Để thu hẹp khoảng cách giàu nghèo

DƯƠNG MINH TRÍ| 14/02/2012 08:15

Hồi giữa năm ngoái, tờ Wall Street Journal đã đưa ra kết quả khảo sát do Công ty Quản lý tài sản Merrill Lynch Global Wealth Management và Hãng Tư vấn Capgemini của Mỹ thực hiện về số lượng các triệu phú đôla tại châu Á trong nửa đầu năm 2011. Theo đó, số lượng những người có tài sản từ 1 triệu USD tại châu Á đang tăng mạnh, đặc biệt Hongkong và Việt Nam cùng có mức tăng tới 33% so với cùng kỳ 2010 và là mức cao nhất của châu lục.

Để thu hẹp khoảng cách giàu nghèo

Hồi giữa năm ngoái, tờ Wall Street Journal đã đưa ra kết quả khảo sát do Công ty Quản lý tài sản Merrill Lynch Global Wealth Management và Hãng Tư vấn Capgemini của Mỹ thực hiện về số lượng các triệu phú đôla tại châu Á trong nửa đầu năm 2011.

Theo đó, số lượng những người có tài sản từ 1 triệu USD tại châu Á đang tăng mạnh, đặc biệt Hongkong và Việt Nam cùng có mức tăng tới 33% so với cùng kỳ 2010 và là mức cao nhất của châu lục.

Công nhân đang làm việc tại một xưởng may

Cùng thời điểm này, các tài liệu chính thức trên sàn chứng khoán Việt Nam cho thấy ở nước ta số triệu phú đôla lên đến gần 170 người. Riêng 100 nhân vật giàu nhất, mỗi người đều có tài sản chứng khoán vượt 2 triệu USD, trong đó có hai người đạt chuẩn hội viên câu lạc bộ 100 triệu USD.

Đó là số liệu liên quan đến người giàu. Còn người nghèo thì sao?

Theo báo cáo mới nhất của Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội về “Chia sẻ thông tin trong lĩnh vực an sinh xã hội” được công bố hồi giữa năm 2011, số hộ nghèo trên cả nước đã tăng lên 1 triệu hộ, tức tăng 50% sau khi mức chuẩn nghèo được điều chỉnh từ mức thu nhập 200 ngàn đồng/người/tháng lên 400 ngàn đồng/người/tháng với khu vực nông thôn và 260 ngàn đồng/người/tháng lên 500 ngàn đồng/người/tháng cho khu vực thành thị.

Theo mức chuẩn trên thì nước ta hiện nay hộ nghèo chiếm 20%. Thực tế này phù hợp với đánh giá của Ngân hàng Thế giới, tình trạng phân hóa giàu nghèo tại Việt Nam đang chuyển dần từ mức tương đối bình đẳng năm 2002 sang mức bất bình đẳng do chênh lệch thu nhập ngày càng tăng giữa các nhóm dân cư hiện nay.

Hồi đầu năm 2012, tại một hội nghị của Mặt trận Tổ quốc Trung ương, các đại biểu đã nêu lên một bức xúc của xã hội. Đó là “phân hóa giàu nghèo ở Việt Nam đang diễn ra một cách ghê gớm”.

Nhận định này không có gì bất ngờ khi theo Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, khoảng cách giữa mức thu nhập của các nhóm lao động ngày càng có sự chênh lệch rõ nét, đặc biệt là ở các thành phố lớn.

Tại Hà Nội, chênh lệch giữa người có tiền lương cao nhất so với trung bình là 42 lần (75,2 triệu đồng/tháng so với mức bình quân 1,8 triệu đồng/tháng).

Tại Thành phố Hồ Chí Minh con số này lên đến 109 lần (240 triệu đồng/tháng so với 2,2 triệu đồng/tháng). Nhóm có thu nhập cao là các giám đốc điều hành, trưởng đại diện, trưởng phòng, cán bộ phụ trách kinh doanh… đang làm việc tại các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài, công ty liên doanh, các công ty hoạt động trong lĩnh vực tài chính, ngân hàng, chứng khoán, bác sĩ tại một số bệnh viện, phòng khám.

Ngược lại, nhóm có thu nhập thấp là công nhân lao động đang làm việc trong các khu công nghiệp, doanh nghiệp nước ngoài.

Trong sản xuất nông nghiệp, sự phân hóa giàu nghèo cũng ngày càng nới rộng. Các hộ giàu thường có điều kiện đầu tư cho sản xuất lớn trong khi khả năng đầu tư của các hộ nghèo lại rất hạn chế.

Tốc độ phát triển ngành kinh tế chính là nông nghiệp ở nông thôn thấp hơn rất nhiều ngành công nghiệp ở thành thị. Ngoài ra, tốc độ tăng giá của các mặt hàng nông sản tương đối thấp, trong khi các mặt hàng tiêu dùng công nghiệp lại tăng nhanh chóng.

Do đó thu nhập của người nông dân cũng thấp hơn nhiều và ngày càng giãn xa so với thu nhập của người dân thành thị.

Còn giữa các vùng nông thôn với nhau, sự chuyển dịch cơ cấu kinh tế và cơ hội phát triển của các vùng khác nhau dẫn đến mức thu nhập khá chênh lệch.

Đã có nhiều công trình nghiên cứu trong đó nêu ra các nguyên nhân chủ yếu dẫn đến sự phân hóa giàu nghèo quá lớn ở nước ta. Tựu trung có thể dẫn ra vài nguyên nhân chính:

- Trước tiên là tình trạng bất bình đẳng trong nghĩa vụ thuế, do chúng ta thiếu một hệ thống vận hành và quản lý hữu hiệu về thuế thu nhập cá nhân và phải cần nhiều nỗ lực cũng như thời gian để lập một trật tự về việc này.

Thực tế cho thấy lớp người giàu thường được nhiều ưu đãi về thuế và dễ dàng “trốn thuế hợp pháp” hơn người nghèo. Tầng lớp người giàu đông đảo nếu làm tròn nghĩa vụ thuế thì Chính phủ mới có điều kiện sử dụng tiền ngân sách vào các mục đích quốc kế dân sinh, rút ngắn khoảng cách giàu nghèo.

Nguyên nhân thứ hai là do ảnh hưởng từ quá trình chuyển đổi sở hữu nhà nước sang tập thể dưới hình thức cổ phần hóa, mà thực chất là tư nhân hóa, đã dẫn đến tình trạng quyền lợi kinh tế thường rơi vào tay những người có chức quyền nhưng lại thiếu trách nhiệm với xã hội.

Họ là những người nắm thông tin, lợi dụng quá trình chuyển hóa từ công hữu sang tư hữu ấy để nắm giữ nhiều cổ phần, cổ phiếu trong các doanh nghiệp, thu vén những nguồn tài nguyên sẵn có, và từ đó họ càng có điều kiện để tích lũy, làm giàu.

Nguyên nhân thứ ba là do ảnh hưởng của cơ chế thị trường, mà về lý thuyết là mang lại cơ hội cho tất cả mọi người, nhưng trong thực tế chỉ một số ít người có khả năng nắm lấy được thời cơ.

Người khôn ngoan, hiểu biết về kinh doanh, nhìn thấy và nắm bắt cơ hội rồi làm giàu nhờ cơ chế thị trường. Đó là những người được xã hội tôn trọng vì làm giàu chính đáng và tạo điều kiện cho nhiều người lao động có thu nhập khá để thoát nghèo.

Nguyên nhân nữa là tình trạng tham nhũng đã tạo ra một lớp người giàu có nhờ lạm dụng chức quyền. Và khi có tiền họ lại có nhiều ưu thế cũng như biết cách làm sinh lợi từ đồng tiền bất chính ấy.

Từ những điều nêu trên, rõ ràng là cần phải có những giải pháp thích hợp để giảm bớt tỷ lệ bất bình đẳng:

Cần điều chỉnh lại chiến lược đầu tư công để đẩy mạnh đầu tư vào khu vực nông nghiệp và phát triển nông thôn. Nếu chuyển bớt nguồn lực đầu tư vào những ngành công nghiệp làm ăn không hiệu quả sang phát triển nông nghiệp và nông thôn thì không những giúp tăng hiệu quả kinh tế mà còn cải thiện đời sống của rất nhiều người nghèo tại vùng này.

- Thực hiện các dự án hạ tầng giao thông để làm tiền đề cho phát triển kinh tế và tạo ra ngày càng nhiều việc làm cho người dân.

- Rà soát lại chính sách thuế để vừa khuyến khích kinh doanh vừa lập lại một sự công bằng trong việc huy động nguồn thu ngân sách và các dự án trọng điểm và dân sinh.

Kinh tế tư nhân với nhiều tiềm năng cần thêm nhiều điều kiện cởi mở để trở thành khu vực chủ lực trong nền kinh tế, được tiếp cận nguồn vốn như khu vực quốc doanh, cạnh tranh bình đẳng trong môi trường kinh doanh thông thoáng.

Thành phần này giàu lên sẽ có điều kiện giải quyết nhiều công ăn việc làm cho người dân trong nước, chứ không phải xuất khẩu lao động giá rẻ như hiện nay.

- Một nền giáo dục tiến bộ và hữu hiệu có vai trò quan trọng trong quá trình thu hẹp khoảng cách giàu nghèo, vì qua đó sẽ làm tăng năng suất lao động vốn là yếu tố quyết định mức thu nhập không chỉ cho cá nhân mà cho toàn xã hội.

- Tất nhiên sau cùng và quan trọng hơn cả vẫn là chính sách điều hành vĩ mô của chính phủ với chiến lược phát triển kinh tế lâu dài và lành mạnh hóa môi trường kinh tế xã hội.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Để thu hẹp khoảng cách giàu nghèo
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO