Không thể cứ trông chờ "giải cứu"

Thanh Ngân| 11/03/2021 03:56

Điệp khúc "giải cứu" nhiều năm nay liên tục xuất hiện khi vào mùa thu hoạch nông sản và càng lặp lại nhiều hơn khi Covid-19 xuất hiện.

Từ sau Tết Nguyên đán 2021 đến nay, điệp khúc "giải cứu" xuất hiện khắp nơi. Đặc biệt, mấy tuần qua, có hàng chục nghìn tấn nông sản tại Hải Dương phải nhờ nhiều ngành, nhiều doanh nghiệp trên khắp cả nước vào cuộc "giải cứu". Theo lãnh đạo tỉnh Hải Dương, do đến vụ thu hoạch nhưng địa phương bị phong tỏa nên nhiều loại nông sản như hành, cà rốt, bắp cải, súp lơ... đến kỳ thu hoạch (với 70% phục vụ thị trường nội địa và 30% xuất khẩu) bị ùn ứ.

Nhưng không chỉ Hải Dương, nhiều địa phương khác cũng kêu cứu vì không tìm được nơi tiêu thụ khi nông sản vào vụ thu hoạch. Cụ thể, cuối tháng 2/2021, Hợp tác xã nông nghiệp Đạ K’Nàng (Lâm Đồng) gửi đến các cơ quan chức năng hỗ trợ "giải cứu" hàng tấn nông sản tại địa phương do ảnh hưởng bởi dịch Covid-19 không tiêu thụ được. Trước Tết, dưa hấu tại Ninh Thuận cũng chờ "giải cứu" dù giá chỉ còn 1.000-1.500 đồng/kg. Rồi rau xà lách, bắp cải ở Gia Lai, hoa lay ơn ở Phú Yên bị thương lái bỏ cọc không lấy hoa tuần cận Tết. Hoa Đà Lạt cũng phải kêu gọi người tiêu dùng TP.HCM "giải cứu" vì không thể xuất khẩu trong khi thị trường trong nước lại giảm nhu cầu.

Tại Đồng Nai, hiện bưởi đang vào vụ thu hoạch nhưng không có thương lái, doanh nghiệp thu mua buộc địa phương cũng phải "cầu cứu" đến các đoàn thể. Nguyên nhân của việc này, theo đại diện Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Đồng Nai là do cung vượt cầu, xuất khẩu gặp khó khăn do ảnh hưởng của dịch Covid-19. Trong nước, bên cạnh tác động của việc lưu thông thì sản lượng cây có múi (cam, quýt...) dư thừa ở các vùng khác (một số tỉnh phía Bắc, đồng bằng sông Cửu Long) cũng góp phần làm bưởi rớt giá, khó tiêu thụ.

nong-san-4812-1615431678.jpg

Sau những lời kêu cứu của Hải Dương, các hệ thống bán lẻ như Co.opmart, Big C, MM Mega Market, Lotte... cùng nhiều doanh nghiệp trên khắp cả nước đã vào cuộc "giải cứu". Tuy hàng chục nghìn tấn nông sản Hải Dương được tiêu thụ nhưng theo thống kê chưa đầy đủ từ địa phương này, ngành nông nghiệp của tỉnh mất khoảng 100 tỷ đồng từ vụ mùa này do thiệt hại xuống giá, thu hoạch không bán kịp phải đổ bỏ, doanh nghiệp phải đền bù hợp đồng do hàng không chở xuất khẩu được vì chính sách "ngăn sống cấm chợ", thái độ "kỳ thị" nông sản Hải Dương của các địa phương.

Nhìn lại, các chuyên gia cho rằng, nông sản không thể cứ trông chờ vào việc "giải cứu". Đây chỉ là giải pháp tình thế và không bền vững. Hiện nay, khâu phân phối nội địa còn khá yếu kém, qua nhiều tầng nấc và chi phí cao khiến sản phẩm tới tay người dùng thường đội giá rất cao, trong khi nông dân bán quá thấp phải đổ bỏ. Đó là chưa kể khi gặp khủng hoảng (như dịch Covid-19 hiện nay), nông sản khó tiêu thụ, ùn ứ.

Để tạo đầu ra ổn định cho nông sản, trước tiên cần xây dựng mô hình vận hành chuẩn về tiêu thụ chuỗi, sản xuất, phân phối. Trong đó, cần lấy doanh nghiệp, nhà phân phối làm trung tâm liên kết với nông dân. Doanh nghiệp và nhà phân phối bắt buộc phải đưa ra chương trình và lịch thời gian tiêu thụ, từ đó đặt hàng nông dân sản xuất. Họ phải xây dựng được hệ thống logistics gồm cơ sở sơ chế, kho chứa, vận tải để có thể xử lý những tình huống ách tắc. Bên cạnh đó, phải lập cơ chế phù hợp để điều phối nhiệm vụ giữa các bên liên quan theo hướng đa kênh, đa cấp.

Với sự hội nhập sâu, giao thương toàn cầu, phát triển của hệ thống kinh doanh dựa trên Internet sẽ giúp nông nghiệp Việt Nam có khả năng thành công trong việc phát triển nông nghiệp đa dạng, ở quy mô nhỏ hơn hoặc liên kết nhiều trang trại nhỏ theo kiểu hợp tác xã hoặc chuỗi cung ứng nhỏ sẽ có nhiều triển vọng trong giai đoạn tới.

Nhìn xa hơn, cần tính đến yếu tố xuất khẩu và làm thế nào để khai thác hiệu quả các hiệp định thương mại để đẩy mạnh tiêu thụ nông sản Việt Nam ra thế giới. Lâu nay, Việt Nam đã xuất khẩu nông sản sang Mỹ và mới đây, khi Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam - Vương quốc Anh (UKVFTA) có hiệu lực, cơ hội cho nông sản Việt Nam ra nước ngoài càng tăng. Vấn đề là nông sản Việt phải nâng cao năng lực cạnh tranh về chất lượng, kiểm soát tốt dư lượng và giá thành đầu vào. Và mô hình tốt nhất hiện nay là phải có bàn tay của doanh nghiệp liên kết với nông dân.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Không thể cứ trông chờ "giải cứu"
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO