Hàng triệu khán giả Anh tuy không hoàn toàn "cả tin" nhưng do tính trung thực của các chương trình thực tế, phim tài liệu, phóng sự, tin tức... luôn được khẳng định nên họ vô tình trở thành "nạn nhân" của những trò đùa do đài truyền hình khởi xướng.
Đọc E-paper
BBC phóng thích những linh hồn ác
Đêm Halloween 1992 đã trở thành ký ức kinh hoàng nhất trong cuộc đời của rất nhiều khán giả yêu thích Hãng thông tấn BBC (Anh) khi hãng này quyết định phát sóng chương trình trực tiếp Ghostwatch (Theo dấu hồn ma).
Dài 90 phút, chương trình kể về hành trình giải mã các hiện tượng siêu nhiên xảy ra ở phía Bắc London, nơi có những khu nhà của người thu nhập thấp. Trong khi hai phóng viên nổi tiếng Micheal Parkison và Mike Smith ngồi ở phim trường để dẫn chuyện thì Craig Charles và Sara Green xông vào "thực địa" cùng đội quay phim hùng hậu. Một số điện thoại được hiển thị trên màn hình tivi để người xem có thể gọi và thảo luận về các hiện tượng ma quái.
Xuyên suốt chương trình là phần diễn giải, mô tả nhiều sự kiện kỳ lạ đã được ghi nhận như những chiếc bóng lơ lửng, âm thanh bất thường, đồ đạc xê dịch, rồi tiếng mèo kêu ai oán, những vết bầm tím ma quái xuất hiện trên cơ thể một thiếu nữ...
Căng thẳng lên tới đỉnh điểm khi toàn bộ ekip của Craig Charles bất ngờ vừa bỏ chạy khỏi hiện trường, vừa hoảng hốt thông báo: bằng việc phát sóng trực tiếp, chương trình đã vô tình giải thoát những hồn ma tàn ác ra khắp nước Anh.
Ngay lập tức, nhiều khán giả gọi đến sở cảnh sát trình báo về những hiện tượng mà họ cho là bất thường. Hàng chục thai phụ sợ quá nên sinh non, vô số người dân gặp phiền toái khi không dám bước ra khỏi nhà, mất ngủ, bất an...
Mặc dù sau đó BBC đã ra sức phân bua rằng Ghostwatch đã được lên kịch bản kỹ càng và được quay trước nhiều tuần, nhưng phong cách phim tài liệu và sự trình bày theo kiểu truyền hình thực tế của nó khiến nhiều người xem tin những sự kiện được chiếu là có thật.
Trong và sau lần phát sóng đầu tiên và duy nhất này, Ghostwatch đã làm dấy lên sự tranh cãi sôi nổi với khoảng 30.000 cuộc gọi đến tổng đài BBC trong một giờ duy nhất. Tuy Ghostwatch không bao giờ được lặp lại trên truyền hình Anh nữa nhưng một số đài truyền hình ở Canada (năm 2004) và ở Bỉ (năm 2008) đã bắt chước làm chương trình này.
Thu hoạch mì ống trên cây
Những năm 1950 chỉ có hai kênh truyền hình để người Anh xem là BBC và ITV Panorama, với số lượng khán giả rất cao. Vào năm 1957, ITV Panorama phát sóng phóng sự "Swiss spaghetti harvest" dài ba phút về một vụ mùa bội thu spaghetti (mì ống) ở miền Nam Thụy Sỹ, do người dẫn chương trình kỳ cựu Richard Dimbley trực tiếp giới thiệu và bảo chứng tính xác thực.
Theo đó, Richard thông báo vụ mùa mì ống bội thu là nhờ Thụy Sỹ áp dụng công nghệ "khử mọt". Hình ảnh các công nhân tươi cười hái xuống từng chùm mì ống bên cạnh hàng cây chi chít sợi mì ống đã thuyết phục hầu hết khán giả truyền hình.
Ngay sau khi phóng sự kết thúc đã có hàng trăm người gọi điện đến tổng đài ITV Panorama, nhiều người muốn biết làm thế nào để có thể trồng được cây mì spaghetti tại nhà. Đã vậy, những người trực tổng đài còn tiếp tục đùa dai khi hướng dẫn khán giả cắm một nhánh mì ống vào hộp sốt cà chua và cứ yên tâm cây sẽ bén rễ.
Nhưng nhiều hơn cả là những cuộc gọi yêu cầu ITV Panorama giúp giải quyết xung đột gia đình: người chồng tin rằng mì spaghetti lớn lên trên một bụi cây vì Richard đã nói như vậy, còn người vợ biết spaghetti được làm từ bột mì và nước nhưng cũng không thể thuyết phục được chồng. Một phần lý do của sự bối rối này là mì ống không phải là thực phẩm phổ biến ở Anh những năm 1950, nhiều người vẫn coi nó là món ăn kỳ lạ của nước ngoài.
Có thể nói, cho đến nay, phóng sự "Swiss spaghetti harvest" vẫn là một trong những trò "lừa đảo" nổi tiếng nhất của lịch sử truyền hình Anh Quốc và cả thế giới.
Giả định thay thếCảnh trong phim tài liệu Alternative 3
Năm 1977, Đài Truyền hình ITV giới thiệu bộ phim tài liệu Alternative 3 tập trung điều tra sự kiện nhiều nhà khoa học Anh bỗng dưng mất tích cùng những giả định về nguyên nhân, tiến trình vụ việc. Chương trình được xây dựng rất chặt chẽ và thuyết phục.
Ở vài tập đầu, Alternative 3 nêu khả năng các nhà khoa học này rời khỏi quê nhà, tìm kiếm công việc tốt hơn ở những quốc gia khác. Thế nhưng, càng đào xới vấn đề, nhà sản xuất càng nhìn rõ bí mật ghê gớm ẩn khuất phía sau. Họ bắt đầu tổ chức nhiều cuộc điều tra quy mô lớn, ráp nối các mảnh ghép và cuối cùng công bố đến khán giả thông tin gây chấn động: trái đất sắp phải hứng chịu hàng loạt thảm họa tự nhiên khủng khiếp, toàn bộ sự sống sẽ bị hủy diệt.
Vì lý do trên, chính phủ quyết định thiết lập "Con thuyền Noah" - một căn cứ chiến lược quy tụ toàn bộ nhà khoa học hàng đầu thế giới, có nhiệm vụ lên kế hoạch di tản nhân loại khỏi trái đất, trong đó sao Hỏa là lựa chọn hàng đầu.
Dù sau đó ITV giải thích Alternative 3 chỉ là chương trình "đùa cợt" khán giả nhưng nhiều học thuyết âm mưu vẫn tiếp tục râm ran hàng thập kỷ sau đó. Một số người còn khẳng định chương trình nói lên sự thật vì thông tin mật bị rò rỉ nên chính phủ cố tình biến thành trò đùa. Tuy chỉ phát sóng duy nhất một lần ở Anh nhưng Alternative 3 sau đó còn được phát sóng ở Úc, Canada, New Zealand.
Dù sao thì giờ đây, sau gần 4 thập kỷ kể từ khi Alternative 3 phát sóng lần đầu, những giả thuyết bộ phim đưa ra đã trở thành hiện thực, trong đó con người đang phải đau đầu đối phó với thảm họa biến đổi khí hậu do trái đất bị ô nhiễm.
>Phim kinh dị Nga: Món mới cho khán giả Việt
>“Mr. Bean” sẽ thôi “chọc cười” khán giả