Cổ phiếu SBS: Tăng trưởng trong tương lai là khả quan

QUỲNH VŨ| 07/07/2010 06:17

Dù mới chính thức lên sàn được vài ngày, nhưng có thể nói cổ phiếu của Công ty cổ phần Chứng khoán Ngân hàng Sài Gòn Thương Tín - Sacombank-SBS cũng đã thể hiện được giá trị của mình cùng với sự thăng trầm của VN-Index.

Cổ phiếu SBS: Tăng trưởng trong  tương lai là khả quan

Dù mới chính thức lên sàn được vài ngày, nhưng có thể nói cổ phiếu của Công ty cổ phần Chứng khoán Ngân hàng Sài Gòn Thương Tín - Sacombank-SBS (mã chứng khoán SBS) cũng đã thể hiện được giá trị của mình cùng với sự thăng trầm của VN-Index. Nói như thế bởi trong giai đoạn trước đó, SBS được đánh giá là cổ phiếu có tính thanh khoản tốt với khối lượng và giá trị giao dịch lớn trên thị trường phi chính thức.

Có thể nói, môt trong những lộ trình quan trọng các công ty chứng khoán (CTCK) đều muốn hoàn thành sớm là niêm yết tại sở giao dịch chứng khoán. Sự khẩn trương lên sàn của các CTCK lúc này cho thấy mong muốn được ngày càng minh bạch và hoạt động nghiêm chỉnh hơn của những tổ chức trung gian này.

Theo đánh giá của nhiều người, trong năm 2010, số lượng cổ phiếu của CTCK niêm yết tại hai sàn sẽ lên tới hàng chục đơn vị. Như vậy, cuộc đua của CTCK sẽ không chỉ bằng dịch vụ, bằng tiện ích, bằng chất lượng mà bằng chính giá giao dịch của cổ phiếu trên sàn được thị trường chấp nhận hàng ngày.

Bền vững trong tăng trưởng

Năm 2008, kinh tế Việt Nam và thế giới rơi vào suy thoái, nhiều CTCK thua lỗ. Bước sang năm 2009, thị trường khởi sắc trở lại, Sacombank-SBS cũng từ đó lấy lại đà tăng trưởng. Về hiệu quả, Sacombank-SBS được đánh giá nằm trong nhóm những công ty có hiệu quả hoạt động tốt trong ngành, đặc biệt có sự chuyển biến đáng kể trong năm 2009 so với 2008.

Năm 2008, doanh thu thuần và lãi đầu tư đạt 406 tỷ đồng, xếp thứ 6 về doanh thu, đồng thời lợi nhuận đạt 31 tỷ, xếp thứ 4 trong ngành. Đây được xem là một thành công lớn của Sacombank-SBS trong khi phần lớn các CTCK đều lỗ nặng do sự tụt dốc của thị trường chứng khoán. Diễn biến thuận lợi của thị trường năm 2009 tạo nên bứt phá của Sacombank-SBS ở một số chỉ tiêu so sánh ngành.

Cụ thể, doanh thu Sacombank-SBS năm 2009 đạt 770 tỷ đồng và lợi nhuận 254 tỷ đồng, chỉ xếp sau SSI, KLS về lợi nhuận và chênh lệch không lớn so với HSC trong nhóm các công ty chứng khoán niêm yết. Mặc dù chỉ số EPS (2.273 đồng/CP) thấp hơn các doanh nghiệp này, chỉ tiêu hiệu quả trên vốn sử dụng, tỷ suất lơi nhuận ròng trên vốn chủ sở hữu đạt mức cao so với các doanh nghiệp niêm yết, bình quân 20%, thể hiện hiệu quả sử dụng nguồn vốn chủ sở hữu khá tốt. Tuy nhiên, ROA lại thấp hơn các công ty trên do công ty tận dụng các khoản vay nợ khá lớn để phát triển các mảng dịch vụ về môi giới.

Khi đã vượt qua mọi khó khăn, dự kiến thị trường chứng khoán năm 2010 có bước khởi sắc so với năm 2009, Sacombank-SBS ước tính giá trị giao dịch toàn thị trường khoảng 4.800 tỷ đồng/ngày, trong đó SBS chiếm khoảng 14% trên tổng giá trị giao dịch. Lợi nhuận trước thuế lũy kế tính đến tháng 6/2010 ước 170 tỷ đồng.

Bên cạnh đó, Sacombank-SBS cũng chú trọng phát triển các mảng dịch vụ ngân hàng đầu tư và tư vấn tài chính doanh nghiệp, đồng thời phát triển số lượng tài khoản khách hàng. Số lượng tài khoản dự kiến tăng từ 33.000 tài khoản lên 50.000 tài khoản, thị phần môi giới của Sacombank-SBS dự kiến tăng từ 7,7% (cuối năm 2009) lên 8,5%. Cũng từ đó, Sacombank-SBS dự kiến thực hiện chính sách chia cổ tức theo tỷ lệ từ 15% đến 18% từ năm 2010 đến 2012.

Không dừng lại ở đó, Sacombank-SBS xác định 2010 là năm bản lề trong phân đoạn 3 năm (2010 - 2012) với tầm nhìn chiến lược chinh phục thị trường vốn Đông Dương, tiến đến hội nhập thị trường tài chính quốc tế trong 10 năm tới (2010 - 2020).

Đồng thời, sau khi trở thành thành viên niêm yết của thị trường chứng khoán Việt Nam, Sacombank-SBS sẽ tiếp tục hiện thực hóa và hoàn thành các mục tiêu trọng điểm, trong đó các hoạt động gần nhất là khai trương chi nhánh Tây Đô (tháng 7/2010) như một cửa ngõ kết nối khu vực đồng bằng sông Cửu Long với thị trường vốn Việt Nam, thành lập công ty con tại Campuchia và Lào (dự kiến cuối năm 2010)...

Có thể nói đây là một kế hoạch đủ dài và cũng sẽ không ít chông gai nhưng thị trường vốn luôn mở ra những cơ hội công bằng cho những người tiên phong.

Tiềm năng cổ phiếu đầu ngành

Việc niêm yết cổ phiếu là một kế hoạch đã được Sacombank-SBS đặt ra và chuẩn bị mọi nguồn lực để thực hiện từ rất sớm, cũng giống như việc hoạch định các chiến lược phát triển về thị trường, quy mô vốn... Do vậy, ngay sau thời điểm lên sàn HOSE ngày 5/7, cổ phiếu SBS đã trở thành tâm điểm của thị trường với giá giao dịch bình quân 38.000 đồng/CP. Ở thời điểm này, SBS được đánh giá là cổ phiếu có giá trị giao khá lớn so với giá trị giao dịch toàn thị trường.

Ông Nguyễn Hồ Nam - Chủ tịch HĐQT Sacombank - SBS nhận quyết định lên sàn.

Theo ông Nguyễn Hồ Nam - Chủ tịch Hội đồng quản trị Sacombank-SBS, niêm yết cổ phiếu tại Sở Giao dịch chứng khoán TP.HCM (HOSE) là một trong những mục tiêu quan trọng bước đầu trong quá trình phát triển chiến lược của Sacombank-SBS tại thị trường vốn Việt Nam và Đông Dương.

Thông qua bước ngoặt niêm yết này, Sacombank-SBS sẽ được nhiều thuận lợi ở các mặt như huy động vốn nhanh chóng và trực tiếp từ thị trường, tìm kiếm cổ đông chiến lược, thu hút nhân sự giỏi... tạo đà cho kế hoạch niêm yết tại sàn giao dịch chứng khoán tập trung vào đầu năm 2010.

“Sẽ có rất nhiều doanh nghiệp muốn đẩy nhanh việc lên sàn để tranh thủ cơ hội thị trường phục hồi sau khủng hoảng để huy động vốn cho các kế hoạch kinh doanh và củng cố thương hiệu. Hơn nữa, việc công ty chứng khoán lên sàn sẽ tốt cho thị trường và tốt cho nhà đầu tư bởi lúc đó áp lực về sự công khai và minh bạch sẽ lớn hơn và buộc các công ty phải thể hiện sự chuyên nghiệp hơn nữa”, ông Nam nói.

Thực vậy, nói cổ phiếu SBS là tiềm năng là hoàn toàn có cơ sở. Vì nếu dựa vào ROE của Sacombank-SBS qua các năm 2008, 2009 lần lượt là: 2,71% và 20,54% thì đây là những con số không tệ nếu đặt vào bối cảnh chung của các công ty cùng ngành cũng trong thời điểm đó. ROE năm 2008, 2009 của một số công ty chứng khoán như sau: SSI: 6,6%, 16,7%; BVS: -42,5%, 14,9%; HSC: 1,8%, 18,1%; KLS: -51%, 23,4%. Như vậy ROE của Công ty năm 2008 và năm 2009 đạt ở mức khá cao so với các công ty cùng ngành, đặc biệt là ROE năm 2009.

Bước sang quý I/2010, ROE đạt 3,00%, đây là con số tương đối khiêm tốn và Công ty sẽ nỗ lực trong quý II và cả năm 2010. Tương tự như sự gia tăng ROE đã nêu trên, ROA năm 2009 của SBS cũng tăng đáng kể, tăng từ mức 1,26% năm 2008 lên 3,57% năm 2009, ROA quý 1/2010 đạt 0,50%.

So sánh với một số công ty cùng ngành, ROA năm 2008, 2009 của một số công ty chứng khoán tiêu biểu như sau: SSI: 4,5%, 11,4%; BVS: -31,4%, 10,5%; HSC: 1,6%, 13,3%; KLS: -37,9%, 15,0%. ROA của Công ty khá thấp so với các công ty cùng ngành, nguyên nhân chủ yếu là do tổng tài sản của Công ty khá lớn, trong khi vốn chủ sở hữu chỉ ở mức trung bình.

Một chuyên gia chứng khoán cũng thừa nhận rằng, nhìn chung thị trường chứng khoán vẫn còn một vài thách thức trong thời điểm hiện tại nhưng nếu nhìn vào diễn biến của các cổ phiếu chứng khoán trong thời gian qua cho thấy tiềm năng tăng trưởng trong tương lai là rất khả quan.

Trên thực tế, lịch sử cũng đã nhiều lần cho thấy khi thị trường tăng trưởng ổn định và bền vững thì các cổ phiếu chứng khoán luôn nhận được sự quan tâm mạnh mẽ không chỉ của những nhà đầu tư trong nước mà còn từ các nhà đầu tư tổ chức, các quỹ và từ những nhà đầu tư nước ngoài. Vì vậy, trong giai đoạn thị trường tăng trưởng, các cổ phiếu chứng khoán luôn có đà tăng giá ấn tượng hơn các cổ phiếu thuộc những nhóm ngành khác.

Nhìn chung, các tỷ số tài chính trên phản ánh tình hình kinh doanh đang trên đà hồi phục, cũng như cơ cấu tài chính linh hoạt và lành mạnh của công ty trong thời gian qua. Với bối cảnh kinh tế hiện nay, cũng như vị thế và tiềm năng tăng trưởng của Sacombank-SBS, giá cổ phiếu SBS được kỳ vọng sẽ tiếp tục tăng trong thời gian tới.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Cổ phiếu SBS: Tăng trưởng trong tương lai là khả quan
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO