên cứu Quản lý đô thị, Viện Nghiên cứu Phát triển TP.HCM làm chủ nhiệm đã kiến nghị lãnh đạo thành phố xem xét thành lập Công ty CP Quản lý và Khai thác quỹ vỉa hè đô thị. Công ty này có trách nhiệm quản lý, duy tu, bảo dưỡng và phối hợp với các công ty về hạ tầng khác trong việc chỉnh trang đô thị. Để thuận tiện trong công tác quản lý, đề nghị giao luôn chức năng xử phạt cho Công ty CP Quản lý và Khai thác quỹ vỉa hè đô thị. Đến lúc đó, trật tự kinh doanh buôn bán trên vỉa hè sẽ tự động đi vào nề nếp. Những cá nhân hay hộ gia đình nào không nộp phí sẽ bị công ty này kiểm tra, xử phạt và không cho phép kinh doanh.

Theo ThS. Võ Thanh Tuyền - Phó trưởng Khoa Đô thị học, Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn (Đại học Quốc gia TP.HCM), việc cải tạo, quản lý vỉa hè để không bị tái chiếm là rất khó. Chính quyền TP.HCM nên có phương án từng bước giúp người dân hình thành thói quen sử dụng phương tiện giao thông công cộng thay thế xe hai bánh. Điều này sẽ giúp hình thành cách mua sắm tập trung tại các trạm dừng của phương tiện công cộng, thay vì mua sắm dọc các tuyến đường, góp phần giảm việc buôn bán lộn xộn trên vỉa hè. 

Dưới góc nhìn quản lý đô thị, không thể cứ chăm chăm vào yếu tố không gian mà quên mất những yếu tố mang giá trị văn hóa, xã hội. Hơn hết, việc duy trì kinh tế vỉa hè giúp trung hòa lợi ích của người dân lẫn chính quyền, giải quyết được nhiều nhu cầu thực tế. Để có một đô thị văn minh, hiện đại, cần chú trọng vào việc đồng thời vừa có được vỉa hè sạch sẽ, mỹ quan, vừa giữ được nét văn hóa đặc sắc vốn có. 

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Kinh tế vỉa hè không 'ngược chiều' với đô thị văn minh
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO