Gạo có nhãn hiệu: Chăm vỏ, chớ bỏ lòng

NGỌC VÂN| 03/12/2009 04:40

Với nhiều người VN, bữa ăn ngon đôi khi không phải do thức ăn đắt tiền mà chính nhờ cơm ngon. Một thời gian dài người tiêu dùng VN hầu như chỉ biết đong gạo rời, còn gạo đóng gói sẵn ít ai chú ý.

Gạo có nhãn hiệu: Chăm vỏ, chớ bỏ lòng

Với nhiều người VN, bữa ăn ngon đôi khi không phải do thức ăn đắt tiền mà chính nhờ cơm ngon. Một thời gian dài người tiêu dùng VN hầu như chỉ biết đong gạo rời, còn gạo đóng gói sẵn ít ai chú ý.

Khoảng hai, ba năm nay, khi gạo Nhật, Thái Lan, Hàn Quốc đổ vào VN, các công ty kinh doanh lương thực trong nước mới đưa những loại gạo ngon, đặc sản địa phương đóng gói có nhãn hiệu ra thị trường. Khi mua được một loại gạo ngon như ý, ai cũng thường nhớ tên gạo, vì vậy làm thương hiệu cho gạo không chỉ là chuyện bao bì.

Chú ý quảng bá

Hương thơm ngào ngạt và hạt cơm dẻo ngọt của loại gạo Hậu Giang 2 đã làm cho các đại biểu khắp cả nước về dự Festival Lúa gạo VN (từ 28/11 - 2/12/2009) đều thấy ngon miệng với bữa cơm mà tỉnh Hậu Giang đãi khách.

Nghe danh, biết tiếng các loại gạo ngon của các vùng từ lâu, tại Festival này mới là dịp để người ta tận mắt thấy, sờ, ngửi từng loại gạo để biết hình dáng, đặc tính gạo ngon VN. Thiết tha muốn quảng bá cho người VN biết gạo ngon trong nước sản xuất hơn hẳn gạo nước ngoài, nhiều công ty kinh doanh đã đầu tư kỹ lưỡng cho bao bì và cả quảng cáo. Chuyện làm nhãn hiệu gạo VN đang nở rộ, từ nhu cầu người tiêu dùng muốn ăn đúng gạo ngon, đặc sản từng địa phương và cả từ những nhà khoa học phối hợp cùng DN muốn giới thiệu gạo đặc chủng, thuần giống.

Có thể nói, Công ty Minh Cát Tấn là DN đầu tiên làm thương hiệu bài bản cho gạo VN với slogan “Bữa cơm ngon cho gia đình hạnh phúc” trên bao gạo hiệu Kim Kê. Bao bì gạo Kim Kê thật hoàn chỉnh về màu sắc, hình ảnh đến cách đóng gói nên được nhiều nơi bày bán. Gạo Kim Kê được chú ý yếu tố dẻo, thơm theo nhiều cấp độ với giá bán khác nhau, lại còn có gạo thực dưỡng giá đến 52.000đ/gói 2kg.
Một số công ty lương thực các tỉnh trước đây có sản xuất gạo đóng bao sẵn nhưng chưa đẩy mạnh kinh doanh.

Từ sau vụ tăng giá gạo đột biến vào tháng 4/2008, tiếp đến việc gạo thơm từ Campuchia, Thái Lan đổ vào VN, các công ty lương thực thuộc hệ thống quốc doanh được yêu cầu phải chú trọng thị trường trong nước và xây dựng thương hiệu gạo. Thế là gạo đóng gói xuất hiện nhiều trên thị trường, bao bì in ấn đẹp, tuyển gạo ngon đặc chủng, có thể số lượng bán chưa nhiều nhưng ít nhất cũng cạnh tranh về uy tín nhãn hiệu. Tên gạo đóng bao rất nhiều, có tên nghe gần gũi, có tên mỹ miều, cũng có tên bằng tiếng Anh để tiếp thị đến người nước ngoài.

Ở phía Nam, Công ty Lương thực Long An vẫn tự hào với gạo Nàng Thơm Chợ Đào, nay có thêm gạo huyết rồng Vĩnh Hưng, nếp Thủ Thừa. Công ty Lương thực Tiền Giang có gạo Chín Con Rồng Vàng, Hoa Mai Vàng, Bông Sen Vàng, Hồng Hạc, Thiên Nga, thêm gạo Hương Việt, gạo Golden Lotus và Miss Mekong. Công ty Lương thực Thực phẩm Vĩnh Long có gạo Hương Thảo, Trạng Nguyên, Ban Mai. Công ty Lương thực Sóc Trăng đã có gạo ST và nếp, mới đây chào thử gạo thơm thượng hạng có hạt dài 9mm đều nhau được chế biến từ loại lúa có vỏ màu nâu hoặc vàng nâu trồng tại vùng lúa chất lượng cao huyện Ngã Năm.

Theo kỹ sư Hồ Quang Cua, hàm lượng đạm trong gạo cao đến 10%, ăn mau no nên tốt cho người bệnh tiểu đường. Công ty Lương thực TP.HCM đã có bốn loại gạo đóng bao hiệu Hạt Ngọc, Quê Việt, Hương Lúa, Đồng Xanh. Công ty CP đầu tư Vĩnh Phát (TP.HCM) chuyên sản xuất gạo XK có hai nhà máy chế biến gạo ở An Giang và Cần Thơ cũng quảng bá gạo Công Vàng, gạo thơm Chép Vàng.

Nếu như Vĩnh Phúc có gạo Long Trì của Tam Dương đóng gói đẹp, thì gạo Tám Xoan truyền thống huyện Hải Hâïu, tỉnh Nam Định đóng bao không bắt mắt lắm nhưng những lời giới thiệu trên bao bì là “Đặc sản, bản địa, an toàn và sinh thái do Hiệp hội Gạo Tám Xoan Hải Hậu sản xuất từ hạt giống siêu nguyên chủng” như bảo chứng hàng chính gốc. Công ty cổ phần Phân phối - Bán lẻ (VNF1) thuộc Tổng công ty Lương thực Miền Bắc lại thích chọn lọc các loại gạo đặc biệt của các miền để đóng bao 5kg, 2kg, như gạo Lài Sữa của Long An, gạo Tám Ấp Bẹ của Nam Định, gạo Tám Điện Biên, gạo Tám Xoan Hải Hậu, gạo Xi dẻo...

Giữ chất lượng từ sản xuất đến phân phối

Các địa phương đang dần hình thành các vùng sản xuất lúa gạo chất lượng cao, đặc chủng. Dự án xây dựng vùng lúa, nếp đạt tiêu chuẩn GlobalGAP và thương hiệu gạo An Giang có tổng vốn đầu tư 3,4 tỷ đồng, được thực hiện từ năm 2008 đến năm 2011. Thương hiệu gạo chất lượng cao An Giang dựa trên ba dòng sản phẩm tương ứng với mỗi vùng nguyên liệu khoảng 30ha: gạo ngon Thoại Sơn, gạo thơm Châu Phú, nếp thơm Phú Tân.

Tỉnh Bắc Giang đã bổ sung gạo thơm Yên Dũng vào danh mục đặc sản truyền thống của tỉnh giai đoạn 2005-2010. Từ 12ha giống lúa thơm được đưa vào gieo cấy ở xã Tư Mại cho hiệu quả kinh tế cao, đến nay, huyện Yên Dũng đã phát triển được hơn 2.000ha các giống lúa thơm đặc sản. Sở Khoa học và Công nghệ Bắc Giang hỗ trợ địa phương đánh giá chất lượng lúa, tiến hành các thủ tục đăng ký nhãn hiệu chứng nhận (gồm nơi sản xuất, xuất xứ, các tiêu chí về chất lượng gạo) và quảng bá thương hiệu cho dòng gạo thơm Yên Dũng.

Góp phần quảng bá gạo VN có nhãn hiệu, phải kể đến các hệ thống siêu thị. Năm nay, Tổng công ty Lương thực Miền Nam và Miền Bắc đã chủ động phân phối gạo đóng bao sẵn thông qua hệ thống trực thuộc. Với chuỗi cửa hàng VNF1 muốn nhấn mạnh gạo thương hiệu của VNF1 đảm bảo độ thuần chủng, giữ được hương vị tự nhiên của mỗi loại gạo, không sử dụng các chất bảo vệ thực vật và không pha lẫn với các loại gạo khác, hướng người tiêu dùng về gạo sạch, gạo an toàn. Công ty Lương thực TP.HCM có 40 cửa hàng Foocomart, bình quân một tháng tiêu thụ khoảng 30 - 50 tấn gạo có bao bì.

Trước đây, người tiêu dùng ít chú ý đến gạo đóng bao sẵn vì không an tâm về chất lượng. Khi có sự nghi ngại gạo bán rời bị tẩm hương liệu chứ không phải hương thơm tự nhiên, người có thu nhập khá đã mua gạo đóng gói sẵn nhiều hơn. Nếu mua được một loại gạo ngon như ý, ít ai muốn thay đổi gạo khác. Vì thế làm bao bì đẹp chưa đủ thuyết phục, mà các công ty cần giữ cho chất lượng gạo ổn định. Một điều đáng lưu ý nữa là dẫu gạo có ngon mức nào mà để lâu ngày cũng giảm chất lượng, nên gạo đóng gói sẵn cũng cần ghi rõ ngày đóng gói, thời hạn sử dụng để người mua an tâm.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Gạo có nhãn hiệu: Chăm vỏ, chớ bỏ lòng
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO