Doanh nghiệp gỗ: Cần cuộc “đại phẫu” sau đại dịch

Ý Nhi| 12/05/2020 07:00

Sau đại dịch Covid-19, để về đích với mục tiêu 12 tỷ USD kim ngạch xuất khẩu trong năm nay và tiếp tục tăng tốc phát triển, ngành gỗ cần nhìn lại mình và cần có cuộc “đại phẫu”, thay đổi toàn bộ cách thức vận hành.

Doanh nghiệp gỗ: Cần cuộc “đại phẫu” sau đại dịch

Chuỗi cung đứt gãy, cơ cấu sản phẩm chưa hợp lý

Đại dịch Covid-19 cũng là lúc các doanh nghiệp (DN) gỗ nhận ra chuỗi cung ứng xuất khẩu đồ gỗ của Việt Nam rất mong manh. Hiện ngành công nghiệp phụ trợ của Việt Nam vẫn còn thiếu, phải lệ thuộc vào nguồn phụ trợ nhập khẩu từ bên ngoài, đặc biệt từ Trung Quốc nên rủi ro khi có biến động thị trường và bệnh dịch là tất yếu. Chỉ khi các chuỗi cung hoàn chỉnh mới giúp DN ngành gỗ tăng cường sức chống chịu với các biến động của thị trường.

Ông Đỗ Xuân Lập - Chủ tịch Hiệp hội Gỗ và Lâm sản Việt Nam (VIFOREST) cho biết: “Một số DN hiện vẫn có khả năng duy trì sản xuất trong bối cảnh dịch bệnh, tuy nhiên  thiếu nguyên vật liệu, thiếu nhà thầu phụ, không có sơn, keo, không có vani... đành phải “bó tay” ngồi chờ. Ông Nguyễn Hải Bằng - Tổng giám đốc Công ty Woodsland cũng đồng tình: “Mặc dù lượng nguyên phụ liệu nhập khẩu của Công ty rất ít, chỉ 1-2% nhưng thiếu phụ kiện như chiếc áo thiếu đi cái cúc, sản phẩm không thể hoàn thiện nên đơn hàng gián đoạn, công suất nhà máy chỉ còn 50%. Khó khăn lớn nhất mà DN đang phải đối mặt là các hợp đồng tín dụng đến hạn vào khoảng tháng 4-6/2020 đang không biết trông vào đâu để trả nợ”.

Đứt gãy các chuỗi cung nhập khẩu nguyên phụ liệu, càng thấy vai trò của liên kết giữa các DN trong ngành với các ngành khác. Tuy nhiên cho đến nay, các liên kết trong ngành gỗ và các ngành liên quan vẫn còn rất thiếu và yếu.

Theo ông Lập, muốn hình thành chuỗi cung hoàn chỉnh, giảm sự lệ thuộc vào bên ngoài và giảm thiểu được các đứt gãy trong chuỗi cung, cần ưu tiên về phát triển các ngành công nghiệp phụ trợ và cơ chế chính sách phù hợp nhất.

Hiện kim ngạch xuất khẩu đồ gỗ của Việt Nam mới chiếm khoảng 6% thị phần toàn cầu và đồ gỗ Việt Nam vẫn còn dư địa phát triển. Thế nhưng, ngành gỗ đang thiếu một chiến lược phát triển bền vững, cơ cấu dòng sản phẩm gỗ của Việt Nam cũng chưa hợp lý. Cụ thể, nhóm đồ gỗ phòng bếp, phòng tắm, bàn tủ sử dụng trong phòng khách, bàn trang điểm hiện chiếm khoảng 60% trong tổng cầu của tất cả các loại đồ gỗ trên toàn thế giới, 40% còn lại là các nhóm đồ gỗ khác như đồ gỗ văn phòng, đồ gỗ ngoài trời... nhưng các mặt hàng gỗ chiến lược này lại bị nhiều DN của Trung Quốc chiếm lĩnh.

Cần thay đổi nhanh

Một yêu cầu cấp bách của ngành gỗ là phải nhanh chóng  thay đổi, thích ứng nhanh, trong đó chuyển đổi phương thức bán hàng từ truyền thống sang online là việc cần thay đổi sớm. Đây cũng là xu hướng trong thương mại toàn cầu hiện nay. Theo ông Điền Quang Hiệp - Chủ tịch Hiệp hội Gỗ và Lâm sản Bình Dương (BIFA): “Hiện tại, BIFA cũng đang hợp tác với hai công ty thương mại điện tử là Amazon và Alibaba trong việc chuyển đổi hình thức bán hàng. Cụ thể, hai đối tác này đang tiến hành các hoạt động đào tạo cho một số công ty thành viên của BIFA và kỳ vọng trong tương lai các bên sẽ phối hợp để hình thành kênh thương mại online”.

Tuy nhiên, để chuyển đổi phương thức bán hàng từ truyền thống sang hình thức online, ông Hiệp cho biết, cần phải thay đổi dòng sản phẩm, trình độ quản trị  DN và tay nghề của người lao động. Bởi các mặt hàng bán online thông thường là các mặt hàng đơn giản, thuộc nhóm mặt hàng người mua tự lắp ráp, mức giá bình dân hoặc rẻ, phục vụ nhóm khách hàng thu nhập trung bình hoặc thấp.

Nganh-go-1-3755-1589268528.jpg

Còn các dòng sản phẩm cao cấp, không thể tháo rời, có mức giá cao, phục vụ nhóm khách hàng thu nhập cao vẫn chưa có khả năng phát triển vì các dòng sản phẩm này thường có sự lựa chọn kỹ lưỡng của người mua và hình thức bán hàng online chưa cho phép thực hiện được việc này.

Cũng theo ông Hiệp, chuyển đổi phương thức bán hàng sang hình thức online còn đòi hỏi thay đổi trong khâu thiết kế. Cho đến nay, hầu hết DN gỗ vẫn chủ yếu làm gia công chế biến với mẫu mã thiết kế là do người mua cung cấp. Điều này có nghĩa, bản quyền mẫu mã thiết kế của sản phẩm không thuộc về DN mà thuộc về người mua. DN không thể thực hiện được hình thức bán hàng online nếu mẫu mã và thiết kế không thuộc bản quyền của mình.

Tìm cơ hội từ thị trường nội địa

Theo VIFOREST, thị trường nội địa có độ ổn định và đặc biệt có sức chống chịu tốt hơn nhiều so với thị trường xuất khẩu. Với dân số gần 97 triệu và tầng lớp trung lưu ngày càng phát triển, quy mô của thị trường nội địa không hề nhỏ. Vậy nên, chiến lược phát triển ngành gỗ không chỉ mở rộng xuất khẩu mà cần có các cơ chế, chính sách phát triển bền vững, phát triển thị trường nội địa.

Mặc dù việc quay lại thị trường nội địa cũng không dễ vì nhu cầu trong nước còn nước rất nhỏ, không thể sản xuất với quy mô lớn. Mặt khác, đa số mẫu mã của các DN làm theo đơn hàng xuất khẩu nên không phù hợp với thị hiếu và nhu cầu nội địa nhưng nhiều DN đang nỗ lực chuyển đổi cơ cấu sản phẩm. Đơn cử, Công ty TNHH Hoàng Phát đang nghiên cứu về các mặt hàng như cũi trẻ em, ghế ăn trẻ em... cung ứng cho nội địa, trước đó sản phẩm này thường nhập khẩu từ Trung Quốc.

Để khuyến khích các DN tham gia phát triển thị trường nội địa, ông Nguyễn Chánh Phương - Phó chủ tịch kiêm Tổng thư ký Hội Mỹ nghệ và Chế biến Gỗ TP.HCM (HAWA) ý kiến: “Chính phủ cần đóng vai trò dẫn dắt. Việc Chính phủ yêu cầu các sản phẩm gỗ theo hình thức đấu thầu trong mua sắm công phải đảm bảo tính hợp pháp có thể là một bước khởi đầu tốt để khuyến khích DN tham gia thị trường này. Chính phủ nên tạo điều kiện ưu tiên cho các DN tham gia vào cung cấp các sản phẩm gỗ hợp pháp, đặc biệt là các sản phẩm có nguồn gốc từ gỗ rừng trồng của hộ gia đình, được sơ chế thông qua các xưởng xẻ quy mô hộ gia đình tại các vùng gỗ nguyên liệu rừng trồng. Việc khuyến khích này sẽ giúp hình thành liên kết và chuỗi cung nội địa giữa DN, các cơ sở chế biến và các hộ trồng rừng nhằm phục vụ phân khúc thị trường mua sắm công - một phân khúc không hề nhỏ”.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Doanh nghiệp gỗ: Cần cuộc “đại phẫu” sau đại dịch
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO