"Bó tay" với nạn nhái thương hiệu du lịch?

05/12/2012 09:42

Nhái cả tên gọi, thương hiệu và trang web, bê nguyên cả chương trình - cách thiết kế nội dung tour tuyến… Đó là những bức xúc của doanh nghiệp du lịch tại Hội thảo “Vai trò pháp luật trong bảo vệ thương hiệu du lịch Việt” do Hiệp hội Du lịch TP.HCM (HTA) tổ chức tại TP.HCM chiều 4/12.

Nhái cả tên gọi, thương hiệu và trang web, bê nguyên cả chương trình - cách thiết kế nội dung tour tuyến… Đó là những bức xúc của doanh nghiệp du lịch tại Hội thảo “Vai trò pháp luật trong bảo vệ thương hiệu du lịch Việt” do Hiệp hội Du lịch TP.HCM (HTA) tổ chức tại TP.HCM chiều 4/12.

10 doanh nghiệp dùng "chung" một thương hiệu

Ông Nguyễn Văn Mỹ, Giám đốc Công ty dã ngoại Lửa Việt kể, mới đây, ông được một người quen cho hay là đã gặp "nhân viên" của Lửa Việt ở miền Trung; và "nhân viên" này lại bảo với người bạn này rằng công ty Lửa Việt có chi nhánh tại Nam Định.

Nghe qua câu chuyện, ông Mỹ tá hỏa vì trước đến nay Lửa Việt chưa bao giờ lập chi nhánh tại Nam Định và thời gian gần đây công ty cũng không tổ chức tour đi miền Trung.

Tuy nhiên, sau khi hiểu rõ sự tình, ông Mỹ mới biết sự thực có một công ty tên là Công ty TNHH hành trình Lửa Việt, có trụ sở tại Nam Định và cũng kinh doanh dịch vụ lữ hành.

Lửa Việt là một trong các doanh nghiệp du lịch bị nhái thương hiệu

“Khi biết thông tin này, chúng tôi rất bức xúc vì thương hiệu Lửa Việt được công ty cố gắng xây dựng nhiều năm qua giờ bị một công ty khác nhái lại. Tuy nhiên, khi Lửa Việt khiếu nại thì công ty này đưa ra giấy phép chứng minh tên gọi này được Sở Kế hoạch và Đầu tư Nam Định cấp. Thậm chí, khi chúng tôi làm căng họ còn dọa kiện ngược chúng tôi vì tội vu cáo”, ông Mỹ gay gắt.

Cùng hoàn cảnh, bà Trần Thị Mậu Hồng, Giám đốc Công ty TNHH du lịch và vận chuyển Hành Trình Việt cho hay công ty đã được thành lập hơn 10 năm, đến nay ít nhiều tạo được uy tín trong ngành du lịch, với đối tác.

Tuy nhiên, năm 2008 là thời điểm lần đầu tiên Hành Trình Việt phát hiện một doanh nghiệp lấy tên gọi y chang tên của công ty, đến nay có tới 10 doanh nghiệp hoạt động trong ngành du lịch có tên Hành Trình Việt.

Còn bà Lê Thị Như Hà, Phó tổng giám đốc Công ty du lịch Hòa Bình Việt Nam lại cho biết thương hiệu của công ty đang bị ảnh hưởng bởi một thương hiệu có tên là Công ty du lịch Hòa Bình TP.HCM.

Điều đáng nói là Công ty du lịch Hòa Bình TP.HCM là do nhóm người nhà của nhân viên từng làm việc ở Công ty du lịch Hòa Bình Việt Nam lập nên. Nhóm người này sử dụng logo, thương hiệu, trang web na ná Hòa Bình Việt Nam để mời gọi khách hàng. Thậm chí, còn sử dụng mối quan hệ của Hòa Bình Việt Nam để chào mời tour.

“Họ mới thành lập nhưng lại quảng bá là công ty du lịch hàng đầu của Việt Nam. Khi khách hàng phát hiện thì nhân viên lại lừa dối bảo là chi nhánh của Công ty du lịch Hòa Bình Việt Nam. Điều này khiến thương hiệu công ty bị ảnh hưởng rất lớn” - bà Lê Thị Như Hà bức xú.

Nhiều doanh nghiệp đều khẳng định không chỉ doanh nghiệp bị ảnh hưởng mà du khách còn bị thiệt hại bởi những tour kém chất lượng do các doanh nghiệp nhái thương hiệu đưa ra.

“Được vạ thì má đã sưng”

Cấm sử dụng từ "Tân", "Mới" khi đăng ký tên doanh nghiệp: Không giải quyết được cái gốc vấn đề!

Nghị định 43/2010 của Chính phủ về đăng ký doanh nghiệp có một điểm quy định: tên riêng của doanh nghiệp yêu cầu đăng ký khác với tên riêng của doanh nghiệp đã đăng ký bởi từ “tân” ngay trước hoặc “mới” ngay sau tên của doanh nghiệp đăng ký.

Ông Nguyễn Văn Mỹ cho rằng quy định như vậy là chưa chặt chẽ. Bởi doanh nghiệp chỉ cần tránh từ “tân” và “mới” nhưng sẽ ghép một từ khác vào thương hiệu cần nhái, ví dụ như Kinh Đô TP.HCM, Kinh Đô Hà Nội…

Ông Tôn Thất Hòa, Tổng thư ký HTA cho biết có rất nhiều doanh nghiệp khiếu nại vấn đề nhái thương hiệu lên HTA.

Nhái thương hiệu cũng được coi là hàng giả nhưng khi doanh nghiệp khiếu nại lại chưa được cơ quan chức năng tiếp nhận, xem xét một cách cụ thể.

Bà Nguyễn Thị Khánh, Phó chủ tịch HTA cho hay khi bị phát hiện, các công ty nhái thương hiệu cố tình đối phó, thậm chí còn thuê mướn luật sư tham gia vào vụ tranh tụng. 

Ông Nguyễn Văn Mỹ bày tỏ ý kiến cho rằng để xảy ra tình trạng nhái thương hiệu du lịch như trên là do Luật Doanh nghiệp và các nghị định, thông tư đi kèm liên quan đến đăng ký doanh nghiệp có nhiều điểm chưa chặt chẽ.

Từ đó, nhiều doanh nghiệp lợi dụng kẽ hở đăng ký trùng tên gọi với doanh nghiệp khác mà pháp luật khó xử lý.

Luật sư Lương Văn Hồng (tư vấn pháp luật cho Công ty du lịch Hòa Bình Việt Nam) cho rằng việc Luật Doanh nghiệp hở là do khi xây dựng luật chưa có sự phản biện từ phía doanh nghiệp và người dân liên quan.

Từ đó, ông Hồng tư vấn, để tránh bị nhái thương hiệu, sau khi thành lập, doanh nghiệp cần phải đăng ký tên gọi thương mại và nhãn hiệu hàng hóa.

“Ví dụ như tên thương mại Lửa Việt mà được doanh nghiệp đăng ký thì sau này không có doanh nghiệp nào được phép đăng ký tên thương mại Lửa Việt nữa”, luật sư Hồng nói.

Về trường hợp tên gọi Hành Trình Việt, luật sư Nguyễn Văn Hậu, Phó chủ tịch Hội Luật gia TP.HCM cho rằng doanh nghiệp vẫn có thể lấy lại được nếu đăng ký tên gọi này với Cục Sở hữu trí tuệ.

Theo đó, công ty nên liên hệ với Cục Sở hữu trí tuệ vào cuộc, thanh tra. Khi có kết quả thanh tra, doanh nghiệp cần kèm theo giấy đăng ký kinh doanh thông báo buộc doanh nghiệp nhái phải đổi tên. Nếu không, doanh nghiệp sẽ khởi kiện công ty nhái thương hiệu ra tòa.

“Trên thực tế, tòa án cũng đã xử nhiều vụ kiện liên quan đến thương hiệu. Tuy nhiên, có một sự thực là rất ít doanh nghiệp đòi hỏi được quyền lợi theo đúng yêu cầu của mình”, ông Hậu nhấn mạnh.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
"Bó tay" với nạn nhái thương hiệu du lịch?
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO