![]() |
Hai hãng hàng không mới VietJetAir và Air Mekong đều có những con số kinh doanh khả quan với mô hình hàng không giá rẻ. Tuy nhiên, ám ảnh về thời gian khó khăn của các hãng hàng không tư nhân vẫn còn...
![]() |
Khách hàng VietJetAir đang làm thủ tục lên máy bay |
Mặc dù một số hãng hàng không tư nhân ngừng hoạt động trong thời điểm kinh tế khó khăn như Indochina, VietAir, Trãi Thiên..., nhưng VietJetAir vẫn quyết định ra mắt và đồng loạt khởi động hệ thống bán vé trên toàn quốc.
Giải thích về quyết định này, ông Nguyễn Đức Tâm, Phó tổng giám đốc VietJetAir, phân tích:
“Tiềm năng hàng không giá rẻ trên thị trường trong nước còn rất lớn và tương lai của ngành hàng không Việt Nam rất khả quan. Hiện tại, tỷ lệ người dân Việt Nam được đi máy bay mới chỉ khoảng xấp xỉ 1%. Đây là thời điểm thích hợp để đón đầu các nhu cầu tăng trưởng trong thời gian sắp tới”.
Thực tế, sau thời gian dài thua lỗ, một số hãng bay tư nhân hiện nay đã có những tín hiệu lạc quan. TS. Đoàn Quốc Việt, Chủ tịch HĐQT Tập đoàn BIM, nhà sáng lập hãng hàng không Air Mekong, cho biết:
“Tuy mới hoạt động hơn một năm nhưng các đường bay Air Mekong khai thác đều có sự tăng trưởng cao, ghế suất bình quân của Air Mekong năm 2011 đạt 75%. Trong năm 2011, Air Mekong thực hiện 10.750 chuyến bay, chuyên chở 710.000 khách trên 14 đường bay đến các vùng trên cả nước”.
Tương tự, ông Pritam Sign, Phó tổng giám đốc VietJetAir, cũng lạc quan thông báo:
“Chỉ sau một tháng từ chuyến bay đầu tiên, các chuyến bay của VietJetAir luôn đầy khách. Sau gần hai tháng hoạt động trên đường bay SGN-HAN-SGN, hệ số khai thác ghế của VietJetAir luôn đạt 90%.
Tính đến ngày 14/2/2012 VietJetAir đã thực hiện 280 chuyến bay. Đặc biệt, từ ngày 10/1, hãng tăng cường chuyến bay lên 3 chuyến khứ hồi/ngày”.
Theo thống kê mới đây từ Cục Hàng không Việt Nam, mức độ tăng trưởng của ngành hàng không Việt Nam năm 2011 là khoảng 14%. Dự đoán của Hiệp hội Hàng không Thế giới (IATA) cũng cho rằng, năm 2014, Việt Nam sẽ trở thành thị trường vận chuyển hành khách, hàng hóa quốc tế phát triển nhanh thứ ba trên thế giới (chỉ sau Trung Quốc, Brazil). |
Năm 2012, VietJetAir đặt mục tiêu khai thác 5 ngàn chuyến bay, chuyên chở 700 - 800 ngàn hành khách. Theo kế hoạch, đội tàu bay của VietJetAir sẽ vươn đến các nước khu vực Đông Bắc Á và Nam Trung Quốc.
Trong khi đó, Air Mekong lại chọn chiến lược kinh doanh hướng vào phân khúc thị trường “ngách” với các đường bay thẳng dài nhất nội địa Việt Nam, nối Hà Nội với Phú Quốc.
Hàng ngày, Air Mekong bay đến miền Trung - Tây Nguyên từ 1 đến 6 chuyến bay, con số tương tự đến các vùng biển đảo Phú Quốc, Côn Đảo.
Với hơn 2 giờ bay, hành khách tiết kiệm đến 50% thời gian so với nối chuyến qua Tân Sơn Nhất và chi phí nhờ đó cũng giảm.
Trong thời gian tới, Air Mekong sẽ tăng chuyến bay, mở các đường bay mới như bay thẳng Hà Nội - Côn Đảo, bay nối Tây Nguyên đến Phú Quốc, Đà Lạt. Air Mekong cũng là hãng hàng không đầu tiên ở Việt Nam phục vụ bữa ăn tự chọn tại nhà ga Pleiku và Đà Lạt.
Sắp tới, Air Mekong sẽ nhân rộng mô hình phục vụ bữa ăn tại nhà ga Buôn Ma Thuột cho hành khách đi các chuyến bay đến Hà Nội, TP.HCM, Vinh. Ngoài ra, hãng còn có chương trình khuyến mãi cho các nhóm cho gia đình, các cặp đôi trong ngày tình nhân hoặc liên kết giảm giá với các khách sạn, khu nghỉ dưỡng...
Mặc dù tình hình có vẻ thuận lợi, nhưng đại diện một số hãng hàng không vẫn bày tỏ nhiều lo ngại. Chẳng hạn, việc Vietnam Airlines (VNA) tiếp quản phần vốn nhà nước tại Jestar Pacific Airlines với 80% thị phần nắm giữ đang là nỗi lo cho các hãng hàng không tư nhân giá rẻ.
Bởi vì, rất có khả năng VNA sẽ độc quyền và các hãng hàng không này sẽ khó có khả năng cạnh tranh dù chiến lược của họ có thận trọng và dài hơi đến đâu. Ông Tâm chia sẻ thêm: “Khó khăn hiện nay là nền kinh tế thế giới chưa có dấu hiệu hồi phục.
Tỷ giá ngoại tệ luôn biến động theo chiều hướng bất lợi đối với kinh doanh vận chuyển hàng không khi nguồn thu chủ yếu bằng VNĐ và nguồn chi chủ yếu bằng ngoại tệ.
Thu nhập thực tế của đại đa số người dân Việt Nam chưa được cải thiện nhiều do lạm phát, trượt giá. Hệ thống chính sách, pháp luật của nhà nước trong lĩnh vực hàng không vẫn đang trong quá trình sửa đổi, hoàn thiện... Tất cả những yếu tố đó sẽ có ảnh hưởng lớn tới kết quả kinh doanh của hãng hàng không”.
Việc trì hoãn bay của VietJet Air cùng với vụ vỡ nợ của Indochina Airlines cho thấy với thị trường hàng không Việt Nam chưa thực sự cạnh tranh, chỉ nội lực của nhà đầu tư trong nước là chưa đủ sức để tạo ra đột phá.
Mặc dù luật đã cho phép nhưng vẫn còn nhiều rào cản khiến vốn ngoại chưa được rót vào hiệu quả. Cả VietJet Air và Air Mekong đều cho rằng tìm vốn ngoại vào lĩnh vực hàng không hiện nay là việc khá gian nan.
Ý KIẾN CỦA BẠN