Vào TPP, kinh tế Việt Nam sẽ tăng khoảng 1 điểm %/năm

DUY KHUÊ| 01/12/2015 02:15

Theo ông Lương Hoàng Thái - Vụ trưởng Vụ Chính sách thương mại đa biên, dự kiến 10 năm sau khi Việt Nam gia nhập TPP, quy mô kinh tế có thể tăng khoảng 10,5%, tương đương khoảng 1 điểm %/năm.

Vào TPP, kinh tế Việt Nam sẽ tăng khoảng 1 điểm %/năm

Theo dự báo đến năm 2025, tức 10 năm sau khi Việt Nam gia nhập Hiệp định Đối tác Kinh tế Chiến lược xuyên Thái Bình Dương (TPP), quy mô kinh tế có thể tăng khoảng 10,5%, tương đương tăng trưởng khoảng 1 điểm %/năm.

Đọc E-paper

Đó là chia sẻ của ông Lương Hoàng Thái - Vụ trưởng Vụ Chính sách thương mại đa biên, người phát ngôn Đoàn đàm phán TPP của Việt Nam tại hội thảo "Cập nhật thông tin quan trọng nhất từ TPP và những điều doanh nghiệp quan tâm" do Hội Doanh nghiệp Hàng Việt Nam chất lượng cao và CLB Doanh nghiệp dẫn đầu phối hợp tổ chức ngày 27/11 tại TP.HCM.

Căn cứ vào những kết quả nghiên cứu, thống kê từ các tạp chí quốc tế uy tín trên thế giới và cả những tổ chức, cơ quan, ban ngành có nghiên cứu kinh tế tại Việt Nam, ông Thái chia sẻ: "Việt Nam được nhìn nhận là quốc gia có lợi rất nhiều khi TPP có hiệu lực thi hành. Tất nhiên với mức tăng trưởng vài chục tỷ USD/năm vẫn không là gì so với các nước phát triển, chẳng hạn như Mỹ, nhưng với Việt Nam thì đây là con số đáng ghi nhận".

Theo ông Thái, cũng có giả định quy mô kinh tế Việt Nam có thể tăng vài phần trăm một năm sau khi TPP có hiệu lực, song ở góc độ chuyên gia, ông cho rằng, điều này rất khó xảy ra.

Vừa qua, một số nhà nghiên cứu kinh tế Việt Nam khẳng định, phúc lợi được tạo ra từ TPP tại Việt Nam sẽ rất lớn, do tăng hiệu quả của nền kinh tế cũng như Việt Nam có cơ hội từ thị trường mới. Trong đó, yếu tố cải cách về chính sách kinh tế sẽ góp phần quan trọng.

Phân tích về việc cạnh tranh hàng hóa giữa các nước, theo ông Thái, trong các thành viên TPP thì hiện nay Mỹ, Canada, Mexico, Peru chỉ mới chiếm khoảng trên 5%/tổng hàng nhập khẩu của Việt Nam.

Khi TPP có hiệu lực, hàng hóa từ bốn nước này vào Việt Nam có thể tăng, nhưng việc cạnh tranh với các DN Việt Nam thì cũng chỉ ở mức nhất định.

Vì ngoài cạnh tranh với Việt Nam, hàng hóa các nước ngày còn phải cạnh tranh với hàng hóa các nước khác, nên nếu như tăng thị phần ở Việt Nam thì cũng có khả năng tăng thị phần từ các đối tác khác.

"Song, điều đáng lo ngại là các nước sẽ cạnh tranh trực tiếp với hàng nông sản Việt Nam, nhất là nông sản chế biến. Chính vì vậy, chính sách thị trường và đầu tư trong nước cần phải thay đổi để phù hợp với những tiêu chuẩn do các nước lớn đặt ra, đảm bảo hài hòa lợi ích của các bên", ông Thái nhấn mạnh.

Ngoài những dự báo về những khó khăn mà khối DN lẫn các cơ quan nhà nước phải chuẩn bị đối phó khi TPP có hiệu lực thì các chuyên gia kinh tế còn lưu ý về sở hữu trí tuệ (SHTT).

Nguyên nhân là Việt Nam đã xây dựng những văn bản quy phạm pháp luật khá chặt chẽ về quyền SHTT, song việc thực thi còn khá lỏng lẻo.

Trong khi đó, các nước phát triển, đặc biệt là Mỹ luôn coi trọng về SHTT, coi trọng quyền của các bên liên quan trong vấn đề SHTT. Vì vậy, đây được xem như cuộc "chiến đấu" giữa nhóm những nước phát triển và các nước đang phát triển.

Các nước phát triển luôn hướng đến lợi ích của chủ sở hữu sáng chế, trong khi đó, các nước đang phát triển lại hướng lợi ích đến cộng đồng nhiều hơn. Vì vậy việc đảm bảo hài hòa lợi ích của các nước là vấn đề mà các thành viên trong đoàn đàm phán TPP hết sức quan tâm.

Nói về điều này, ông Bùi Nguyên Hùng, Cục trưởng Cục Bản quyền tác giả, cho rằng, Việt Nam đã ký nhiều công ước và hiệp định quốc tế về bảo vệ quyền tác giả, như Công ước Berne (2004), Công ước Rome (2007), Hiệp định TRIPS (2007), Hiệp ước WCT và WPPT, nên trong lĩnh vực bản quyền tác giả, cần phải xây dựng nguồn nhân lực có chuyên môn để nâng cao năng lực thực thi.

>TPP – Động lực mới thúc đẩy tăng trưởng kinh tế Việt Nam

>Howmuch: Quy mô kinh tế Việt Nam tương đương một bang của Mỹ

>Sau ký kết, TPP sẽ tác động thế nào đến kinh tế Việt Nam?

>4 khó khăn lớn của nền kinh tế Việt Nam

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Vào TPP, kinh tế Việt Nam sẽ tăng khoảng 1 điểm %/năm
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO