Đối mặt với thị trường thép đầy biến động, Hòa Phát làm gì?

Ngọc Thoại| 02/06/2021 04:38

Hòa Phát (HPG), đại gia ngành thép Việt Nam, đã có một nước đi táo bạo nhằm đối phó với tình trạng giá nguyên liệu đầu vào đang trên đà tăng trong thời gian gần đây, và được dự báo tiếp tục tăng trong thời gian tới.

Đối mặt với thị trường thép đầy biến động, Hòa Phát làm gì?

HPG đã trở thành tập đoàn Việt Nam đầu tiên mua mỏ quặng sắt có trữ lượng ước tính đạt 320 triệu tấn tại vùng lãnh thổ Bắc Úc, theo thông báo ngày 31/5 từ tập đoàn. Trước đó 3 ngày, Ủy ban Đầu tư Nước ngoài Liên bang Úc (Foreign Investment Review Board -FIRB) đã chấp thuận phê duyệt hợp đồng mua 100% cổ phần Dự án mỏ quặng sắt Roper Valley cho công ty con của HPG tại Úc .

Mỏ quặng này nằm cách thành phố Darwin khoảng 420 km về phía Đông Nam và cách Mataranka 150 km về phía Đông. HPG dự định công suất khai thác mỏ quặng này khoảng 4 triệu tấn/năm. HPG cũng cho biết đang tiếp tục nghiên cứu để đầu tư mua tiếp một số mỏ sắt mới tại Úc, nhằm đảm bảo nguồn cung lâu dài, ít nhất 50% nhu cầu quặng sắt của tập đoàn, tương đương 10 triệu tấn/năm.

Bên cạnh đó, HPG cũng đang tìm hiểu để có thể mua một vài mỏ than luyện cốc của Úc nhằm từng bước tự chủ nguồn nguyên liệu sản xuất quan trọng này do than luyện cốc là nguyên liệu cấu thành đến 30% giá thép. Hiện than luyện cốc đang được nhập khẩu từ nước Úc – thị trường cung cấp than luyện cốc lớn nhất thế giới.  

Tại cuộc họp với Bộ Công Thương tuần rồi, ông Trần Đình Long - Chủ tịch HPG cho biết nguồn nguyên liệu sản xuất đầu vào của ngành này đa phần phải nhập khẩu, như quặng sắt, thép phế liệu, than mỡ luyện cốc, và điện cực graphite. Do đó, giá thành sản phẩm sẽ phụ thuộc rất nhiều vào yếu tố thị trường nước ngoài. 

gia-quang-sat-tang-cao-1622612-3570-9646

Giá quặng sắt thế giới đang trên đà tăng từ tháng 7/2020, và đã vượt mốc 200 USD/tấn vào sáng 2/6/2021

Ông Long cho biết thêm rằng giá nguyên liệu thế giới tăng gấp đôi trong 6 tháng qua, khiến giá thép trong nước tăng 40-50%, buộc Chính phủ đưa ra yêu cầu hạ nhiệt giá mặt hàng này thông qua hạn chế xuất khẩu loại thép trong nước có nhu cầu và tăng năng lực sản xuất thép trong nước.

Thị trường biến động mạnh 

Giá quặng sắt sáng 2/6 đã tăng vọt 10,3% lên 209,10 USD / tấn sau khi tăng 5,9% vào hôm qua, theo trang theo dõi giá hàng hóa đầu vào các ngành sản xuất công nghiệp của CommSec.

Trong một thông báo sáng nay, Ngân hàng Hoa Kỳ (Bank of America) cho rằng miễn là nhu cầu trên toàn cầu vẫn còn mạnh (bao gồm cả Trung Quốc) và nguồn cung thị trường còn chưa đáp ứng đủ, các nhà chức trách Trung Quốc dù nỗ lực vẫn khó có thể ghìm giá xuống một cách bền vững.

Dự báo quặng sắt sẽ đạt mức trung bình là 172,2 USD / tấn trong năm nay; sau đó giảm xuống còn 143,8 USD / tấn vào năm 2022. Mức giảm chậm này kéo dài đến năm 2025, giá quặng kết thúc dưới mốc 100 USD.

Chính phủ Australia hồi giữa tháng 5/2021 dự báo giá quặng sắt sẽ trên đà tăng thêm 6 tháng nữa. Bộ Tài Chính Úc hiện dự báo giá quặng sắt sẽ chỉ giảm xuống mức trung bình dài hạn là 55 USD / tấn vào cuối tháng 3/2022, thay vì cuối tháng 9/2021 như dự đoán trước đó. Trong ngắn hạn giá sẽ còn tăng do nhu cầu thép toàn cầu tăng mạnh.

gia-quang-sat-2-1622612506-9432-16226134

Một biểu đồ dự báo cho thấy giá quặng sắt có thể sẽ quay đầu giảm vào khoảng tháng 7/2021, tuy nhiên dự báo cũng thường hay thay đổi tùy theo tình hình thị trường

Theo nghiên cứu của ngân hàng Thụy Sĩ UBS, Trung Quốc chiếm khoảng 75% lượng quặng sắt xuất khẩu của Australia, trong khi quặng sắt của Australia chiếm khoảng 60% tổng kim ngạch nhập khẩu nguyên liệu thô của Trung Quốc. Điều này khiến việc buôn bán quặng sắt trở nên quan trọng đối với cả hai nước, kéo hai quốc gia vào cuộc tranh chấp ngoại giao khiến Bắc Kinh ra lệnh cấm nhập khẩu than của Australia.

Fortescue Metals là công ty xuất nhiều nhất cho thị trường Trung Quốc trong số bốn nhà sản xuất quặng sắt lớn của Úc, tiếp theo là BHP, sau đó là Rio Tinto và cuối cùng là Roy Hill. Nhưng ngay cả Roy Hill, công ty có các cổ đông Hàn Quốc, vẫn đang bán khoảng 65% lượng quặng họ khai thác cho Trung Quốc.

Năm 2021, Hòa Phát đặt mục tiêu doanh thu 120.000 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế khoảng 18.000 tỷ đồng, tăng 33% so với thực hiện năm trước.

Quý I năm nay, tập đoàn này ghi nhận doanh thu đạt khoảng 31.000 tỷ đồng, tăng 63%. Lợi nhuận sau thuế 7.000 tỷ đồng, gấp ba lần cùng kỳ. Trong đó, riêng lãi từ hoạt động kinh doanh là 6.500 tỷ, còn lại là lợi nhuận từ thoái vốn mảng nội thất.

Được thành lập vào năm 1992, Hòa Phát, có giá trị vốn hóa thị trường hơn 9,6 tỷ USD, là nhà sản xuất thép lớn nhất Việt Nam với công suất sản xuất thép thô là 8 triệu tấn / năm, theo hồ sơ của công ty.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Đối mặt với thị trường thép đầy biến động, Hòa Phát làm gì?
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO