Đến lúc “khai phá” thị trường châu Mỹ

Hồng Nga| 06/12/2019 07:00

Thị trường châu Mỹ, đặc biệt là các nước có nền kinh tế phát triển như Mỹ, Canada là địa chỉ lý tưởng cho hàng Việt và cơ hội đầu tư cho doanh nghiệp (DN) Việt Nam.

Đến lúc “khai phá” thị trường châu Mỹ

Châu Mỹ có nền kinh tế phát triển năng động và tốc độ tăng trưởng chỉ sau châu Á. Những năm gần đây, thị trường này dần trở thành đối tác thương mại quan trọng của Việt Nam với mức tăng trưởng khoảng 20%/năm, nhiều nhất là giày dép, hàng dệt may, thủy sản, đồ gỗ, gạo. 

Đánh giá về việc xuất khẩu hàng hóa của các DN Việt Nam vào thị trường Canada, ông Dương Tấn Phong - Giám đốc Tài chính Bệnh viện Quốc tế Mỹ cho biết, hiện nay khoảng 95% sản phẩm Việt Nam không xuất khẩu trực tiếp dưới thương hiệu Việt Nam mà phải dùng thương hiệu các nước Thái Lan, Malaysia, Singapore... (một hình thức sản xuất các bộ phận và thiết bị có thể được bán bởi nhà sản xuất khác - OEM), chỉ một phần nhỏ xuất khẩu trực tiếp với nhãn mác Việt Nam dưới sự hướng dẫn đầu tư và quy trình từ phía Canada, như trái thanh long chẳng hạn. “Theo tôi, rào cản lớn nhất của việc DN Việt Nam phải làm OEM cho thương hiệu của các nước châu Á là thiếu sự đầu tư bài bản trong quy trình quản trị sản xuất và bán hàng, liên quan đến việc kiểm tra chất lượng nguyên liệu đầu vào, bao bì, nhãn mác theo tiêu chuẩn quốc tế cùng chính sách bán hàng và marketing. Chúng ta không thiếu những sản phẩm chất lượng và mang đậm sắc thái Việt để chinh phục người tiêu dùng các nước”, ông Dương Tấn Phong khẳng định.

Nhưng không chỉ xuất khẩu hàng hóa, các DN Việt Nam còn có thể đầu tư, thành lập DN tại những nước ở châu Mỹ. Chia sẻ tại tọa đàm “Kinh doanh và đầu tư toàn cầu” do Tập đoàn USIS tổ chức tuần trước, ông Dương Tấn Phong cho biết, môi trường đầu tư ở Mỹ là yếu tố quan trọng và nổi bật nhất nhờ luật pháp minh bạch, thân thiện, luôn hỗ trợ DN, cơ hội kinh doanh, đầu tư bình đẳng, thông tin rõ ràng, cạnh tranh lành mạnh”. 

Theo ông Lê Phụng Hào - Phó chủ tịch USIS Group, Việt Nam ngày càng chủ động trong hội nhập với nền kinh tế thế giới. Việt Nam đã ký kết 13 FTA, trong đó 12 FTA đã có hiệu lực, nổi bật là FTA giữa Việt Nam và ASEAN, FTA giữa Việt Nam với 28 nước thành viên EU... Trong xu hướng đó, việc đầu tư ra nước ngoài, đặc biệt là vào những quốc gia có các FTA với Việt Nam như Mỹ, Canada sẽ mang lại nhiều cơ hội cho DN.

Rào cản lớn nhất của việc DN Việt Nam phải làm OEM cho thương hiệu các nước châu Á là thiếu sự đầu tư bài bản trong quy trình quản trị sản xuất và bán hàng, liên quan đến việc kiểm tra chất lượng nguyên liệu đầu vào, bao bì, nhãn mác theo tiêu chuẩn quốc tế cùng chính sách bán hàng và marketing.

Cũng theo các chuyên gia tư vấn đầu tư Mỹ, có những khác biệt cần lưu ý giữa DN Việt Nam và DN Mỹ. Trong khi DN Việt Nam uyển chuyển trong kinh doanh và đầu tư ngắn hạn, chấp nhận rủi ro cao nếu có dấu hiệu lợi nhuận cao, thường kinh doanh lướt sóng, chú ý đến lợi nhuận trước mắt, dễ chuyển đổi, thì DN Mỹ tư duy thực tế, lợi nhuận vừa phải và hợp lý; có tầm nhìn đầu tư và kinh doanh lâu dài, có thể bị thiệt hại nặng, phá sản nhưng vẫn theo đuổi mục tiêu và giá trị cốt lõi đến cùng.

Ở góc độ khác, GS. Hà Tôn Vinh - Chủ tịch Stellar Management cho biết, muốn đầu tư vào Mỹ, phải có tầm nhìn dài hạn, niềm đam mê kinh doanh, thích ứng với khó khăn và phải có sản phẩm khác biệt. Bên cạnh đó, cần phải sử dụng dịch vụ tư vấn để làm đúng các thủ tục pháp lý ngay từ đầu để tránh những rủi ro về sau. “Nếu muốn thành công tại Mỹ, DN Việt phải có sản phẩm độc đáo, giá cạnh tranh và luôn tạo thêm giá trị gia tăng. DN Việt phải sử dụng dịch vụ tư vấn, cố vấn chuyên môn và chỉ tập trung làm những gì có thể làm tốt nhất”, GS. Hà Tôn Vinh tư vấn.

Ở Canada, đăng ký kinh doanh rất dễ, trực tiếp bằng online, chỉ trong vòng 30 phút là xong và sau đó sẽ có mã số DN. Nếu dự kiến doanh số trên 30.000 CAD trong vòng một quý, hoặc trong một năm thì việc đăng ký mã số thuế hàng hóa và dịch vụ rất nhanh gọn. Canada là quốc gia có chính sách tiếp nhận người nhập cư cởi mở nhất hiện nay. Tại Canada, những ngành nghề có thể mang lại lợi nhuận cao gồm xuất nhập khẩu và bất động sản. Hiện nhu cầu nhập cư rất lớn kéo theo nhu cầu về nhà ở ngày càng tăng tại Canada. Bên cạnh đó, dược, y tế, trang thiết bị chuyên dụng cho nhiều ngành nghề cũng có nhu cầu cao. Với thị trường này, điều lưu ý nhất với DN Việt là phải khai đầy đủ thuế hàng hóa và dịch vụ. Cơ quan thuế Canada kiểm soát ngẫu nhiên hoặc khi nghi ngờ sẽ theo dõi rất sát sao. Nếu phát hiện ra hành vi gian dối, DN sẽ có nguy cơ đóng cửa công ty. 

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Đến lúc “khai phá” thị trường châu Mỹ
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO