Kinh doanh

Khơi thông vốn ngoài tín dụng

TS. Nguyễn Hoàng Hiệp (*) 28/07/2024 - 13:42

Phụ thuộc của doanh nghiệp (DN) đối với tín dụng là một trong những đặc thù của kinh tế Việt Nam, đặt trong bối cảnh các kênh vốn như thị trường trái phiếu doanh nghiệp (TPDN), cho thuê tài chính, các quỹ đầu tư tín thác, tiết kiệm hưu trí… chưa thực sự phát triển. Tuy nhiên, bối cảnh mới đòi hỏi những sự thúc đẩy mới để DN được hỗ trợ, khơi thông nguồn vốn tốt hơn từ các kênh này. Trong đó, trọng điểm vẫn là TPDN.

Trái phiếu doanh nghiệp đã phục hồi?

Theo thông tin của Bộ Tài chính về TPDN, lũy kế từ đầu năm đến ngày 21/6/2024 có 41 DN đã phát hành TPDN riêng lẻ với khối lượng 110.200 tỷ đồng (gấp 2,6 so với cùng kỳ năm 2023), trong đó tổ chức tín dụng chiếm 63,2% (69.600 tỷ đồng), DN bất động sản chiếm 28,6% (31.500 tỷ đồng).

khoi-thong-nguon-von-cho-doanh-nghiep-xuat-khau-20230721064429.jpg

Nhà đầu tư là tổ chức mua TPDN trên thị trường sơ cấp chiếm 94,8% khối lượng phát hành, tập trung vào các tổ chức tín dụng (53,5%) và công ty chứng khoán (21,9%), các nhà đầu tư cá nhân mua 5,2%. Lãi suất phát hành bình quân 7,41%/năm và kỳ hạn phát hành bình quân 3,78 năm 14,5% trái phiếu phát hành có điều khoản đảm bảo. Khối lượng mua lại trước hạn là 59.800 tỷ đồng (giảm 39% so với cùng kỳ năm 2023).

Nếu nhìn các số liệu trên đây sẽ thấy đã có sự khởi sắc từ phía phát hành mới cũng như việc mua lại để các đợt phát hành thành công - mang đến nguồn vốn cho DN và điều này khác hẳn với thị trường TPDN có nền thấp ở năm 2023. Tuy nhiên, nhìn về bản chất, phần lớn TPDN từ phía tổ chức phát hành lẫn tổ chức đầu tư vẫn là tổ chức tín dụng. Nói cách khác, ngân hàng - những định chế có định mức tín nhiệm mặc nhiên cao do yếu tố áp dụng theo Luật Phá sản chưa xuất hiện - vẫn đang là “tay bán tay mua” lớn nhất trên thị trường. Vốn trái phiếu, nói cách khác, đang được các tổ chức tín dụng tích cực cơ cấu để có chi phí phù hợp và sẵn sàng nguồn để kinh doanh khi nhu cầu cao hơn, chưa trực tiếp đầu tư và phát sinh vốn nợ ở khu vực sản xuất.

Trong khi đó một số DN sản xuất, dịch vụ cũng đã phát hành trái phiếu thành công, điển hình như một số công ty ở nhóm vận tải. Mặt khác, lượng nhà đầu tư cá nhân tham gia thị trường vốn nợ thấp, cho thấy quy định về nhà đầu tư cá nhân chuyên nghiệp mới được mua TPDN cũng có tác động hạn chế lượng người tham gia. Tuy nhiên, có lẽ vấn đề lớn nhất vẫn là nhà đầu tư cá nhân cần thời gian khôi phục niềm tin để trở lại tích cực góp vốn cho nhà phát hành trên thị trường.

Tăng sức hút vốn dài hạn

Để tiếp tục ổn định và phát triển thị trường TPDN, Bộ Tài chính đã báo cáo Chính phủ tổng thể các giải pháp điều hành và 7 nhóm giải pháp chính. Bộ Tài chính sẽ tiếp tục theo dõi thị trường TPDN, đặc biệt là việc phối hợp đồng bộ các chính sách điều hành kinh tế vĩ mô, phục hồi thị trưởng bất động sản. Trong đó, cùng với việc điều hành tỷ lệ tăng trưởng tín dụng phù hợp thì các biện pháp đảm bảo minh bạch, nâng cao chất lượng trên thị trường TPDN sẽ hỗ trợ để thị trường tự điều chỉnh, ngăn chặn các trưởng hợp lợi dụng chính sách và phát triển an toàn, lành mạnh, bền vững hơn.

tim-nguon-von-o-dau.jpg

Các giải pháp đồng bộ mà cơ quan quản lý đặt ra là cần thiết cho cả ngắn hạn lẫn tác động trung và dài hạn. Tuy nhiên, một vấn đề thiết thân hơn, thiết nghĩ rất cần được nghiên cứu để xây dựng cơ chế, chính sách so cho việc phát triển hệ thống nhà đầu tư tổ chức có thể thu hút các nhà đầu tư lớn - giải phóng tình trạng TPDN vẫn là “tay mua tay bán” với chủ chốt là các tổ chức tín dụng. Theo đó, trước hết cần định hướng xây dựng nhóm nhà đầu tư mục tiêu, trước hết có thể nhắm đến là các công ty bảo hiểm, quỹ của các công ty bảo hiểm.

Theo số liệu của Hiệp hội Bảo hiểm Việt Nam, 6 tháng đầu năm 2024, tổng tài sản toàn ngành bảo hiểm nhân thọ ước đạt 819.560 tỷ đồng, tăng 9,6% so với cùng kỳ năm 2023, tổng số tiền đầu tư ước đạt 721.284 tỷ đồng, tăng 10% so với cùng kỳ năm 2023. Trong đó, phần lớn tổng số tiền đầu tư là tập trung vào trái phiếu chính phủ. Có thể thấy nhóm nhà đầu tư này đang đóng góp cho nền kinh tế, đầu tư xã hội tích cực. Nhưng làm thế nào để một phần nguồn vốn này cũng được tham gia vào kênh TPDN, vừa giúp DN có cơ hội vốn tốt hơn, vừa giúp cho chính các nhà đầu tư, các công ty bảo hiểm và quỹ có thêm kênh đầu tư sinh lợi cao, hấp dẫn, có điều kiện tăng tái đầu tư tốt hơn.

Hướng đến điều này không có nghĩa dịch chuyển vốn của đầu tư trái phiếu chính phủ sang đầu tư TPDN. Với xếp hạng tín nhiệm tích cực (trong 6/2024, tổ chức xếp hạng tín nhiệm S&P Global Ratings, Mỹ đã công bố xếp hạng tín nhiệm quốc gia đối với Việt Nam trong dài hạn ở mức BB+ và trong ngắn hạn ở mức B; ttiển vọng về xếp hạng tín nhiệm trong dài hạn là ổn định) và Việt Nam vẫn đang trong hành trình cải thiện hơn nữa hệ số xếp hạng, nhưng với hiện tại, TPCP Việt Nam đang được đánh giá cao về cơ hội phát hành, chi phí phù hợp cho nhiều đối tượng đầu tư.

Do đó, việc nghiên cứu để ban hành chính sách, cơ chế, chẳng hạn như yêu cầu về xếp hạng tín nhiệm DN để tăng chất lượng thông tin hàng hóa nhằm thu hút vốn, hay việc tập trung thúc đẩy các loại hình trái phiếu chào bán ra công chúng cần có những định hướng minh bạch hơn và thông thoáng, rộng rãi hơn đối với DN niêm yết sẽ tạo ra cơ hội thực sự từ dòng vốn của các nhà đầu tư mục tiêu - những đơn vị đang hứa hẹn đầu tư hơn nữa từ các tập đoàn mẹ, công ty quốc tế.

(*) Phó viện trưởng Viện Nghiên cứu Tin học và Kinh tế ứng dụng

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Khơi thông vốn ngoài tín dụng
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO