Cửa hàng tiện lợi: Thương chiến trên những cung đường

HỒNG NGA - LOAN LÊ| 07/07/2018 06:44

Tăng trưởng được duy trì ở mức 2 con số, cộng với lợi thế về dân số và tốc độ đô thị hóa nhanh, Việt Nam luôn là thị trường hấp dẫn đối với các nhà bán lẻ, đặc biệt là mô hình cửa hàng tiện lợi (convenience store - CVS).

Cửa hàng tiện lợi: Thương chiến trên những cung đường

Ảnh: X.Thảo

Thương chiến trên những cung đường

Tháng 5/2017, thời điểm Vincom+ Nam Long tọa lạc trên đường Trần Trọng Cung (phường Tân Thuận Đông, quận 7, TP.HCM) đi vào hoạt động, đất trên trục đường này giá mỗi mét vuông tăng gần gấp đôi, giá thuê mặt bằng cũng "té nước theo mưa" do có nhiều cửa hàng tiện lợi xuất hiện. Thay vì chỉ có Family Mart, vốn đã án ngữ giao lộ Huỳnh Tấn Phát - Trần Trọng Cung từ trước, chỉ chưa đầy 4 tháng (kể từ tháng 7/2017), Circle K, Ministop cùng xuất hiện. Rồi còn sự có mặt của Vinmart+, Hoàng Gia, Zakka Mart, Co.op Food, tất cả đang "nén" trên con đường dài xấp xỉ 1km.

Trần Trọng Cung là một trong những tuyến đường đắc địa tại TP.HCM, được các nhà bán lẻ "chăm sóc" kỹ càng. Đơn cử, trên tuyến D2 (phường 25, quận Bình Thạnh), với lợi thế là khu dân cư liền kề quận trung tâm và là nơi tập trung 6 trường học (trong đó có 3 trường đại học), hơn một năm qua, gần như có tất cả chuỗi CVS. Trong khi đó, trên phố Bùi Viện (quận 1), Circle K "trấn" đến 3 cửa hàng để đón luồng đi của khách du lịch.

Link bài viết

Nói về tốc độ mở rộng của CVS, đại diện một doanh nghiệp đang điều hành chuỗi CVS tại TP.HCM cho hay, dù mô hình CVS hiện diện tại thị trường Việt Nam đã 10 năm nhưng chỉ mới tăng tốc trong vòng 2 năm trở lại đây. Vị này cũng cho biết thêm, các đơn vị điều hành chuỗi CVS hay chuỗi cửa hàng ăn uống thường cân nhắc kỹ nhiều yếu tố trước khi mở điểm kinh doanh.

Theo đó, khoảng cách giữa các cửa hàng phụ thuộc vào mật độ dân cư, sức mua và hành vi tiêu dùng của khách hàng. Chẳng hạn, với trục đường D2, mật độ cư dân khu vực này đông đúc, khách hàng tiềm năng lại nằm trong độ tuổi "vàng", chuộng những trải nghiệm mua sắm, ăn uống tiện lợi trong không gian thiết kế độc đáo. Đây là tiêu chí mà chủ CVS nhắm đến khi tạo nên sự khác biệt, lợi thế cạnh tranh nên không khó để lý giải vì sao trục đường này bỗng dưng trở thành "miền đất hứa" của cửa hàng tiện lợi.

18h ngày 29/6, cửa hàng Bách hóa Xanh (cạnh chung cư Melody, 16 Âu Cơ, phường Tân Sơn Nhì, quận Tân Phú, TP.HCM) vẫn khá đông khách mua sắm. 2 tháng nay, cửa hàng này đã tăng cường quầy hàng thực phẩm tươi sống với nhiều loại rau củ, trái cây hơn cùng quầy hải sản, bể cá sống.

Tại quầy thực phẩm, nhân viên cửa hàng sơ chế hải sản theo yêu cầu, vì thế đã thu hút khá đông khách hàng là nhân viên văn phòng làm việc gần đó và cư dân của chung cư Melody. Cách đó hơn trăm mét, cửa hàng Ministop kinh doanh hàng thiết yếu cùng các loại thức ăn chế biến sẵn như sandwich, bánh mì kẹp thịt, cơm nắm, hotdog cũng có khách hàng ra vào thường xuyên.

Cửa hàng mở cửa 24/24 với thực đơn thay đổi mỗi tuần kèm các loại nước uống như trà sữa, trà đào, cà phê, kem nên rất được khách hàng trẻ và học sinh ưa thích. Chưa hết, trong khu vực shophouse của chung cư Melody, cửa hàng tiện lợi Vinmart+ của Vingroup cũng nhộn nhịp khách nội trợ, đặc biệt là vào các ngày cuối tuần.

Đi về hướng Tân Bình, chỉ trên đoạn đường Ni Sư Huỳnh Liên chưa đầy 200 mét là 3 cửa hàng tiện lợi của Circle K, Family Mart và BsMart.

Theo các chuyên gia trong ngành, phân khúc cửa hàng tiện lợi đang vào cuộc đối đầu trực diện khi cửa hàng của những thương hiệu nội, ngoại mọc san sát nhau. Chỉ riêng tại TP.HCM, nếu như năm 2014 có 326 cửa hàng tiện lợi  thì đến cuối tháng 3/2018 đã tăng lên 1.144, gấp 3,5 lần.

Không chỉ mọc san sát nhau ở các khu dân cư, các nhà bán lẻ còn khai thác thị trường đặc thù. Mới đây, Satra đã đưa vào hoạt động cửa hàng Satrafoods tại Bệnh viện Nhi đồng 2. Ông Trần Văn Bắc - Phó tổng giám đốc Satra cho biết, với đặc thù riêng của vị trí, Satrafoods sẽ tăng cường các mặt hàng tã, sữa, sản phẩm dinh dưỡng, đồ chơi trẻ em.

Phân khúc cửa hàng tiện lợi đang vào cuộc đối đầu trực diện khi cửa hàng của những thương hiệu nội, ngoại mọc san sát nhau. Chỉ riêng tại TP.HCM, nếu như năm 2014 có 326 cửa hàng tiện lợi  thì đến cuối tháng 3/2018 đã tăng lên 1.144, gấp 3,5 lần.

Thời gian tới, cửa hàng ăn uống của Satra cũng sẽ được phát triển bên cạnh cửa hàng Satrafoods, cung cấp nhiều món ăn dinh dưỡng, đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm phục vụ người tiêu dùng tại đây. Mô hình cửa hàng Satrafoods và cửa hàng ăn uống Satra tại bệnh viện sẽ được nhân rộng.

Trong tháng 6/2018, Saigon Co.op đã đưa cửa hàng Co.op Food vào Bệnh viện Nhi đồng TP.HCM tại huyện Bình Chánh. Cùng với Co.op Food, Saigon Co.op đã vận hành thêm 2 mô hình cửa hàng tiện lợi khác là Co.opSmile và Cheers - thương hiệu hợp tác với NTUC Fair Price (Singapore) vào tháng 5/2018.

Nếu như Co.op Food với thế mạnh là thực phẩm tươi sống và chế biến thì Co.opSmile là mỹ phẩm, đồ dùng, quần áo cùng các dịch vụ tiện ích như thu cước điện thoại, internet, truyền hình cáp, chuyển tiền Cheers phục vụ 24/7 hướng đến khách hàng trẻ với các loại nhu yếu phẩm, thức ăn nhanh tại chỗ. Trong năm 2017, Saigon Co.op đã đưa vào hoạt động gần 120 cửa hàng tiện lợi.

Ông Nguyễn Anh Đức - Phó tổng giám đốc Saiggon Co.op cho rằng, sự phát triển của phân khúc cửa hàng tiện lợi là xu thế tất yếu, đáp ứng nhu cầu mua nhanh, sử dụng nhanh và thời gian mở cửa nhiều hơn cửa hàng truyền thống. Đó cũng là phân khúc Saigon Co.op tập trung nguồn lực nhằm phục vụ tốt hơn nhu cầu người tiêu dùng, đồng thời đa dạng hóa phân khúc bán lẻ.

Năm 2017, Saigon Co.op đạt doanh thu 30.000 tỷ đồng, và đặt kế hoạch tăng trưởng 10% trong năm 2018. Để thực hiện kế hoạch này, Saigon Co.op sẽ phát triển 170 Co.op Food, 150 Co.op Smile và 50 Cheers bên cạnh các hệ thống Co.opmart, Co.opXtra.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Cửa hàng tiện lợi: Thương chiến trên những cung đường
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO