Cấm doanh nghiệp FDI mua nông sản: Lợi bất cập hại

THẰNG NGUYỄN| 06/06/2013 00:06

Thông tin từ Bộ Công Thương cho biết, từ ngày 7/6/2013, Thông tư 08/2013/TT-BCT sẽ có hiệu lực. Nội dung chính của thông tư này là quy định doanh nghiệp vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (doanh nghiệp FDI) đã được cấp phép quyền xuất khẩu chỉ được trực tiếp mua hàng hóa của thương nhân Việt Nam chứ không được tổ chức mạng lưới mua gom hàng hóa tại Việt Nam để xuất khẩu.

Cấm doanh nghiệp FDI mua nông sản: Lợi bất cập hại

Thông tin từ Bộ Công Thương cho biết, từ ngày 7/6/2013, Thông tư 08/2013/TT-BCT sẽ có hiệu lực. Nội dung chính của thông tư này là quy định doanh nghiệp vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (doanh nghiệp FDI) đã được cấp phép quyền xuất khẩu chỉ được trực tiếp mua hàng hóa của thương nhân Việt Nam chứ không được tổ chức mạng lưới mua gom hàng hóa tại Việt Nam để xuất khẩu.

Đọc E_paper

Thực tế, Bộ Công Thương không sai khi đưa ra mục đích ngăn chặn tình trạng doanh nghiệp FDI lách luật, tranh mua tranh bán và thao túng thị trường gây tổn thương cho doanh nghiệp trong nước.

Tuy nhiên, Thông tư số 8 dường như sẽ dẫn đến những hiệu ứng tiêu cực cho nông nghiệp Việt Nam, nhất là khi nhóm ngành này đang gặp phải rất nhiều khó khăn về vốn, công nghệ, kỹ thuật canh tác và khả năng quản lý, xuất khẩu.

Trong khi, ưu thế của các doanh nghiệp FDI là sở hữu nguồn lực mạnh về vốn, nguồn nhân lực chất lượng cao đảm bảo hệ thống quản lý hiệu quả, và đặc biệt là hệ thống hạ tầng, kỹ thuật tiên tiến. Tất cả các yếu tố trên là những yêu cầu quan trọng đảm bảo đầu vào và đầu ra cho sản phẩm nông nghiệp.

Việc Thông tư số 8 ra đời sẽ dẫn đến một số hệ lụy đáng lưu ý. Thứ nhất, doanh nghiệp FDI rút vốn do họ thiếu niềm tin và sự lạc quan vào việc đầu tư, nhất là đầu tư gián tiếp thông qua hệ thống doanh nghiệp Việt Nam vẫn còn nhiều hạn chế. Thứ hai, việc không đầu tư sẽ đồng nghĩa với việc thu hồi dây chuyền công nghệ, nguồn nhân lực quản lý...

Hai lý do trên sẽ đẩy nông nghiệp Việt Nam từ chỗ "thiếu nguồn lực" sang tình trạng càng "khan hiếm nguồn lực" do lợi thế hợp tác công - tư đã không còn.

Bên cạnh đó, doanh nghiệp FDI thu hút một lượng lớn lao động, Thông tư 8 ra đời có thể dẫn đến tình trạng cắt giảm lao động, tăng tỷ lệ thất nghiệp. Song song đó là cuộc sống người nông dân càng gặp khó khi thiếu vắng sự hỗ trợ đầu vào và đầu ra của doanh nghiệp FDI theo cơ chế bao tiêu.

Đó là chưa kể tính cạnh tranh và năng lực xuất khẩu nông nghiệp Việt Nam càng yếu đi do chất lượng nông sản, năng lực doanh nghiệp tiếp tục giảm do thiếu sự hiện diện và động lực từ các doanh nghiệp FDI.

Việt Nam gia nhập WTO và nhiều thể chế kinh tế khác trong nhiều năm qua, nhất thiết phải nghĩ đến một nền kinh tế thị trường (Nhà nước chỉ can thiệp khi thật cần thiết).

Hiện nay, khi nhiều doanh nghiệp Việt Nam vẫn tồn tại trong tình trạng yếu kém, chưa có dấu hiệu cải thiện thì việc ra tay bảo hộ doanh nghiệp trong nước không chỉ đi ngược lại với kỳ vọng, cam kết đối với các quốc gia trong quá trình hội nhập mà còn khiến các doanh nghiệp này "dựa dẫm".

Bài học về sự yếu kém "ẩn nấp" phía sau các ngân hàng thương mại và các doanh nghiệp bất động sản gần đây ắt vẫn còn "thấm thía" với Việt Nam.

Trong bối cảnh hiện nay, Việt Nam phải đủ bình tĩnh để duy trì "cuộc chơi" với sự cạnh tranh giữa doanh nghiệp FDI và các doanh nghiệp khác theo cơ chế thị trường. Kèm theo đó, "lọc lựa" và loại bỏ các doanh nghiệp yếu kém để tái cấu trúc, xây dựng lại hệ thống doanh nghiệp.

Tất nhiên, những hỗ trợ về mặt chính sách khuyến khích nâng cao trình độ, hỗ trợ kỹ thuật... cho các doanh nghiệp trong nước nhằm đảm bảo tính cân bằng với doanh nghiệp vốn ngoại là cần thiết.

Những doanh nghiệp có thể "trụ” và phát triển sẽ mang về những hứa hẹn lâu dài cho nền kinh tế, chứ không phải là sự "tạm bợ" của hàng loạt doanh nghiệp yếu kém.

Đối với doanh nghiệp FDI, cần thiết phải có những cơ chế để đưa đối tượng này vào "cuộc chơi chung". Cơ chế này chính là luật và các quy định cụ thể. Điển hình nhất là luật quy định mô hình hợp tác công tư.

Luật này đảm bảo doanh nghiệp FDI không chỉ thu lợi mà còn có nghĩa vụ đối với hạ tầng, công nghệ và chuyển giao mô hình quản lý với Việt Nam. Bên cạnh đó, những quy định về mô hình doanh nghiệp - nông dân cần được đảm bảo để doanh nghiệp giúp đỡ nông dân các yếu tố đầu vào và đảm bảo đầu ra giá trị cao cho nông sản.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Cấm doanh nghiệp FDI mua nông sản: Lợi bất cập hại
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO