Đổi mới hay là... chết

HỒNG NGA| 31/08/2013 09:31

Doanh nghiệp Việt Nam đang đối mặt với sức ép phải đổi mới, nếu không muốn ngày càng thụt lùi so với các công ty, tập đoàn đa quốc gia.

Đổi mới hay là... chết

Doanh nghiệp Việt Nam đang đối mặt với sức ép phải đổi mới, nếu không muốn ngày càng thụt lùi so với các công ty, tập đoàn đa quốc gia.

Đọc E-paper

Về chỉ số đổi mới, Việt Nam đã liên tục tụt hạng từ nhiều năm nay. Nếu như năm 2009, Việt Nam được xếp vị trí 64 về chỉ số đổi mới trên toàn cầu thì năm 2010 đã tụt đến 7 bậc, lên vị trí thứ 71. Năm 2011, vị trí này đã tăng lên thứ 51 nhưng lại tụt đến 25 bậc trong năm 2012.

Theo ông Marco Breu, Tổng giám đốc McKinsey&Company Việt Nam, trong khi các nước khác ở châu Á như Ấn Độ, Trung Quốc, Malaysia, Myanma... phát triển mạnh hơn trong những năm vừa qua thì Việt Nam lại giảm sút.

Lao động giá rẻ với nguồn cung dồi dào là lợi thế của Việt Nam trong 10 năm qua nhưng nay đã không còn. So với nhiều nước, chi phí lao động của Việt Nam được xếp loại thấp (khoảng 5USD/ngày/người) nhưng ở Myanma còn rẻ hơn, chỉ khoảng 3USD/ngày/người.

Việt Nam sẽ gặp nhiều khó khăn để duy trì tốc độ tăng trưởng kinh tế cao. Muốn vậy, "Việt Nam cần tăng 50% tốc độ tăng năng suất lao động do nguồn cung giảm mạnh, tốc độ chuyển dịch cơ cấu kinh tế và đô thị hóa đang chậm lại. Đây là kịch bản được đánh giá không mấy dễ dàng cho Việt Nam", ông Marco Breu khẳng định.

Thực tế những năm qua cho thấy, các quốc gia đi sau thường phát triển nhanh hơn. Nếu như Anh mất 150 năm để tăng GDP đầu người lên gấp đôi, Mỹ mất 50 năm, thì Ấn Độ chỉ mất 16 năm và Trung Quốc chỉ cần 12 năm. Trung Quốc đã tập trung nhiều hơn cho thị trường nội địa và họ chuyển dần từ "người sản xuất khủng lồ” sang phục vụ dịch vụ.

Theo thống kê quốc gia của Trung Quốc, năm 2012, dịch vụ (vận tải, bán buôn, bán lẻ, nhà hàng, khách sạn, tài chính, bất động sản...) chiếm đến 44,6%, trong khi công nghiệp chỉ chiếm 45,3% GDP của nước này. Trung Quốc đã đổi mới phù hợp với điều kiện của đất nước trong ba lĩnh vực: công nghiệp dược phẩm, sản xuất ô tô và công nghiệp bán dẫn.

Cũng như Trung Quốc, Việt Nam chuyển từ nông nghiệp sang công nghiệp, dịch vụ. Hiện nay, trong cơ cấu nền kinh tế Việt Nam, chiếm đến 43,12% là dịch vụ, 38,7% là công nghiệp, chỉ 18,18% là nông nghiệp và thuỷ sản.

Trong lĩnh vực nông nghiệp, Việt Nam là nhà sản xuất cà phê thứ hai sau Brazil, chiếm đến 14,3% thị phần thế giới nhưng chủ yếu xuất khẩu cà phê thô (cà phê nhân). Trong khi Starbucks bán "sự trải nghiệm" thì các DN Việt Nam chỉ mới đạt đến việc bán hàng hoá chế biến (cà phê đóng gói), dịch vụ (cà phê sữa).

Ông Đặng Lê Nguyên Vũ, Chủ tịch Công ty CP Tập đoàn Trung Nguyên, cho rằng, các DN Việt Nam hết sức khó khăn khi phải cạnh tranh với các tập đoàn đa quốc gia.

DN Việt Nam có xuất phát điểm thấp và bất cứ sản phẩm nào của DN trong nước đưa ra cũng gặp sự cạnh tranh khốc liệt bởi sản phẩm của các tập đoàn đa quốc gia. Họ không những mạnh về tiềm lực kinh tế mà còn rất am tường về thị trường, về người tiêu dùng Việt Nam.

Một nghiên cứu của Công ty PricewaterhousCoopers (PwC) gần đây cho thấy, những nỗ lực tập trung cho sự phát triển và đổi mới của DN Việt Nam sẽ tạo ra đột phá về tiềm năng lợi nhuận. Trong đó, doanh thu sản phẩm mới tăng 20 - 40%, thời gian tiếp thị nhanh hơn 40 - 60%, chi tiêu lãng phí giảm từ 50 - 80%, hiệu suất R&D tăng 25 - 30%, và năng suất dự án tăng 40 - 100%.

Nhưng để tạo ra sự đột phá đó, đổi mới phải nằm trong chương trình hành động của các CEO cộng với sự nỗ lực của cả tổ chức. Các DN muốn đổi mới cần chú trọng đến yếu tố nguồn lực, mà khởi đầu từ lãnh đạo tới đội ngũ nhân viên để có thể đưa ra chiến lược cũng như thực hiện đổi mới hiệu quả.

Các nhân tố được nhiều người đánh giá là quan trọng nhất trong khảo sát của PwC trên toàn cầu, gồm: có văn hóa thích hợp để thúc đẩy và hỗ trợ đổi mới như quy trình và quản lý hỗ trợ (chiếm 57%), lãnh đạo kinh doanh biết nhìn xa trông rộng (44%), và sẵn sàng thay đổi các quy chuẩn tổ chức và chấp nhận rủi ro (37%).

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Đổi mới hay là... chết
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO