Chờ cách tân

CÁC NGỌC| 08/07/2009 04:50

Tham gia Hội chợ Thời trang Việt Nam vào thời điểm này, các DN không chỉ mong có thêm cơ hội kinh doanh mà còn để tìm hiểu năng lực thực tế của ngành dệt may VN, đặc biệt trong lĩnh vực thời trang.

Chờ cách tân

Tham gia Hội chợ Thời trang Việt Nam (VIFF) vào thời điểm này, các DN không chỉ mong có thêm cơ hội kinh doanh mà còn để tìm hiểu năng lực thực tế của ngành dệt may VN, đặc biệt trong lĩnh vực thời trang. Người tiêu dùng cũng chờ đợi sự “lột xác” của thời trang VN.

Chiến thuật tổng lực

Sẽ có hình ảnh mới của thời trang VN?

Trong thời điểm khó khăn mà hội chợ huy động được các DN tham gia đến 240 gian hàng, tăng 100 gian so với năm trước, cho thấy DN trông chờ tín hiệu mới, nếu khai thác được cơ hội ở thời điểm suy giảm kinh tế này thì đón được nhiều cơ hội nữa khi kinh tế thế giới phục hồi. Đã qua 6 lần tổ chức hội chợ thời trang VN, đến lần thứ 7 này (diễn ra tại TP.HCM từ ngày 8 đến 14/7), Hiệp hội Dệt may VN (Vitas) và Tập đoàn Dệt may VN (Vinatex) thấy nếu chỉ có các DN dệt may thì chưa đủ tạo nên một ngành thời trang VN. Vì thế, các DN da giày, trang sức, phụ kiện thời trang, mỹ phẩm... đã được mời tham gia.

Vitas cũng không để chương trình biểu diễn những bộ sưu tập thời trang mới chỉ có các DN thành viên Vinatex, mà còn có sự tham gia của các nhà thiết kế riêng lẻ, công ty thời trang tư nhân, nhà may và cả sinh viên ngành thời trang. Thời trang biểu diễn đã dần được thay thế bởi thời trang ứng dụng, thiết kế ngày càng gần với nhu cầu thực tế. Các đơn vị May Việt Thắng, May Phương Đông, May Nhà Bè, Dệt kim Đông Phương... không đơn thuần đưa ra những kiểu dáng thiết kế mới, mà còn trình diễn các kỹ thuật may, những chất liệu mới để làm đẹp hàng thời trang và tăng tiện ích cho người sử dụng.

Ông Lê Nguyên Ngọc, Giám đốc Công ty cổ phần May Việt Thắng nhận xét, các nhà thiết kế thời trang hiện nay nắm bắt rất nhanh các xu hướng thời trang thế giới mang tính tiện ích cao. May Việt Thắng đã sản xuất hàng loạt sản phẩm ka ki chống nhăn, chống bám bẩn, tiếp theo sẽ sản xuất áo sơ mi nam nữ chống nhăn, chống bám bẩn. Một số bộ sưu tập của những nhà thiết kế sử dụng chất liệu lụa được xử lý kỹ thuật rất tốt trên thời trang ứng dụng.

Có chất liệu thế giới đã sử dụng mấy năm rồi như sợi mêtalic cũng đang được nghiên cứu để sản xuất vải, hàng may mặc cung cấp cho những vùng trong nước có thời tiết lạnh vào mùa đông... Không để ngành thời trang VN thua thiệt về thông tin kỹ thuật, công nghệ, Ban tổ chức hội chợ mời các nhà cung cấp đến giới thiệu với DN trong nước về công nghệ sợi, chất liệu vải mới chống khuẩn, chống bám bẩn, có độ thoáng mát tốt mà không sử dụng hóa chất xử lý sợi.

AFF: Cánh cửa mới

Nhiều người VN ngỡ ngàng khi ra nước ngoài mua những bộ đồ thời trang rất đẹp với giá khá đắt, khi về xem lại xuất xứ hàng mới biết sản xuất tại VN. Họ tiếc cho hàng thời trang của các DN VN bán trong nước hiếm thấy hàng đẹp chỉ vì năng lực thiết kế “chưa đủ tầm”. Đã có nhiều DN lớn cũng định hình thương hiệu thời trang cao cấp, thậm chí tự nhận là muốn tạo sự đột phá, nhưng ấn tượng thương hiệu mờ nhạt dần vì nghèo nàn ý tưởng thiết kế hoặc cập nhật xu hướng thời trang thế giới thiếu chọn lọc, không phù hợp với phân khúc khách hàng mà DN chọn lựa.

Ở phân khúc hàng thời trang giá trung bình, những năm gần đây, các DN nhỏ, cơ sở tư nhân tỏ ra vượt trội hơn so với các DN lớn. Song, do yếu thế tài chính, họ ít hoặc không có khả năng quảng bá nên phát triển chậm. Số này đang đứng trước nguy cơ giảm tiêu thụ vì làn sóng hàng thời trang Thái Lan, Hàn Quốc, Trung Quốc ở phân khúc này vào VN với mẫu mã thay đổi liên tục.

Ông Lê Trung Hải, Phó tổng giám đốc Tập đoàn Dệt may VN cho biết, sự đầu tư công phu hơn trên tất cả phương diện từ quy mô tổ chức, hình ảnh quảng bá đến các chương trình biểu diễn thời trang, giao thương của VIFF 2009 là bước đệm trong một chuỗi các hoạt động khác của Vitas và Vinatex.

Đó là hướng tới mục tiêu đưa VN trở thành thành viên chính thức của Hiệp hội Thời trang Châu Á (AFF) vào tháng 11/2009. Gia nhập AFF có lợi vì các hoạt động xúc tiến thương mại của AFF đều hướng tới mục đích tối ưu hóa các nguồn lực phát triển ngành thời trang của các nước thành viên, làm gia tăng giá trị thặng dư cho hàng dệt may thời trang khi xuất khẩu. Được hỗ trợ của AFF và thông tin qua lại giữa các nước thành viên, tính “nhà nghề” của ngành thời trang VN sẽ được nâng lên.

Trước mắt, mọi người hy vọng ngành thời trang sẽ có một cuộc “lột xác” thật sự để mang lại hình ảnh mới trong mắt người tiêu dùng trong nước, giảm thiểu đến chấm dứt những điểm yếu làm cản trở sự phát triển ngành thời trang VN chiếm lĩnh thị trường nội địa và hướng đến xuất khẩu.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Chờ cách tân
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO