Hollywood “nhún mình” trước Trung Quốc

Phương Trang| 06/11/2019 06:00

Việc Hollywood tuân thủ những "quy tắc bất thành văn" khi tiếp cận thị trường Trung Quốc đồng nghĩa, nhà quản lý của quốc gia đông dân nhất thế giới có thể chi phối, can thiệp vào nội dung các bộ phim.

Hollywood “nhún mình” trước Trung Quốc

Đạo diễn Quentin Tarantino từ chối cắt một số cảnh trong "Once Upon a Time in Hollywood" theo yêu cầu của chính phủ Trung Quốc, bộ phim ngay lập tức bị rút khỏi các rạp chiếu. Dễ dàng đoán nguyên nhân xuất phát từ việc giễu nhại hình ảnh Lý Tiểu Long dù không có bất kỳ thông báo nào được đưa ra, bởi trước đó con gái của huyền thoại võ thuật liên tục lên án việc bộ phim đã bóp méo và bôi nhọ hình ảnh của ông.

"Chiêu bài" hợp tác sản xuất

Thay đổi lời thoại, cắt cảnh, hợp tác cùng các công ty sản xuất phim Trung Quốc, mời diễn viên Hoa ngữ… là những giải pháp mà các nhà làm phim Hollywood buộc phải áp dụng để tác phẩm có thể được trình chiếu tại quốc gia tỷ dân, với doanh thu phòng vé dự kiến đạt 12,2 tỷ USD vào năm 2020.

Theo quy định của Cục Quản lý Phát thanh, Điện ảnh và Truyền hình Trung Quốc (SARFT) vào năm 2012, mỗi năm các rạp chỉ được nhập khẩu 34 phim. Cách duy nhất để lách chế độ hạn ngạch này là hợp tác sản xuất. Các phim đồng sản xuất có thể kiếm được 43% doanh thu chỉ từ thị trường Trung Quốc, trong khi đó, với những phim thuần Hollywood, tỷ lệ này là 25%.

Bộ phim gây tranh cãi tại Việt Nam thời gian gần đây - Abominable (Everest - Người tuyết bé nhỏ), là một trong những trường hợp điển hình của việc hợp tác Mỹ - Trung trong điện ảnh, tương tự KungFu Panda 3 hay The Meg.

Doanh thu tuần đầu tiên của Abominable tại Trung Quốc đạt 3 triệu USD, đứng thứ 4 phòng vé. Dù con số này khá khiêm tốn khi so với bom tấn My People, My Country đang càn quét (mang về gần 100 triệu USD chỉ trong 2 ngày đầu tiên), nhưng Abominable thành công ở cả hai thị trường Trung Quốc và Hoa Kỳ (20 triệu USD tuần đầu tiên).

Link bài viết

Việc Hollywood tuân thủ những "quy tắc bất thành văn" khi tiếp cận thị trường Trung Quốc đồng nghĩa, nhà quản lý của quốc gia đông dân nhất thế giới có thể chi phối, can thiệp vào nội dung các bộ phim. Rất nhiều chiêu bài đã được sử dụng để đưa "yếu tố Trung Quốc" vào phim, từ bối cảnh, diễn viên cho đến văn hóa, ngôn ngữ… 

Nhưng Hollywood dường như làm ngơ với tất cả. Khi hai quốc gia Malaysia, Philippines kiên quyết không chiếu Abominable nếu nhà sản xuất từ chối cắt cảnh in hình “đường lưỡi bò”, Hollywood đã không chịu cắt. Vì sao vậy? Vì đối với họ, Đông Nam Á chỉ là thị trường nhỏ, "thả con tép, bắt con tôm" để tiếp cận thị trường đông dân nhất thế giới vẫn là bài toán thông minh hơn trong kinh doanh.

Hollywood không dại gì "chọc giận" Bắc Kinh. Họ tiếp thu bài học từ những thương hiệu từng bị tẩy chay ở Trung Quốc mà gần đây nhất từ Hiệp hội bóng rổ nhà nghề Mỹ (NBA). Ý kiến của người quản lý đội bóng ủng hộ các cuộc biểu tình ở Hồng Kông đã khiến cư dân đại lục phẫn nộ khiến mọi thứ liên quan đến NBA đều bị phản đối.

Tham vọng của Trung Quốc

Chính phủ Trung Quốc xem ngành công nghiệp giải trí là công cụ để nâng cao hình ảnh toàn cầu của đất nước, khuyến khích chủ nghĩa dân tộc và thúc đẩy các giá trị chính thống mà họ cho là phù hợp. Một trong những khẩu hiệu hàng đầu dưới thời Chủ tịch Tập Cận Bình là chỉ kể câu chuyện của Trung Quốc với thế giới dưới góc nhìn tích cực, không được đề cập đến các mối đe dọa toàn cầu.

Vì thế, mục tiêu kiểm duyệt của Trung Quốc ngày càng đa dạng và gắt gao hơn, bởi những căng thẳng chính trị như chiến tranh thương mại Mỹ - Trung và sự ủng hộ của Hoa Kỳ đối với các cuộc biểu tình ở Hồng Kông. Đôi khi, yếu tố kiểm duyệt rất "khó lường". Christopher Robin của Disney bị cấm ở Trung Quốc với nguyên nhân, hình ảnh chú gấu Winnie the Pooh từng được truyền thông quốc tế so sánh với nhà lãnh đạo Tập Cận Bình!

Tháng 3 vừa rồi, chính phủ Trung Quốc đã yêu cầu các nhà làm phim phải đưa ngành công nghiệp điện ảnh của đất nước sánh ngang với Mỹ vào năm 2035 và phát triển 100 phim mỗi năm, mỗi phim kiếm về 15 triệu USD. Wang Xiaohui - một quan chức điện ảnh hàng đầu tại Trung Quốc - nói với Variety: "Vào thời điểm đó, giá trị ngành công nghiệp điện ảnh sẽ phản ánh sức mạnh của nền kinh tế quốc gia".

Trước đó, vào tháng 4/2018, quần thể phim trường Phương Đông Thanh Đảo (Qingdao Oriental Movie Metropolis) thuộc sở hữu của tập đoàn Đại Liên Vạn Đạt (Dalian Wanda) với diện tích lớn nhất thế giới, hơn 1,6 triệu m2 cũng đã chính thức đi vào hoạt động, cho thấy tham vọng của Trung Quốc là không hề nói suông. Và, việc Hollywood nhún mình trước quốc gia tỷ dân cũng là điều dễ hiểu.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Hollywood “nhún mình” trước Trung Quốc
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO