Hội nghị thượng đỉnh G20 sẽ nhóm họp tại London, Anh vào ngày 2/4 tới nhằm thảo luận các biện pháp kiểm soát mạng lưới thị trường tài chính quốc tế và các kế hoạch chấn hưng kinh tế. Tuy nhiên, trước hội nghị này đã xuất hiện những bất đồng giữa Mỹ và châu Âu về các biện pháp nhằm khắc phục hậu quả của khủng hoảng.
Trước chủ trương của Washington muốn vực dậy kinh tế bằng những món tiền khổng lồ trong lúc ngân sách đang cạn kiệt, bốn nước đầu tàu châu Âu là Anh, Pháp, Đức và Ý chuẩn bị đưa ra một loạt đề nghị khác, nhằm tập trung nỗ lực điều tiết tài chính thế giới. Tính đến nay, EU đã sử dụng đến 3,3% GDP, khoảng 400 tỷ euro để kích cầu cho hai năm 2009 và 2010. Trong khi Mỹ tung ra 787 tỷ USD, tức là 5,5% GDP, nên muốn EU tiếp tục bỏ thêm tiền để đối phó với tình trạng suy thoái chung.
Trước thái độ kiên quyết của EU, Mỹ vừa hé mở một số nét chính trong kế hoạch chống khủng hoảng với những biện pháp “siết chặt những chuẩn mực tài chính hiện hữu và kiểm soát chặt chẽ hơn các xí nghiệp chưa vào khuôn khổ”. Căng thẳng trước hội nghị G20 tràn ra bên ngoài khi hàng chục ngàn người đã xuống đường tại London, Berlin, Roma và Paris để kêu gọi giới lãnh đạo các thành viên G20 nhanh chóng hành động chống khủng hoảng.
OECD: Tỷ lệ thất nghiệp trên 10% vào năm 2010
Theo dự báo của Tổ chức Hợp tác Kinh tế Phát triển OECD, vào năm 2010, ngoại trừ Nhật Bản, tỷ lệ thất nghiệp tại khối kinh tế này sẽ lên gần 10%. Nếu thành hiện thực thì số thất nghiệp trong OECD vượt quá mức kỷ lục đã từng diễn ra vào những năm đầu 1980. Tỷ lệ thất nghiệp trung bình trong khối OECD là 6,9% vào đầu năm nay, cao hơn 1% so với một năm trước đó, tương đương với 7,2 triệu lao động gia nhập đội quân thất nghiệp.
Bộ trưởng lao động của nhóm G8 đã nhóm họp nhằm đánh giá những thiệt hại có tính xã hội và con người trong cuộc khủng hoảng tài chính đang diễn ra. Trong khi đó, Tổ chức Lao động Quốc tế (ILO) cho biết, khủng hoảng tài chính có thể khiến 50 triệu người mất việc trong năm 2008 và 2009; còn Ngân hàng Thế giới (WB) cho rằng, khủng hoảng sẽ đẩy 46 triệu người vào cảnh đói nghèo.
Tổng giám đốc Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) Dominique Strauss-Kahn cảnh báo tình hình thất nghiệp trên khắp thế giới trở nên “rất nguy hiểm và sẽ biến thành thảm họa” khi dẫn tới sự bất ổn xã hội, đe dọa nhiều nền dân chủ và trong một số trường hợp có thể dẫn tới chiến tranh.
CEO của General Motors bị buộc từ chức
Giám đốc điều hành của hãng xe lớn nhất nước Mỹ General Motors (GM), ông Rick Wagoner bị buộc phải thôi chức do áp lực từ phía Chính phủ. Trước đó, trong ngày 29/3, Tổng thống Mỹ Barack Obama tuyên bố, GM và Chrysler đã không nỗ lực tới mức đủ để cứu bản thân sau khi nhận được 17,4 tỷ USD tiền giải cứu từ phía Chính phủ vào tháng 12 năm ngoái. Tới thời điểm này, GM và Chrysler đã sử dụng phần lớn số tiền giải cứu nói trên và đang phải đối mặt với nguy cơ phá sản nếu Chính phủ Mỹ không có động thái giải cứu mới.
GM đang xin Chính phủ Mỹ cấp thêm 16 tỷ USD vay thêm, còn Chrysler đề nghị vay thêm 5 tỷ USD. Cả hai hãng xe thuê tuyển 140.000 lao động tại Mỹ và mất trên 90% giá trị trên thị trường. Từ năm 2005 tới nay, GM đã thua lỗ tổng cộng khoảng 82 tỷ USD. Trong nỗ lực thúc đẩy niềm tin tiêu dùng, Tổng thống Obama đã công bố kế hoạch hậu thuẫn đảm bảo cho các hoạt động của GM và Chrysler.