![]() |
Đón đầu xu hướng bakery sẽ cạnh tranh gay gắt vào những năm tới, các DN trong nước đang nỗ lực làm mới để chiếm lĩnh thị trường.
Chuẩn hóa hệ thống nhận diện
Theo ông Nguyễn Anh Trung - Phó tổng giám đốc Công ty Givral: “Thị trường bánh kẹo của VN nói chung và các công ty bánh tươi nói riêng sẽ phát triển rất mạnh từ 2010. Đây là một thị trường tiềm năng bởi ưu điểm của các chuỗi cửa hàng bakery là vừa phân phối, vừa bán lẻ, vừa tạo ra phong cách thưởng thức bánh mới. Thị trường này sẽ cạnh tranh khốc liệt hơn khi có sự tham gia của các hiệu bánh nước ngoài. Vì vậy, yếu tố thương hiệu sẽ là một trong những lợi thế trong chiến lược cạnh tranh”.
![]() |
Để tạo lợi thế, các DN đã tự đổi mới, đầu tư công nghệ, máy móc, thiết bị phù hợp để sản xuất ra các sản phẩm có chất lượng cao, giá thành hạ, đáp ứng nhu cầu tiêu dùng ngày càng khó tính của khách hàng. Theo Hiệp hội Các nhà sản xuất bánh kẹo Đức, từ năm 2002-2007, các DN VN đã nhập khẩu máy móc sản xuất bánh kẹo từ Đức trị giá khoảng 1 triệu euro.
Đã có nhiều DN hợp tác liên kết, liên doanh phát triển sản xuất, kinh doanh bánh kẹo với DN nước ngoài, chẳng hạn, Panier Bakery đã kết hợp với chuyên gia người Pháp để tạo ra những dòng sản phẩm đặc trưng với nguyên liệu của Nhật và châu Âu. Brodard cũng đang đầu tư để chuẩn bị phát triển mạnh vào năm 2010.
Theo bà Trần Thị Ánh Nguyệt - Phó tổng giám đốc Công ty cổ phần Bông Sen - đơn vị quản lý Brodard Bakery: “Trong chiến lược phát triển sắp tới, Brodard sẽ mở rộng sản xuất, xây dựng nhà máy mới với dây chuyền máy móc hiện đại, đổi mới mẫu mã, đa dạng hóa sản phẩm bánh tươi để có thể mở rộng kênh phân phối ra các vùng phụ cận ngoài TP.HCM, đáp ứng nhu cầu khách hàng một cách tốt nhất. Ngoài ra, thương hiệu là yếu tố cần được chú trọng nhất nên Brodard đã mạnh dạn đầu tư để chuẩn hóa hệ thống nhận diện thương hiệu trên các ấn phẩm, bao bì, tại các cửa hàng và mở trang web www.brodardbakery.com để bán hàng trực tuyến”.
ABC vừa đầu tư gần 600.000USD trang bị dây chuyền sản xuất tự động theo công nghệ Thụy Sỹ, Nhật, chuẩn bị đưa vào sử dụng dàn máy nướng phục vụ khách tại chỗ. ABC còn đưa nhân viên đi đào tạo ở nước ngoài, ra nước ngoài tham khảo các mô hình sản xuất bánh để phát triển hệ thống của mình.
Ông Nguyễn Anh Trung cho biết: “Tháng 8/2009 Givral cũng đã chuẩn hóa hệ thống nhận dạng thương hiệu thông qua việc khai trương cửa hàng Givral ở 98 Nguyễn Văn Trỗi, tạo ra một cửa hàng bánh với phong cách hoàn toàn mới. Chúng tôi còn đầu tư vào bộ phận R&D để phát triển thêm sản phẩm mới, đáp ứng nhu cầu dinh dưỡng của khách hàng”.
Bà Võ Trần Anh Thy - trợ lý Tổng giám đốc Công ty Kinh Đô Sài Gòn - đơn vị quản lý Kinh Đô Bakery cũng cho biết: “Để nâng cao năng lực cạnh tranh, ngoài việc dời nhà máy từ Phú Lâm vào Khu công nghiệp Tân Tạo nhằm hoàn thiện các tiêu chuẩn về chất lượng, tăng năng lực sản xuất để phục vụ cho mục tiêu mở rộng thị trường, công ty còn đầu tư thêm một số dây chuyền sản xuất hiện đại, sử dụng nhiều nguyên liệu cao cấp, nâng cao tay nghề công nhân, mở các lớp đào tạo kỹ năng phục vụ chuyên nghiệp cho nhân viên”.
Nhượng quyền thương hiệu: Hướng đi khả quan?
Có thể nói, lợi thế lớn nhất của các thương hiệu nội địa trong ngành kinh doanh bánh kẹo chính là sở hữu mặt bằng tốt và hiểu được thị hiếu, tâm lý và thói quen người tiêu dùng. Givral chỉ sử dụng nguyên liệu trong nước vẫn cho ra những sản phẩm hợp khẩu vị, giá thành giảm 30 - 40%, trong khi đó Jig Bakery lại phải lo lắng vì nguyên liệu như kem, bơ sữa, bột... hiện đang nhập ngoại theo giá lên xuống bấp bênh. Tuy nhiên, ông Kwon Ki Huyn, Giám đốc phát triển kinh doanh Công ty CJ Việt Nam, đơn vị nhượng quyền thương hiệu Tous Les Jours tại VN cho rằng, ông đã thăm dò tâm lý tiêu dùng người VN và kết quả rất khả quan, ngay cả mặt bằng, nhượng quyền thương hiệu (NQTH) cũng không phải quá khó. Riêng khoảng cách giá cũng không quá quan trọng vì người tiêu dùng ngày càng chú ý đến yếu tố vệ sinh, độ dinh dưỡng của bánh, họ sẵn sàng chi nhiều tiền hơn để thụ hưởng những sản phẩm giá trị cao và phù hợp khẩu vị.
Bakery là những tiệm bánh có nội thất thiết kế hiện đại, có máy lạnh, phong cách phục vụ lịch sự... phổ biến ở nước ngoài. Những năm gần đây, bakery đã được nâng cấp và hình thành phong cách ẩm thực mới: khách đến không chỉ để ăn mà còn để gặp gỡ bạn bè, thư giãn và làm việc. Mô hình này đang là hướng phát triển mới của các DN kinh doanh bánh kẹo và cũng là trào lưu tiêu dùng của các gia đình trẻ. Theo con số thống kê chưa đầy đủ, TP.HCM hiện có trên 100 bakery. Từ nay đến năm 2010, dự kiến chuỗi cửa hàng bánh ngọt - cà phê của các công ty sản xuất bánh VN có thể lên đến trên 20 điểm tại TP.HCM và một số tỉnh, thành. |
Phát huy ưu thế thương hiệu và nhận định NQTH đang là xu hướng có nhiều thuận lợi cho mô hình bakery phát triển. Nhiều thương hiệu bánh trong nước cũng đang tập trung cho hướng đi này. Ông Trung cho biết: “Trong chiến lược cạnh tranh của Givral thì NQTH là một trong những yếu tố quan trọng, vì nó là con đường nhanh nhất để phát triển đối với những công ty có nguồn vốn chưa mạnh. Bắt đầu năm 2010, công ty chúng tôi sẽ NQTH cho một số đại lý để mở rộng hệ thống phân phối”.
Đại diện ABC cũng cho biết, đã NQTH cho một đối tác kinh doanh và sắp tới sẽ triển khai tại Cần Thơ và Sóc Trăng, Kinh Đô cũng đã thực hiện NQTH một số cửa hàng, Phạm Nguyên cũng đang xây dựng thương hiệu cao cấp theo phong cách riêng để tiến tới nhượng quyền.
Tuy nhiên, theo ông Trung: “Khó khăn, bất lợi của Givral cũng là bất lợi chung của các DN đang theo hướng kinh doanh nhượng quyền, đó là việc kiểm soát chất lượng và cách quản lý, phục vụ của những đơn vị được nhượng quyền cũng như chưa xây dựng được những chính sách trong NQTH (đây là điểm mạnh của các công ty nước ngoài vì họ đã áp dụng những chính sách này rất lâu), bởi nếu không kiểm soát tốt, sẽ gây ảnh hưởng xấu đến hình ảnh thương hiệu của DN nhượng quyền”.
Đại diện Panier Bakery cũng đồng tình: “Tuy là hướng đi tốt nhưng cũng cần thận trọng, chuẩn bị kỹ, không nên vì muốn phát triển nhanh mà làm ảnh hưởng uy tín thương hiệu vốn phải gầy dựng rất lâu”. Bà Nguyệt, Phó tổng giám đốc Công ty Bông Sen phân tích: Chỉ thái độ nhân viên phục vụ của cửa hàng không tốt đã ảnh hưởng đến uy tín thương hiệu chứ đừng nói đến việc họ kinh doanh không tốt. Chính vì vậy mà chiến lược Brodard “chậm mà chắc” thật cẩn thận khi nhượng quyền.
Brodard đã từng từ chối đối tác đề nghị nhượng quyền khi xét thấy không đáp ứng những yêu cầu của Brodard đề ra. Nói thêm khó khăn này, chị Hằng, đồng sáng lập Jig Bakery nhận xét: “Phương pháp cũng như cung cách quản lý của một số DN còn hạn chế, chưa chuyên nghiệp, nhất là cách phục vụ. Trong khi đó, bakery là mô hình đòi hỏi sự chuyên nghiệp trong phục vụ rất cao. Vì vậy, khi tính đến nhượng quyền, DN trong nước cần phải quan tâm đặc biệt điều này, nhất là không bao giờ được lơ là việc quản lý chất lượng”.