Xuất khẩu còn nhiều rào cản

MAI PHƯƠNG| 06/08/2014 03:50

Ngay cả gạo là mặt hàng có thế mạnh của Việt Nam cũng bị xếp trong nhóm có tiềm năng xuất khẩu thấp.

Xuất khẩu còn nhiều rào cản

Ngay cả gạo là mặt hàng có thế mạnh của Việt Nam cũng bị xếp trong nhóm có tiềm năng xuất khẩu thấp.

Đọc E-paper

Ảnh: Lê Hoàng Vũ

Đó là nhận định chung của nhiều chuyên gia khi nói về thực trạng xuất khẩu của Việt Nam tại hai hội thảo liên quan đến vấn đề xuất khẩu và hội nhập toàn cầu cùng diễn ra trong tuần qua tại TP.HCM và Hà Nội.

Công bố tại hội thảo "Quốc gia đánh giá tiềm năng xuất khẩu" do Cục Hợp tác Kinh tế Liên bang Thụy Sỹ (SECO) phối hợp với Cục Xúc tiến thương mại (Bộ Công Thương) tổ chức, SECO cho biết, xuất khẩu của Việt Nam hiện chiếm tỷ trọng trên 60% GDP.

Riêng năm 2013, Việt Nam có mức tăng trưởng xuất khẩu 15,3%, cao hơn mục tiêu được đặt ra ở năm 2012 là 3,3%. Những nhóm hàng được đánh giá có tiềm năng xuất khẩu cao gồm: sắn, cà phê, cao su, mây tre lá, tôm, điện và điện tử...

Tuy nhiên, điểm đáng chú ý là những mặt hàng có giá trị kim ngạch càng cao như: cà phê, cao su, điện và điện tử... lại bộc lộ khá nhiều hạn chế. Cụ thể, hầu hết chủ yếu đều xuất thô, giá trị gia tăng thấp, phụ thuộc vào thị trường Trung Quốc (đầu ra, nguyên vật liệu...). Còn quá nhiều doanh nghiệp (DN) sản xuất có quy mô nhỏ, manh mún.

Theo ông Miroslav Delaporte, Trưởng đại diện SECO tại Việt Nam, gạo đang là mặt hàng đứng đầu trong nhóm hàng có tiềm năng xuất khẩu thấp của Việt Nam, dù doanh thu từ xuất khẩu mặt hàng này thường duy trì ở khoảng 3 tỷ USD/năm. "Theo đánh giá của nhóm nghiên cứu, có hai nguyên nhân khiến gạo Việt Nam rơi vào tình trạng trên.

Thứ nhất, do Việt Nam thực hiện tái cơ cấu nông nghiệp, khuyến khích các loại cây có lợi nhuận cao và mang tính bền vững hơn. Thứ hai, gạo thế giới đang thừa. Trước sự cạnh tranh gay gắt từ nhiều nhà cung cấp ở các nước, gạo Việt Nam vừa không có thương hiệu, vừa phải qua trung gian. Cơ sở hạ tầng chế biến và vận tải kém... cũng là yếu tố khiến gạo Việt Nam khó cạnh tranh", ông Miroslav Delaporte, phân tích.

Tuy nhiên, các chuyên gia lại dự báo, kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam sẽ tiếp tục tăng trưởng mạnh trong thời gian tới, một khi các điều kiện, chính sách, đầu ra tại thị trường quốc tế được DN ứng dụng và phát huy tốt. Kéo theo xuất khẩu sẽ tận dụng được tiềm năng, cơ hội từ quá trình hội nhập để có những dịch chuyển theo hướng gia tăng tỷ lệ hàng hóa thuộc ngành chế biến, chế tạo.

Liên quan đến vấn đề này, tại hội thảo "Tận dụng cơ hội giao thương quốc tế - hội nhập thị trường toàn cầu" do Hiệp hội Doanh nghiệp TP.HCM (HUBA) phối hợp cùng Công ty TNHH TUV SUD Việt Nam tổ chức, ông Phạm Ngọc Hưng, Phó chủ tịch Thường trực HUBA, cho rằng, trong bối cảnh Việt Nam là thành viên WTO từ năm 2007 cũng như trước những tín hiệu tích cực về khả năng đàm phán thành công các hiệp định thương mại cho thấy, DN Việt Nam đang có nhiều cơ hội tốt trong tiến trình hội nhập kinh tế thương mại toàn cầu.

Tuy nhiên, DN Việt Nam, đặc biệt là các đơn vị hoạt động trong lĩnh vực xuất khẩu cũng phải nỗ lực vượt qua những thách thức không nhỏ trên "sân chơi" toàn cầu. Và điều cần lưu ý là các DN Việt cũng phải đáp ứng được các tiêu chuẩn, quy định quốc tế về an toàn kỹ thuật, thử nghiệm, chứng nhận sản phẩm...

Riêng về lĩnh vực điện - điện tử, ông Stanley Ong, Phó chủ tịch, Trung tâm điện - điện tử, TV SD ASEAN, chia sẻ, xu thế chung trên thị trường quốc tế, nhiều quốc gia đang chủ động chuyển sang hướng phát triển bền vững, nên ưu tiên tiêu dùng và khuyến khích nghiên cứu, sản suất sản phẩm xanh, tiết kiệm năng lượng, năng lượng tái tạo thân thiện với môi trường.

Điển hình một số nước trong khu vực ASEAN như Singapore và Thái Lan... đều có phân loại danh mục hàng hóa và quy định cụ thể những mặt hàng phải có giấy chứng nhận kiểm nghiệm về các tiêu chuẩn liên quan đến vấn đề an toàn trong sử dụng và độ bền khi nhập khẩu hoặc bán trên thị trường.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Xuất khẩu còn nhiều rào cản
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO