"Hiện tượng" Bitis Hunter và "bước đi" mới của giày Việt

NGUYÊN BẢO| 13/01/2017 08:29

Việc giày thể thao Bitis Hunter trở thành "hiện tượng" trên mạng xã hội thời gian gần đây liệu có tạo nên dấu mốc mới trong cuộc chinh phục người tiêu dùng nội xích lại gần hơn với hàng hóa "Made in Vietnam"?

Việc giày thể thao Bitis Hunter trở thành "hiện tượng" trên mạng xã hội thời gian gần đây liệu có tạo nên dấu mốc mới trong cuộc chinh phục người tiêu dùng nội xích lại gần hơn với hàng hóa "Made in Vietnam"? 

Đọc E-paper

Chỉ sau gần một ngày ra mắt (1/1/2017), MV Lạc trôi - sản phẩm âm nhạc mới nhất của Sơn Tùng MTP đã lập kỷ lục 4 triệu lượt xem trên kênh Youtube chính thức của nam ca sĩ này. Trong Lạc trôi, người xem bắt gặp hình ảnh Sơn Tùng mang giày thể thao Bitis Hunter - sản phẩm chủ lực của Công ty TNHH Sản xuất Hàng Tiêu dùng Bình Tiên (Bitis) tung ra thị trường trong năm 2016.

Độ nóng của MV đã khiến kênh bán hàng online của Bitis Hunter bị "nghẽn" và từ đó, Bitis Hunter được gọi bằng những cái tên mới như "Giày Lạc trôi", "đôi giày nóng nhất mạng xã hội"... Rồi hàng loạt những so sánh liên quan đến giá cả, chất lượng, mẫu mã... trong cuộc đua giữa Bitis Hunter với các tên tuổi quốc tế như Nike hay Adidas.

Thực ra, cùng với MV Lạc trôi, giày Bitis Hunter cũng được biết đến qua MV Đi để trở về của Soobin Hoàng Sơn hoặc gắn với hình ảnh của những nhân vật trẻ, có tầm ảnh hưởng như Diễm My 9X, người mẫu Hữu Vi...

Việc sử dụng hình ảnh người nổi tiếng để PR, quảng cáo cho sản phẩm xưa nay không hiếm thương hiệu trong nước thực hiện, nhưng với những gì đang diễn ra có thể thấy, Bitis đã thành công khi tạo được sự chú ý, sức hút với khách hàng mục tiêu - những người trẻ trong độ tuổi dưới 25 và bước qua giới hạn của chính họ, vốn xưa nay được định vị chủ yếu ở dòng sản phẩm dép xốp và giày xăng đan giá cả bình dân.

Dĩ nhiên, nếu xét về độ lớn thương hiệu, Bitis chưa thể sánh ngang với Nike - nhà sản xuất giày thể thao hàng đầu thế giới hiện sản phẩm đang có mặt trên 200 quốc gia và hàng năm chi xấp xỉ 3 tỷ USD cho hoạt động marketing, quảng bá thương hiệu, nhưng sự xuất hiện của Bitis Hunter cho thấy, doanh nghiệp sản xuất trong nước đang dần thay đổi cách tiếp cận với người tiêu dùng.

>>Tony Hsieh - "Triệu phú bán giày" và hơn thế nữa

Năm 2012, trong một buổi trao đổi về những khó khăn của ngành giày dép, ông Nguyễn Hữu Phước - Giám đốc Công ty TNHH MTV SX - TM Nguyên Nguyên Phước khi đó chia sẻ, điểm yếu của sản phẩm giày dép sản xuất phục vụ thị trường nội địa là ở khâu mẫu mã, giá thành và cách làm thương hiệu. Dù sản phẩm chất lượng nhưng nếu không biết làm thương hiệu cũng sẽ rất khó để tăng doanh số bán hàng.

Quay lại trường hợp của Nike, dù đã trở thành hãng dẫn đầu về giày thể thao nhưng trong các chiến dịch quảng bá, Nike luôn chú trọng tác động đến cảm xúc, ý thức của khách hàng mục tiêu về sản phẩm. Nike đi theo hướng tài trợ các sự kiện, đội thể thao và nhân vật nổi tiếng, như gần đây nhất là hợp đồng tài trợ trọn đời trị giá 1 tỷ USD với tiền đạo đang chơi cho câu lạc bộ Real Madrid: Cristiano Ronaldo.

Song song đó, trong những năm gần đây, Nike cũng đã đẩy mạnh việc quảng bá, bán hàng online nhằm tạo kênh đưa sản phẩm đến tay người tiêu dùng nhanh hơn, thuận tiện hơn nhưng chi phí lại thấp hơn so với việc quảng bá và bán hàng truyền thống.

Bitis thì sao? Trong một lần chia sẻ với giới truyền thông liên quan đến vai trò của thế hệ kế thừa, Vưu Lệ Quyên - con gái nhà sáng lập Bitis Vưu Khải Thành cho biết sẽ đẩy mạnh mảng bán hàng và quảng bá online. Với Bitis Hunter, doanh nghiệp này đã làm được điều đó.

>>4 hiện tượng tâm lý làm thay đổi hiệu quả marketing

Ngoài Bitis, gần đây, giới mộ điệu giày sneaker cũng đón nhận một sản phẩm mới hoàn toàn "Made in Vietnam" mang tên Zeal. Được biết, đây là sản phẩm của Đông Hưng Group, vốn được biết đến là một trong những nhà xuất khẩu giày dép hàng đầu của Việt Nam. Chưa quảng bá rầm rộ như Bitis, hiện sản phẩm này đang được bày bán tại cửa hàng nằm ngay mặt tiền đường phố đi bộ Nguyễn Huệ.

Theo chia sẻ của ông Hà Duy Hưng, Chủ tịch HĐQT kiêm TGĐ Đông Hưng Group, có 2 lý do để Đông Hưng Group hướng về thị trường nội địa bên cạnh mảng gia công xuất khẩu. Trước hết, Việt Nam là nước đứng thứ ba thế giới về xuất khẩu giày dép (sau Trung Quốc và Ý, xét trên yếu tố giá trị), về năng lực sản xuất, một số doanh nghiệp trong nước không thua kém doanh nghiệp ngoại nhưng từ trước đến nay lại chưa có sản phẩm nào thực chất phục vụ cho thị trường nội địa.

Hơn nữa, với dân số trẻ, hơn 90 triệu người là một lợi thế về thị trường tiêu thụ nhưng đến nay, sản phẩm giày dép giá rẻ lại bị thống trị bởi hàng Trung Quốc, hàng Thái trong khi cao cấp vẫn là "đất" của các thương hiệu ngoại. Theo hãng nghiên cứu thị trường Euromonitor International, riêng với mảng giày dép, phụ kiện thể thao, Nike tiếp tục dẫn đầu tại thị trường Việt Nam, với thị phần 15% trong năm 2015.

Với việc điều tra, thăm dò phản ứng của người tiêu dùng thông qua các mạng xã hội (Facebook, Instagram, Twitter), các nhà sản xuất giày dép trong nước đang dần định hình hướng đi mới, đó là cung cấp những gì khách hàng cần, chứ không phải những gì mình có. Trong đó, doanh nghiệp chú trọng đặc biệt đến sản phẩm (mẫu mã, chất lượng), giá cả và chọn kênh truyền thông hiệu quả.

Chẳng hạn như về giá, hiện cả giày Bitis Hunter và Zeal đang dao động ở mức dưới 1 triệu đồng/đôi, cao hơn dòng sản phẩm phục vụ số đông nhưng thấp hơn so với Nike và Adidas. Trong khi ở khâu quảng bá, họ chọn những kênh mà khách hàng mục tiêu sử dụng nhiều nhất để tương tác.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
"Hiện tượng" Bitis Hunter và "bước đi" mới của giày Việt
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO