'Doanh nghiệp Việt không hề yếu thế tại Mỹ'

10/04/2011 07:20

Chuyến thăm và làm việc tại Việt Nam, Thứ trưởng Thương mại Mỹ Francisco Sanchez đánh giá cao những cải thiện về môi trường kinh doanh và tiềm năng phát triển của doanh nghiệp Việt.

'Doanh nghiệp Việt không hề yếu thế tại Mỹ'

Chuyến thăm và làm việc tại Việt Nam, Thứ trưởng Thương mại Mỹ Francisco Sanchez đánh giá cao những cải thiện về môi trường kinh doanh và tiềm năng phát triển của doanh nghiệp Việt.

Thứ trưởng Thương mại Mỹ Francisco Sanchez. Ảnh: Nhật Minh

- Trong lần đầu tới thăm Việt Nam, ấn tượng của ông về môi trường kinh doanh ở đây như thế nào?

- Tôi rất ấn tượng với những bước tiến dài, đặc biệt là phát triển kinh tế mà Việt Nam đã làm được trong 16 năm qua, kể từ thời điểm 2 nước bình thường hóa quan hệ. Việt Nam đang có một nền tảng tốt và có thể trở nên hấp dẫn hơn nữa trong mắt các nhà đầu tư nước ngoài.

Tuy nhiên, thông tin từ cộng đồng doanh nghiệp Mỹ đang hoạt động tại Việt Nam cho thấy, bên cạnh những thuận lợi cơ bản, việc kinh doanh còn gặp khá nhiều thách thức từ vấn đề sở hữu trí tuệ, tính minh bạch và các quy định liên quan đến đầu tư. Gần đây, các doanh nghiệp Mỹ còn lo lắng về vấn đề cấp phép xuất khẩu, đăng ký giá… Tôi cho rằng nếu Việt Nam cải thiện được những hạng mục này, môi trường kinh doanh của các bạn sẽ còn hấp dẫn hơn.

- Về thương mại song phương, ông đánh giá như thế nào về tiềm năng cũng như triển vọng phát triển giữa hai nước?

- Trong năm 2010, kim ngạch thương mại hai chiều giữa Việt Nam và Mỹ đạt gần 19 tỷ USD, tăng 20% so với 2009. Các doanh nghiệp Việt Nam cũng đang hoạt động rất tốt tại Mỹ. Đổi lại, Mỹ cũng có rất nhiều loại hàng hóa, dịch vụ có thể giúp Việt Nam nâng cao đời sống kinh tế và thúc đẩy tăng trưởng.

Do đó, tôi rất lạc quan về triển vọng tăng kim ngạch thương mại hai chiều giữa hai nước và kỳ vọng có thể tăng gấp đôi về giá trị trong vòng 5 năm tới. Để hiện thực hóa điều này, tôi hy vọng Việt Nam sẽ mở cửa thị trường hơn nữa, đồng thời tìm ra cách hạn chế những rào cản thương mại mà tôi đã đề cập ở trên.

- Vậy doanh nghiệp Việt Nam sẽ có cơ hội như thế nào tại thị trường Mỹ khi quan hệ thương mại được mở rộng, thưa ông?

- Tôi nghĩ không khó tìm thấy cơ hội này khi nhìn vào cơ cấu thương mại song phương của 2 nước trong năm 2010. Mỹ xuất vào Việt Nam khoảng 3,5 tỷ USD, trong khi lượng hàng hóa Việt đưa vào Mỹ là hơn 15 tỷ USD. Như vậy, Việt Nam đang xuất siêu vào Mỹ và doanh nghiệp của các bạn không hề yếu thế tại thị trường của chúng tôi.

- Bên cạnh những thuận lợi, quan hệ thương mại giữa 2 nước vẫn tồn tại một số vướng mắc. Chẳng hạn như việc Mỹ áp thuế chống bán phá giá với cá da trơn của Việt Nam hay vụ kiện tôm… Ông bình luận như thế nào về những vấn đề này?

Bên cạnh hoạt động xúc tiến thương mại, một trong những vấn đề chính được Thứ trưởng Thương mại Mỹ Francisco Sanchez quan tâm trong chuyến thăm lần này là thúc đẩy hợp tác giáo dục giữa 2 nước. Tháp tùng ông sang Việt Nam có đại diện của 56 trường Đại học Mỹ.

"Mỹ có nhiều trường Đại học thuộc hàng top trên thế giới. Chúng tôi rất khuyến khích sinh viên Việt Nam tham gia vào hệ thống giáo dục tiên tiến này. Đồng thời chúng tôi cũng hy vọng mối liên kết giữa các trường đại học, học viện Mỹ và các đồng nghiệp tại Việt Nam sẽ ngày càng khăng khít", ông Sanchez cho biết. Phía Mỹ cũng hy vọng lượng du học sinh Việt Nam tại Mỹ sẽ tăng gấp đôi trong vòng 5 năm tới.

- Trong những sự việc đó, cho dù có liên quan đến Luật chống bán phá giá hay Luật chống bảo hộ, chúng tôi có thể đảm bảo với các bạn rằng phía Mỹ luôn tuyệt đối dựa trên các điều khoản của pháp luật và nguyên tắc quốc tế. Do đó, các doanh nghiệp Việt Nam, nếu muốn làm ăn tại Mỹ, sẽ nhất thiết phải tuân thủ luật.

- Một vấn đề khác cũng được nhắc đến khá nhiều tại Việt Nam hiện nay là phát triển mô hình hợp tác công - tư (PPP). Chính phủ Mỹ liệu có kế hoạch giúp đỡ Việt Nam thúc đẩy sự phát triển của mô hình này?

- PPP là một mô hình tốt và đương nhiên phía Mỹ luôn muốn hỗ trợ Việt Nam để thúc đẩy hình thức hợp tác này. Chúng tôi đã làm việc với Chính phủ Việt Nam về PPP và bước đầu đã đạt được nhiều kết quả nhất định. Chẳng hạn như Ngân hàng Xuất Nhập khẩu Mỹ (Eximbank) đã đạt được thỏa thuận với Ngân hàng phát triển Việt Nam (VDB) về khoản vay trị giá 500 triệu USD nhằm phục vụ các dự án cơ sở hạ tầng triển khai theo mô hình này.

Tôi cho rằng thách thức lớn nhất là các bạn đang ở điểm xuất phát. Thời điểm này, cần tập trung vào việc kết nối tất cả những yếu tố liên quan lại với nhau. Tuy nhiên nếu vượt qua được điểm xuất phát này, tôi nghĩ rằng PPP sẽ đem lại những kết quả tích cực cho Việt Nam

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
'Doanh nghiệp Việt không hề yếu thế tại Mỹ'
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO