Bài 2: Lối riêng

NGUYỄN MẠNH| 25/02/2010 08:54

Theo nghiên cứu của JICA, đặt mục tiêu đến năm 2012, mỗi tỉnh ở Việt Nam có quốc lộ đi qua sẽ có một trạm dừng nghỉ, năm 2015 trên các tuyến quốc lộ, cách 200km có một trạm...

Bài 2: Lối riêng

Theo nghiên cứu của JICA, đặt mục tiêu đến năm 2012, mỗi tỉnh ở Việt Nam có quốc lộ đi qua sẽ có một trạm dừng nghỉ, năm 2015 trên các tuyến quốc lộ, cách 200km có một trạm; năm 2020 sẽ có 200 trạm là khá hợp lý.

Đầu tư lớn: Không dễ

Năm 2008 là thời điểm nhiều dự án trạm dừng nghỉ lớn được đồng loạt công bố. Gây sốc nhất là Tập đoàn Ô tô Việt Nam - Vinamotor đã kết hợp cùng Công ty cổ phần Bảo hiểm AAA thành lập Công ty cổ phần Dịch vụ Công nghiệp ô tô Việt Nam - AAA Logistics (AAA&Vinamotor), với “siêu dự án” là chuỗi trạm dừng nghỉ trải dài trên các trục quốc lộ 1A, 6, 8 và 91 với tổng vốn đầu tư 20.740 tỷ đồng.

Theo quảng cáo, mỗi trạm sẽ được quy hoạch 30ha, vốn đầu tư 700 tỷ đồng, bao gồm các hạng mục như cây xăng, nhà hàng, bến bãi, đặc biệt có thêm bệnh viện, bãi đáp trực thăng. Song song đó, Chính phủ đồng ý cho phép AAA&Vinamotor được quyền tiếp cận các nguồn vốn ưu đãi, phát hành cổ phiếu cho đầu tư kỹ thuật và vận tải, thu hút vốn của các đối tác trong dự án.

Đặc biệt, tất cả 38 trạm dừng chân với diện tích 30ha mỗi trạm đều được giao đất và miễn tiền sử dụng đất. Theo như thông báo cụ thể của Công ty, giai đoạn đầu (2008-2010) sẽ xây dựng 11 trạm dừng chân dọc theo quốc lộ 1A, từ Hà Nội đến TP.HCM, với tổng vốn đầu tư dự kiến 10.300 tỷ đồng. Giai đoạn hai (2010-2015) sẽ phát triển 27 trạm còn lại.

Nhưng đã qua một năm sau thời điểm công bố dự án, tính đến nay, AAA&Vinamotor cũng chỉ mới triển khai sơ bộ được vài điểm với quy mô hoàn toàn không như công bố. Theo giới đầu tư, sở dĩ Công ty này “mạnh miệng” công bố dự án nhằm đánh bóng thương hiệu, thúc đẩy việc huy động vốn. Thứ đến là việc xin giao đất ở địa phương với diện tích trung bình 30ha hoàn toàn không dễ dàng.

Xét về quy mô và số lượng, Tập đoàn Mai Linh được xem là dẫn đầu về đầu tư trạm dừng nghỉ với ba trạm Cái Bè - Tiền Giang rộng hơn 4ha, Cà Ná - Ninh Thuận rộng 15ha, Suối Sâu - Tây Ninh rộng 1,5ha. Cả ba trạm đều đầy đủ các hạng mục như nhà hàng, nhà rửa và chỗ đậu xe, trạm xăng, nhà nghỉ qua đêm, tổng đầu tư 92 tỷ đồng. Nhưng số lượng này chưa đúng với mong đợi ban đầu của Mai Linh khi công bố kế hoạch đầu tư 106 trạm nghỉ trên toàn quốc.

Ông Hồ Đình Hoàng Minh, Giám đốc dự án phát triển hệ thống trạm dừng nghỉ Mai Linh, giải thích, do tình hình suy thoái kinh tế nên Tập đoàn không tránh khỏi khó khăn về tài chính. Nguồn vốn đầu tư một trạm là rất lớn, nên Mai Linh không thể cùng một lúc xây dựng các trạm trên toàn quốc. Vì vậy, Mai Linh sẽ đầu tư theo mô hình “cuốn chiếu”. Trước tiên là trong thời gian tới sẽ xây dựng thêm trạm bảo hành, cứu hộ các phương tiện giao thông; mở rộng hệ thống cung cấp xăng dầu, kinh doanh gas phục vụ người dân trong vùng; xây dựng tiếp nhà bảo trì phương tiện vận tải, nhà nghỉ, massage và thư giãn, trung tâm thông tin, máy ATM, văn phòng điều hành, khu resort tại hai trạm ở Ninh Thuận và Tây Ninh.

Hiện nay, Tập đoàn Mai Linh đang đầu tư hai trạm tại Quảng Bình và Lao Bảo (Quảng Trị) theo tiêu chuẩn mà JICA đã tư vấn. Sau đó sẽ tiếp tục đầu tư các trạm dừng nghỉ đã đề ra. Để hoàn thành mục tiêu đã đề ra, ngoài nguồn vốn nội tại, Mai Linh sẽ liên doanh với các đối tác trong và ngoài nước để cùng kinh doanh và khai thác các trạm dừng nghỉ này.

Tránh lối mòn

Năm 2005, Công ty Trung Thủy tạo sự ngạc nhiên khi đầu tư 25 tỷ đồng xây dựng trạm dừng nghỉ Mekong rộng 1,2ha tại Tiền Giang. Suốt tuyến đường TP.HCM đi các tỉnh miền Tây, đã có hàng loạt trạm dừng chân nhỏ phục vụ hành khách, chủ yếu ở khâu vệ sinh, ăn uống, như Hiệp Thành Phát, Minh Phát, Vân Mập..., thì Trung Thủy lại xây dựng một trạm nghỉ theo mô hình resort gồm ba nhà tròn, trong đó diện tích dành cho cây xanh chiếm tới 65% là khá mạo hiểm. Nhưng chỉ sau đó ít lâu mới vỡ lẽ vì sao Công ty dám đầu tư lớn và lại đầu tư bài bản như vậy, bởi đa phần khách dừng ở đây là khách nước ngoài, trong đó khá đông khách Nhật của các công ty du lịch có mối quan hệ thân thiết với Trung Thủy.

Bà Dương Thanh Thủy, Chủ tịch HĐQT Công ty Trung Thủy, cho biết, đúng là ban đầu để tạo sự an toàn, bà đã chuẩn bị sẵn nguồn khách quốc tế cho trạm của mình. 80% khách du lịch nước ngoài đi miền Tây đều ghé ăn uống, vệ sinh, mua sắm tại Mekong. Nếu như hành khách ghé các trạm dừng chân khác chỉ 20 - 30 phút, thì thông thường khách ở lại Mekong ít nhất là 1 giờ đồng hồ. Bà Thủy cho rằng, tập trung vào khách ngoại chính là bước chuẩn hóa khâu phục vụ, còn khách nội địa mới chính là mục tiêu mà bà nhắm tới. Ngày trước, khách của các hãng xe không dám ghé Mekong vì sợ trả giá đắt. Nhưng dần dần họ đã thay đổi cách nhìn. Thực ra, trong khi các quán bên đường, một đĩa cơm bán 20.000 đồng, thì trạm Mekong cũng chỉ bán với mức giá 23.000 - 25.000 đồng. Còn doanh thu lớn nhất lại là từ hàng hóa khách hàng mua đem theo. Chính vì vậy, từ ba năm nay, khách người Việt ghé trạm đã vươn lên 50%.

Sự thành công của Mekong mới chỉ là thử nghiệm. Với hai dự án lớn đang triển khai tại Long Thành - Đồng Nai rộng 7ha, đầu tư 120 tỷ đồng và Đà Nẵng rộng 8ha, đầu tư 95 tỷ đồng, Công ty Trung Thủy sẽ chính thức gia nhập nhóm doanh nghiệp dẫn đầu về đầu tư trạm dừng nghỉ. Bà Dương Thanh Thủy cho biết, vẫn lấy mô hình Mekong làm chuẩn, nhưng sẽ nâng cấp hai trạm dừng nghỉ mới. Tại Đà Nẵng sẽ có thêm nhà nghỉ qua đêm và cây xăng, bảo dưỡng xe và có dịch vụ cho du khách tập nấu ăn. Trạm dừng nghỉ này đáng lẽ đã tiến hành sớm để cuối năm 2009 khánh thành, nhưng bị bão nên phải dời đến 2010.

Riêng trạm Long Thành cuối 2010 sẽ khai trương. Nơi đây có trung tâm hội nghị với sức chứa khoảng 500 người, làng nghề truyền thống Đông Nam bộ, liên kết với Donafood xây dựng lò bánh mì đúng cách. Bà Thủy cho biết, 50% khách hàng cho trạm ở Đà Nẵng sẽ là khách nội địa, trong khi Long Thành là 70%. Mức giá dành cho khách hàng nơi đây sẽ rẻ hơn trạm Mekong 20%, đồng thời kèm theo nhiều dịch vụ mới như rửa xe miễn phí, tặng 5 lít xăng nếu xe có 50 khách trở lên...

Nâng cấp đúng tiêu chí “dừng và nghỉ” là hướng đi của các doanh nghiệp đã đầu tư vào trạm dừng nghỉ. Ông Đặng Quang Vinh cho biết, dù chưa đạt được doanh thu cao, nhưng Tín Nghĩa sẽ tiếp tục đầu tư thêm cho trạm dừng Tân Phú. Theo dự kiến, giai đoạn 2 của trạm dừng nghỉ này được tỉnh Đồng Nai quy hoạch thêm 38ha đất bên cạnh để xây dựng khu du lịch sinh thái và nghỉ dưỡng. Hiện Tín Nghĩa cũng đang đầu tư xây dựng trạm dừng chân Xuân Lộc trên quốc lộ 1A với vốn đầu tư ban đầu dự kiến 43 tỷ đồng.

Ông Nguyễn Thanh Tâm, Giám đốc Công ty TNHH Rạng Đông, cũng cho biết, sau khi xây dựng được hai trạm dừng nghỉ trên hai tuyến TP.HCM đi Vũng Tàu và Buôn Ma Thuột từ năm 2004, Công ty sắp đưa vào hoạt động thêm một trạm tại thành phố Buôn Ma Thuột nằm trên quốc lộ 14 thuộc địa bàn Dăk Lăk. Ông Tâm cho rằng, là một hãng vận tải lớn, dù đã cố gắng nâng cấp chất lượng phục vụ trên xe, liên kết với các quán ăn dọc đường, nhưng ông vẫn nghe phàn nàn nhiều từ hành khách. Chính vì vậy, Rạng Đông chỉ còn cách tự đứng ra đầu tư trạm dừng nghỉ. Khó khăn lớn nhất mà ông gặp phải chủ yếu là chính sách từ địa phương.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Bài 2: Lối riêng
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO