![]() |
Nếu đi tìm một ngày tĩnh lặng cho riêng mình, để tâm hồn khoả bớt ồn ào náo nhiệt nơi phố xá thì hãy về đây. Nơi này - Chùa Bổ Đà cho ta một không gian không chỉ tĩnh tại của cõi thiền mà còn cho ta trở về với một góc quê miền trung du.
![]() |
Lối vào cổng chùa |
Ai sinh ra và lớn lên từ miền trung du sẽ hiểu niềm vui lạo xạo trên từng con đường sỏi son, sẽ thấu mát từng chiều lao xao gió của rừng bạch đàn, phi lao, từ từng mái rạ hun lên khói trắng, toả ngát mùi rơm đồng quê.
Khi tất cả chỉ tìm thấy trong dĩ vãng thì nơi đây, chốn tu thiền vẫn ung dung tự tại với những gì sinh ra từ hàng trăm năm (chùa có từ thời nhà Lý - thế kỷ 11 và được xây dựng lại vào thời Lê Trung hưng, dưới triều vua Lê Dụ Tông) mà vẫn trường tồn cùng thời gian: tường đất, bờ rêu, cổng gạch, lối mòn... ngát thơm giữa thiên nhiên, dùng dằng nửa cổ, nửa kim.
Chùa Bổ Đà là một trong những trung tâm Phật giáo của phái Trúc Lâm Tam tổ. Chùa thờ Thạch Linh thần tướng và Trúc Lâm Tam tổ (gồm Trần Nhân Tông, Pháp Loa và Huyền Quang). Quần thể chùa Bổ Đà là một tập hợp di tích gồm chùa Chính (Tứ Ấn tự) cùng hai đền thờ Đức Thánh Hoá và Thạch Tướng Đại Vương.
Lối vào cổng chùa hút sâu và độc đáo vô cùng. Tường đất rêu phong, lơ phơ mấy cái hoa mướp vàng toả hương dìu dịu từ đám lá xanh ngắt. Vài con ong, cái kiến quanh quẩn tìm hoa hút mật. Ôi sao thân thương và gợi nhớ quê hương da diết thế! Chẳng người miền Kinh Bắc nào không biết mùi vị của món cua đồng nấu mướp hương cùng rau đay, mồng tơi.
Chẳng đứa trẻ miền trung du nào không một lần nhón chân hái lấy chiếc lá mướp to nhất, dày bản nhất cho bà, cho mẹ quệt lên miếng mít vàng ươm để lau nhựa trắng phau. Cổng vào chùa không có gì đặc sắc bởi nó giản dị và mộc mạc như ta đang về với nhà của ta. Tất cả đều cũ xưa, không trau chuốt, nhưng vẫn uy nghiêm mà không xa vời. Bước qua cổng gạch cũ là bước vào một chốn thiền không.
Loài hoa có hương đặc trưng báo cho ta biết đang ở giữa sân chùa, là hoa đại. Mùa này, cây đại cổ thụ đã rắc hoa vàng điểm sắc trên nền gạch nâu, trên cả thảm lá trầm khô trong vườn chùa. Thứ hương thơm ma mị dẫn lối hồn ta đi theo rồi bỗng như thả bẫng lên không, thanh thoát và dịu êm quá chừng.
![]() |
Phần thờ tự |
Nắng trong lành của buổi ban mai điểm xuyết từng lối đi, nền gạch, xuyên vào từng góc tường hoa. Nắng thả lên từng mắt lá cây cảnh trong chậu những lấp lánh, những lúng liếng. Tất cả như ướp trong hương thơm mát tinh khiết. Người bạn đi cùng đoàn, đã lặng lẽ tách mình ra.
Bạn ngồi trầm tư trên một phiến đá trắng trong một góc chùa. Phiến đá trắng như trải dài bóng áo trắng của bạn. Bạn ngồi đó, mắt đăm đắm lên những bờ rêu phong, chiếc vại sành nâu còn lóng lánh nước mưa, cái cổng tre cùng ván gỗ cũ kỹ, cứ vang tiếng cọt kẹt gọi bạn tôi về một chốn xa xôi. Đó là ký ức.
Có thể tuổi thơ bạn đong đầy những hình ảnh đó, khi về chốn này mới bật ra nỗi nhớ. Một góc chùa mà lại giống một góc không gian nhà của miền trung du: Cây na cạnh cổng gỗ đang căng lên mầu xanh ngọc của hàng ngàn lá non. Dưới chân tường đất ẩm sịt, lơ phơ những ngọn rau rền cơm mọc hoang dại, gợi cho ai bữa cơm thôn quê giản đơn và mát lành.
Hoài niệm đang dặn bạn, hãy nhìn về quá khứ để sống cho hiện tại tốt đẹp hơn, và hãy nhìn vào hiện tại để sống cho ngày mai tươi mới hơn. Dù ở đâu trong trục thời gian một đời người, thì khi bước vào cõi Phật, con người vẫn cầu mong và hy vọng vào ngày mai tốt hơn!
Cõi Phật là nơi thanh tịnh, nơi con người dãi bày tất cả khổ đau cũng như ước muốn riêng. Nơi này không có bon chen, không có đố kỵ, không có tranh giành quyền uy, tiền tài. Tất cả mọi người khi chắp tay cầu khấn trước đức Phật đều được hưởng sự bình đẳng.
Đức Phật nhìn xuống tất thẩy những con người khổ đau cũng như đang hạnh phúc, dặn họ bằng ánh nhìn: hãy sống bằng chữ tâm trong tim mình. Trong mỗi người đều có cả phần thiện phần ác, nhưng hãy để phần thiện chiến thắng phần ác.
Tôi ngồi xuống thềm nắng, tựa lưng vào cột gỗ. Tĩnh lặng nơi này cho tôi cảm giác phiêu bồng cùng những áng mây trên trời kia, xa hẳn bụi trần. Nhưng có xa được không khi chính ta cũng ở cõi đời.
Hương thơm của vườn chùa nơi này khiến tôi nhớ đến quan niệm của Thích Phổ Luân trong “Hương thơm Niệm Phật” rằng: Mỗi con người chúng ta ai ai sẵn có một vườn hoa, nhưng để trở thành một vườn hoa thơm ngát thì lại phải bồi đắp, tu luyện thanh tịnh. Vườn hoa giác ngộ kia không phải mất công tìm ở nơi nào xa xôi mà ngay ở chính nơi ta, của con tim từ bi và tấm lòng mẫn tiệp.
Hương trong vườn chùa là tự tại, không phân biệt không gian, hoàn cảnh. Có vun trồng được thân cây thì hoa sẽ nở, mà hoa nở thì hương có. Và hương trong tâm hồn mỗi người cũng vậy thôi.
![]() |
Vườn tháp |
Từng cánh cửa cứ để mở như dẫn lối ta vào mỗi góc riêng trong cõi nhà thiền. Âm thanh duy nhất là tiếng chim chuyền cành bình yên và lá lao xao mở ra đón gió, khách hành hương thì cứ tự nhiên đi viếng thăm chùa. Càng đi càng thấy lạ lẫm và quen thuộc quyện chặt lấy nhau. Mít xanh núc nỉu tựa vào nhau trên nhánh cây sần sùi, lại nhớ thuở nhựa mít và chuồn chuồn. Ôi cái thuở “mít meo”...
Tường đất trình - chỉ thế thôi mà chính là nét đặc sắc ở chùa Bổ. Không chỉ có không gian thấm nhuyễn hương thơm của hoa lá mà tường đất nơi này cũng mang hương thơm. Hãy áp má vào tường đất mà xem sẽ thấy hơi mát rất lạ của rêu phong, sương gió từ hàng trăm năm thấm vào đất. Và nắng mới gọi tất cả thức dậy cùng bình minh.
Có người hỏi vì sao lại làm tường đất quanh chùa? Chùa Bổ xưa kia và đến giờ vẫn nằm trong vùng thanh tịnh, hẻo lánh. Tường đất để phòng tránh thú dữ, cũng là nơi lánh nạn cho dân. Quanh bờ thành bằng đất, còn có lũy tre. Giờ tre không còn cần thiết làm công cụ lao động, đồ dùng như xưa, nhưng vẫn ngút ngàn lao xao gọi về một miền quê hương trong ký ức mỗi người dân Việt.
Dù nhịp sống cứ ồn ào náo nhiệt với dân cư đông đúc hơn của vùng đất Việt Yên, nhưng chùa Bổ vẫn an toạ yên bình bên rừng phi lao, bạch đàn trên núi Phượng Hoàng. Cửa chùa luôn bình yên, lặng lẽ rộng mở cho mỗi người đến cầu an và để tâm hồn đôi phút xa rời những bộn bề trong cuộc sống thường ngày, để nhận được hương thơm giải thoát mọi giằng buộc, được an lạc thảnh thơi trong tâm hồn.