Khi bay - Champagne trên cao ngon hơn!?

P. Nguyễn Dũng| 22/05/2019 06:13

Từ khi xuất hiện cabin hạng nhất rồi thêm cabin hạng thương gia trên máy bay dân dụng thì vang ngon và Champagne hảo hạng đã trở thành một loại “vũ khí” tối thượng trong công cuộc cạnh tranh thu hút khách hàng có thu nhập cao giữa các hãng hàng không. Thế nhưng không phải ít những CIP (tắt của cụm từ commercial important passenger, hành khách có đóng góp lớn cho doanh thu) từng nhận xét rằng, “Vang uống trong lúc bay không thơm ngon như khi uống lúc ở mặt đất!”. Thực tế là thế nào?

Khi bay - Champagne trên cao ngon hơn!?

Chúng ta thay đổi hay chai vang biến chất?

Chai vang nổi tiếng thế giới khi bạn khui uống trong bàn tiệc cùng bạn thân có mùi vị thật quyến rũ. Nhưng cũng chai vang ấy được cô tiếp viên rót mời bạn khi máy bay ở độ cao 12.000m lại khác hẳn, dường như kém cả về hương,  giảm cả về vị. Ngược lại, một chai Champagne lẫy lừng danh thơm toàn cầu khi bạn thưởng thức trên máy bay, ở  cabin phía đầu mũi (thường là không gian thiết kế hạng nhất và hạng thương gia) lại thơm ngon hơn hẳn! Tại sao lại có sự trái ngược đến như vậy!? Phải chăng chai vang “biến chất” khi ở độ cao hay vì những vị giác, khứu giác, thính giác, thị giác của con người chúng ta bị thay đổi ở môi trường “không bình thường”?  

Champagne-Moet-ChandonEmirates-4854-1426

Giới chuyên ngành giải thích rằng, trong cabin máy bay ở độ cao 10.000m, mọi sự khác hẳn với môi trường mặt đất. Bạn chịu áp xuất cao hơn, hít thở không khí loãng hơn, độ ẩm giảm thiểu và i ỉ suốt bên tai là tiếng rì rầm đều đều của 2 (hoặc 4) động cơ phản lực. Rồi ánh sáng trong khoang máy bay cũng chẳng chan hòa, tự nhiên mà là thứ ánh sáng không đủ độ sáng cho lắm. Tất cả những thứ “thiếu” ấy khiến bạn dễ buồn ngủ, ngũ giác giảm sự tinh anh phải có. 

Đặc biệt khả năng nhận biết thức ăn, thức uống của bạn chịu tác động của độ cao nhiều hơn cả, và vì thế ly vang đỏ dù rót ra từ chai vang nổi tiếng ở Bourgogne hay Bordeaux bên Pháp, từ Napa Valley bên Mỹ hay từ Barossa Valley bên Úc... không thể nào thơm ngon khiến bạn ngất ngây. Khi bay cao, ở môi trường rất khô hanh, thiếu độ ẩm thì hệ thống cảm nhận thực phẩm của bạn bị giảm thiểu chứ tính về mặt khoa học, chai vang ấy vẫn là chai vang ấy, nó chẳng thay đổi hay biến chất, mất chất chi cả.  

Trước mỗi chuyến bay xa, rất nhiều chai vang được đưa lên máy bay, sẵn sàng phục vụ hành khách. Không dùng hết, lúc máy bay hạ cánh, những chai vang còn lại vẫn có chất lượng y như trước lúc bay cao. Và chính vì hiểu rõ thực tế này mà các hãng thi nhau mời những chuyên gia hàng đầu về vang đi nếm thử và chọn vang nào có thể phát tỏa hương vị, cung ứng vị đầy cho hành khách lúc bay cao. Bà Andrea Robinson, một bậc thày về vang kể rằng:  khi chọn vang cho hãng Delta Airlines (Mỹ), trong một lần bay, bà đã mang lên máy bay đến 60 chai khác nhau để thử ở độ cao. Còn ông Jordan Cluer, một chuyên gia tư vấn vang cho hãng Qatar Airways cho biết để mua vang đúng yêu cầu cho hãng bay, ông đưa vang lên đến căn cứ trên đường lên đỉnh Everest và qua tận đỉnh Kilimanjaro bên châu Phi để xem khi ở độ cao nóc nhà thế giới các chai vang ấy có gì thay đổi hay không. “Mỗi chuyến bay với Qatar Airways tôi thử không dưới 12 loại vang khác nhau cũng chỉ vì lý do ấy,” ông nói. 

Champagne-Cathay-Pacific111-2681-1558516

Với những hiểu biết như vậy, các chuyên gia vang tư vấn hành khách sẵn có điều kiện bay hạng nhất và hạng thương gia vài chiêu chọn vang để vẫn được thỏa mãn trong chuyến bay liên lục địa: 

* Chọn các loại vang tươi trẻ, vang trắng có hương thơm rõ nét (hương hoa và hương trái cây), cụ thể là vang trắng làm từ các giống nho Sauvignon Blanc và Riesling,

* Trường hợp phải uống vang đỏ thì nên chọn các chai làm ra từ các giống nho Pinot Noir, Rioja (Tây Ban Nha) và Malbec (Argentina),

* Tránh uống các chai vang đỏ có nhiều tannins, cụ thể là vang Chianti của Ý, các chai làm với nho Cabernet Sauvignon, Shiraz,

* Không nên chọn các chai vang đỏ có vị nhẹ nhàng ngay cả khi uống ở mặt đất, chẳng hạn như chai làm với giống nho Pinot Grigio,

* Vang sủi (sparkling wine) và nhất là Champagne luôn nên ưu tiên chọn vì đây là loại vang nhẹ, rất dễ lan tỏa hương thơm nhất là trong không gian khép kín, luồng không khí phun tỏa, di chuyển nhanh của cabin máy bay

*Tư vấn quan trọng cần lưu tâm nhất: tránh uống các chai vang đỏ có độ cồn trong dung tích lên đến 15% vì phải nhớ rằng một ly vang trên trời bằng 2 ly vang dưới đất. Nên uống 1 ly vang thì uống một ly nước để cơ thể không bị khô, mau mệt, mất sức. 

Một nhãn Champagne thường thấy trong các chuyến bay

Bạn có biết Champagne nào mỗi năm có sản lượng khoảng 30 triệu chai và tiêu thụ tốt ở khắp thế giới không? Bạn đi máy bay hạng thương gia với hãng Emirates Airlines sẽ được mời thưởng thức Champagne ấy. Và bạn sẽ thấy nó nhan nhản trong các nhà hàng, quán bar ở khắp Dubai. 

Năm 1869, để tưởng nhớ người hùng Pháp và là người thân quen của gia đình, nhà Moet & Chandon đã cho ghi thêm “Impérial” lên nhãn các chai Champagne Brut và Rosé. Nó còn mãi đến ngày nay. 

Đó là Moet & Chandon. Năm 2019 nhãn Champagne Moet & Chandon Imperial mừng sinh nhật thứ 150 với lịch sử đã được gắn thêm tính từ “Impérial” (tiếng Pháp, thuộc về đế chế) như sau:  Vào năm 1782, khi Napoléon Bonoparte còn là học viên tại Học viện quân sự ở Brienne-le-Château thì quen biết Jean-Rémy Moet, cháu của ông Claude Moet, người đã sáng lập nên giang sơn Moet từ năm 1743. Jean-Rémy đến trường chào mời các sĩ quan chỉ huy đặt hàng Champagne. Anh ta và Napoléon trở thành bạn thân của nhau và dĩ nhiên sau khi đã ra trường, trở thành vị tướng tài hoa, bất cứ hành quân ở đâu Napoleon cũng có Champagne Moet & Chandon để uống mừng chiến thắng cũng như để giải sầu khi chiến bại! 

Ông đã vinh danh cho nhà sản xuất này Huân chương Bắc đẩu bội tinh (Légion dHonneur) cấp Sĩ quan, một vinh danh cao quý nhất mà Nhà nước Pháp dành cho những ai đã có nhiều đóng góp quân sự và dân sự to lớn.

Và rồi Napoleon đã có lúc chiến bại thật chua chát, ở trận Leipizig năm 1813, nhưng tình thân của ông với gia đình Moet thì vẫn mãi keo sơn. Ông đã rất buồn khi bị đày ra đảo St. Elba trong lúc quân Nga chiếm đóng toàn vùng Champagne và uống hết sạch 600.000 chai Moet. 

Còn Jean-Rémy Moet thì dự báo lạc quan khác hẳn người bạn đang bị cầm giữ nơi xa: “Tất cả những người lính ấy đang khiến gia đình tôi bị thiệt hại nặng nề nhưng họ cũng sẽ giúp gia đình tôi giàu có trở lại. Họ muốn uống bao nhiêu tôi cũng mặc kệ vì họ sẽ mãi nghiện thức uống này và sẽ trở thành những người quảng bá, bán hàng cho tôi khi họ trở về quê hương của họ”. 

Quả thật, những năm sau đó, tất cả những ai từng khiến Napoleon chiến bại đều trở thành những người yêu thích Champagne Moet & Chandon, từ Arthur Wellesley, Đệ nhất Quận công Wellington của Anh đến Hoàng đế Fredereick William III của đế chế Phổ; Vua William II của Hà Lan, Hoàng đế Thánh đế chế La Mã Francis II và Sa hoàng Nga Alexander I .  

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Khi bay - Champagne trên cao ngon hơn!?
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO