2 mô hình liên kết sản xuất và bao tiêu nông sản

TS. VŨ QUÝ HƯNG| 30/03/2015 06:50

Đây là 2 mô hình liên kết sản xuất - bao tiêu nông sản đã được triển khai ở Trung Quốc và Australia.

2 mô hình liên kết sản xuất và bao tiêu nông sản

Từ nhiều thập kỷ qua, nhiều nơi trên thế giới đã triển khai mô hình liên kết sản xuất - bao tiêu nông sản (hay “cánh đồng mẫu lớn”). Nhiều dự án thành công, trong khi cũng không ít dự án thất bại. Dưới đây xin giới thiệu 2 mô hình liên kết đã được triển khai ở Trung Quốc và Australia.

Từ nhiều năm qua Trung quốc đã thực hiện chiến lược công nghiệp hóa nông nghiệp với khẩu hiệu “1 con rồng sản xuất và tiêu thụ” theo 2 cách: (1) Các Tổng công ty lớn của Trung Quốc liên kết với nông dân bằng các hợp đồng bao tiêu sản phẩm để mở rộng quy mô kinh doanh của Tổng công ty; (2) các Tổng công ty sản xuất nông nghiệp mở rộng chức năng sang lĩnh vực tiêu thụ nông sản thông qua các hợp đồng bao tiêu nông sản với các hợp tác xã nông nghiệp.

Theo mô hình thứ nhất thì Tổng công ty sẽ cung cấp hạt giống cho các hộ nông dân trên cánh đồng liên kết, sau đó mua lại sản phẩm của họ, tức là liên kết giữa “đầu rồng” là Tổng công ty với “thân rồng” là toàn bộ các hộ nông dân trong khu vực đó, chứ không phải là sự liên kết chặt chẽ giữa từng thành viên trong chuỗi với nhau.

Ngoài ra, một số Tổng công ty nhà nước còn được trao một số đặc quyền nên họ không quan tâm đến cơ chế thị trường mà tiến hành liên kết bằng các biện pháp hành chính. Do vậy không phải lúc nào cũng thành công. Bằng chứng là nhiều hộ nông dân sau đó đã từ bỏ hợp đồng liên kết vì lợi ích của họ không được đảm bảo.

Mô hình thứ hai là nông dân được tổ chức thành các hợp tác xã trên cánh đồng liên kết được nhà nước hỗ trợ. Các hợp tác xã này sẽ mở rộng chức năng từ sản xuất đến tiêu thụ nông sản có sự hướng dẫn của nhà nước. Khi bán sản phẩm, các hợp tác xã phải gửi mẫu sản phẩm của mình đến Tổng công ty và Tổng công ty sẽ tiêu thụ các sản phảm này với cái tên hay thương hiệu của địa phương đó.

Mô hình trên có ưu điểm là vừa giúp nông dân sản xuất và tiêu thụ hàng hóa, qua đó thực hiện được chủ trương xây dựng nông thôn mới. Tuy nhiên mô hình này cũng gặp phải khó khăn trong quản lý, đặc biệt là khâu giám sát chất lượng và sản lượng trên từng cánh đồng của từng hộ nông dân, vì người trồng có khi đóng gói cả những sản phẩm kém chất lượng mà người tiêu thụ cuối cùng là Tổng công ty phải chịu, hoặc một số hộ đã “tuồn” sản phẩm của mình ra bên ngoài để bán nếu giá cao hơn giá bao tiêu của doanh nghiệp, hoặc ngược lại nhận sản phẩm từ bên ngoài để bán cho doanh nghiệp bao tiêu nếu giá bên trong cao hơn giá bên ngoài.

Trong điều kiện thị trường phân tán thì các mô hình này khó có thể điều phối tốt các chức năng sản xuất và tiêu thụ, chính phủ khó lập được kế hoạch và thực hiện kế hoạch hỗ trợ một cách có hiệu quả.

Vì thế, để hoàn thiện mô hình liên kết, một số nước đã có nhiều thay đổi căn bản dựa trên cơ sở cổ phần hoá doanh nghiệp trong đó các hộ nông dân được góp cổ phần bằng chính đất đai, phương tiện sản xuất.

Tại các công ty trên, người nông dân được trực tiếp tham gia vào ban lãnh đạo và có tiếng nói trong mọi vấn đề, từ sản xuất đến thị trường cũng như cách thức thanh toán sản phẩm của họ với doanh nhiệp để đảm bảomột cách công khai và minh bạch.

Chẳng hạn Tập đoàn CBH ở miền tây Australia có 2 tổng công ty (TCT), trong đó một TCT chuyên bao tiêu nông sản cho các hộ nông dân. Họ đảm nhận việc thu gom, vận chuyển, lưu kho, bốc xếp, xay sát và tiêu thụ nông sản hàng năm với khối lượng trung bình trên 10 triệu tấn, trong đó có đến 95% cho xuất khẩu. Còn nông dân đảm nhiệm việc trồng trọt, thu hoạch, phơi sấy, phân loại theo tiêu chuẩn của TCT.

TCT thứ hai đảm nhận việc thiết kế, xây lắp các công trình hạ tầng theo hình thức “Chìa khóa trao tay” .

Tập đoàn này xuất khẩu đến hơn 20 quốc gia trên thế giới thông qua các sàn giao dịch hàng hóa và sản phẩm của họ gồm có lúa mỳ, lúa mạch, nho và hạt có dầu…

Cổ đông của tập đoàn này lên đến 5.500. Mỗi hộ hàng năm cung cấp bình quân khoảng 2.000 tấn nông sản để xuất khẩu. Ban lãnh đạo tập đoàn gồm có 12 thành viên trong đó có 9 người là đại điện cho các hộ nông dân và 3 thành viên được chỉ định.

Trong 2 năm đầu thành lập Tập đoàn này đã mang lại giá trị thu nhập là 22,9 triệu USD cho các hộ nông dân nhờ các biện pháp cải thiện dịch vụ thu gom và chuỗi cung ứng. Năm 2004 tập đoàn này đã thiết lập công ty liên doanh với một số đối tác của ASEAN, đã xây dựng 5 nhà máy xay sát ở Indonesia và Malaysia; 4 nhà máy ở Việt Nam. Doanh thu ròng của Tập đoàn CBH và các thành viên hàng năm khoảng 900 triệu USD và tài sản ròng là hơn 1 tỷ USD. Có hơn 820 nhân viên làm việc tại tập đoàn này.

Phương thức liên kết của tập đoàn này là ứng trước một phần vốn, vật tư cho các hộ nông dân và đến mùa thu hoạch tùy theo từng loại nông sản họ sẽ tổ chức các đội thu gom là nhân viên của tập đoàn tại những địa điểm đã thông báo trước trên trang web của tập đoàn.

Khi thu gom, họ sẽ cấp chứng chỉ xác nhận hàng hóa và phẩm cấp cho từng hộ nông dân rồi vận chuyển về kho để chế biến sau thu hoạch. Sau khi xuất khẩu từng lô hàng, Tập đoàn sẽ thông báo giá xuất khẩu của lô hàng đó và tiến hành thủ tục thanh toán cho từng hộ một cách công khai trên trang web.

Có thể nói, mô hình liên kết bao tiêu nông sản giữa Tập đoàn này và các hộ nông dân hết sức minh bạch và công khai. Ở đây cũng cần nhấn mạnh là tập đoàn này đã xuất khẩu hàng hóa thông qua các sàn giao dịch nên đã áp dụng được nhiều biện pháp để phòng ngừa rủi ro mà nếu như xuất khẩu theo đơn hàng như cũ thì khó tránh khỏi. Do đó nông dân khá yên tâm về vấn đề này.

Xem ra mô hình cổ phần hóa trong liên kết sản xuất và bao tiêu sản phẩm trên đây đã tạo ra sự bình đẳng và tránh sự hoài nghi vì quyền lợi của mỗi bên đều gắn liền với kết quả cuối cùng của chuỗi giá trị.

>>Doanh nghiệp ở đâu trong "Cánh đồng mẫu lớn"?

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
2 mô hình liên kết sản xuất và bao tiêu nông sản
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO