Chợ biên mậu Tân Thanh, Lao Bảo sống nhờ du lịch

BÍCH HỒNG| 18/11/2009 08:06

Chỉ sống dựa trên “đòn bẩy buôn lậu” hàng miễn thuế vào nội địa, những khu vực này khó có thể vươn lên thành những khu thương mại biên mậu đúng nghĩa...

Chợ biên mậu Tân Thanh, Lao Bảo sống nhờ du lịch

Chợ biên mậu Tân Thanh thành lập vài năm đã sầm uất hơn hẳn chợ Đông Kinh ở Lạng Sơn. Có 8.000 quầy hàng tọa lạc trên mặt bằng rộng khoảng 10ha, hàng hóa tại cửa khẩu Tân Thanh đa dạng về mẫu mã, giá cả, chủng loại và hầu hết đều có nguồn gốc từ Trung Quốc.

Để đi hết 6 trung tâm thương mại Việt -Trung, Sài Gòn - Lạng Sơn, Hồng Công, Quảng Châu, Tân Thanh và Thế giới Phụ nữ, một ngày cũng không đủ. Riêng Trung tâm Thương mại Sài Gòn - Lạng Sơn xấp xỉ 10.000m2 có tới gần 2.000 quầy hàng. Các trung tâm thương mại khác từ 700 đến 1.000 quầy hàng. Đây được coi là trung tâm buôn bán các loại hàng hóa có quy mô lớn nhất các tỉnh phía Bắc và thời điểm này là lúc người ta cất hàng sỉ về bán phục vụ mùa đông và Tết Canh Dần sắp đến.

Hàng Trung Quốc áp sát biên giới để vào chợ biên mậu

Ở khu thương mại Tân Thanh người ta không trưng biển “cửa hàng và siêu thị miễn thuế”. Họ quảng cáo “Hàng xuất xưởng”, “Hàng Quảng Châu thanh lý giá rẻ bất ngờ”. Người Trung Quốc sang đăng ký kinh doanh hầu hết các quầy sạp ở các trung tâm thương mại lớn. Họ xây dựng dãy kho khổng lồ đầy ắp hàng.

Theo số lượt khách mua vé trước khi vào khu biên mậu, có khoảng 30 nghìn lượt khách đến mua sắm mỗi ngày. Con số này tăng lên mỗi năm, càng khó khăn, khủng hoảng kinh tế, người ta càng đi chơi Lạng Sơn - Tân Thanh, bởi hấp lực du lịch và mua hàng siêu rẻ! Người mua sắm phía Bắc đã khá thành thạo với kiểu buôn bán, chất lượng hàng ở Tân Thanh, nhưng vẫn luôn bất ngờ vì hàng hóa thay đổi chóng mặt. Những tấm mền nặng trịch, những bộ chăn, drap rẻ được đổi thành mẫu mã Hàn Quốc nhưng giá thì vẫn...

Trung Quốc, nghĩa là rẻ ngoài sức tưởng tượng! Ai nấy đều ngẩn ngơ trước mẫu mã điện thoại giả Vertu đẹp như thật, giá chỉ 2 triệu đồng. Những chiếc tivi có giá 500 nghìn đồng, áo len nam màu đẹp giá 70 nghìn đồng. Càng gần Tết, những phiên thanh lý hàng cuối năm qui mô càng lớn, hút khách từ dưới xuôi lên mua sắm tấp nập.

Tỉnh Lạng Sơn đã rất nhạy khi phát triển các trung tâm thương mại, cho phép thương nhân Trung Quốc trực tiếp kinh doanh tại các siêu thị, trung tâm thương mại để thúc đẩy phát triển du lịch, xuất nhập khẩu và thu hút đầu tư. Thương mại biên mậu hỗ trợ cho du lịch tham quan đã làm cho vùng biên giới cách đây 7 - 8 năm còn hoang vắng, nay sầm uất với hoạt động buôn bán của hàng chục nghìn người nước ngoài và trong nước, thu hút hàng chục vạn du khách mỗi tháng.

Chợ biên mậu Lao Bảo mấy năm trước từng được đặt tên “Thị trấn rượu”, bởi đây là nơi tập trung nguồn rượu nhập khẩu miễn thuế trị giá 1 - 2 triệu USD/năm, chưa kể lượng rượu nhập lậu tập trung quanh vùng này là hấp lực rất lớn đối với các đường dây kinh doanh rượu, máy điều hòa nhiệt độ vốn là hai mặt hàng phải chịu thuế tiêu thụ đặc biệt nếu bán ở thị trường nội địa.

Nay Quảng Trị kiểm tra gắt gao, hạn chế cấp phép nhập khẩu rượu theo chính sách miễn thuế, các đơn vị kinh doanh tại đây đã nhanh chóng đầu tư các nguồn hàng miễn thuế của châu Âu và ASEAN thay cho hàng kém chất lượng của Trung Quốc, nên vẫn thu hút khách mua sắm. Hành lang kinh tế Đông Tây thông tuyến từ hai năm qua thúc đẩy các công ty lữ hành tích cực khai thác du lịch đường bộ, lượng khách du lịch Thái Lan, Lào và VN qua lại đã tăng lên 1 triệu lượt/năm trên tuyến hành lang này, giúp trung tâm thương mại cửa khẩu Lao Bảo phát triển, thu hút nhiều tập đoàn lớn đầu tư xây dựng siêu thị và khách sạn trong khu vực.

Tuy nhiên, các khu chợ biên mậu trên luôn là hành lang trung chuyển hàng lậu. Chỉ sống dựa trên “đòn bẩy buôn lậu” hàng miễn thuế vào nội địa, những khu vực này khó có thể vươn lên thành những khu thương mại biên mậu đúng nghĩa và sẽ nhanh chóng lụi tàn nếu chính sách miễn thuế hoặc mua hàng miễn thuế thay đổi.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Chợ biên mậu Tân Thanh, Lao Bảo sống nhờ du lịch
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO