Vai trò hội trong mắt doanh nghiệp

MAI PHƯƠNG| 02/03/2016 06:02

Dưới góc nhìn của doanh nghiệp, các tổ chức hội ngành nghề (hội) vẫn chưa thể hiện hết vai trò đồng hành cùng DN.

Vai trò hội trong mắt doanh nghiệp

Dưới góc nhìn của doanh nghiệp (DN), các tổ chức hội ngành nghề (hội) vẫn chưa thể hiện hết vai trò đồng hành cùng DN.

Đọc E-paper

Theo chia sẻ của ông Trần Thái Dương - Giám đốc Công ty Thái Dương, trong lĩnh vực may mặc và túi xách, ở nước ngoài, đặc biệt là ở các nước phát triển, vai trò của các hội ngành nghề rất mạnh. Thông qua hội, DN thành viên được tạo điều kiện thuận lợi trong mở rộng hợp tác đầu tư, kinh doanh trong nước, hoặc xuất khẩu. Hơn nữa, tiếng nói của hội được đánh giá khá cao trong việc ban hành các luật mới liên quan đến hoạt động của DN.

Đại diện một DN hoạt động trong lĩnh vực nhập khẩu thực phẩm, sữa organic từ Mỹ đánh giá cao vai trò của Hiệp hội Sữa Mỹ. Trước đây, DN này gặp rất nhiều khó khăn trong việc tiếp cận với DN trong ngành thực phẩm, sữa organic tại Mỹ, thậm chí, nhiều lần muốn bỏ cuộc. "Nhưng khi đặt vấn đề với Hiệp hội Sữa Mỹ, đã có rất nhiều DN Mỹ tìm tới chúng tôi để mở rộng cơ hội tại thị trường Việt Nam. Điều này cho thấy uy tín cũng như vai trò của Hiệp hội Sữa Mỹ ảnh hưởng rất lớn đến các DN thành viên", DN này cho hay.

Song, khi nói đến các hội DN Việt Nam, ông Dương cho rằng, tiếng nói của hội chưa thật sự mạnh và cần được cải thiện. Trong đó, đáng chú ý, người đứng đầu ban chấp hành (BCH) hội không nên là các DN lớn trong ngành. Bởi vì, ý kiến cá nhân của một vài người đứng đầu lại được "áp đặt" cho ý kiến số đông DN trong ngành là không hay. Điều này hoàn toàn khác với hội doanh nghiệp ở các nước phát triển, vì đa phần BCH hội đều là những thành phần "trung lập", không sở hữu bất kỳ DN nào.

Đồng tình quan điểm này, ông Lý Thành Sinh, Giám đốc Công ty Minh Long Hưng, cũng chia sẻ, bản thân ông tham gia khá nhiều hội, cụ thể gồm: Hội Doanh nghiệp Quận 9, Hội Dệt May Thêu đan TP.HCM, Hội Doanh nghiệp Hàng Việt Nam chất lượng cao, Hiệp hội Doanh nghiệp TP.HCM, Hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa Việt Nam...

Hoạt động hỗ trợ mà các hội cung cấp cho hội viên chủ yếu là xúc tiến thương mại, quảng bá thương hiệu, sản phẩm, đào tạo nhân lực, cung cấp thông tin, tư vấn đầu tư, phản biện chính sách, hỗ trợ các vấn đề về pháp lý. Tuy nhiên, theo ông, nhìn chung, vai trò của Hội và hỗ trợ của hội đối với DN gần như rất ít. "Nếu phân tích từng hội sẽ có những mặt được và chưa được, nhưng đánh giá chung thì phải thẳng thắn nói rằng, hoạt động của các hội chưa tốt", ông Sinh cho biết.

Trong quá trình hội nhập quốc tế, các hội ngành nghề tại Việt Nam chưa thể hiện đầy đủ vai trò trong việc cung cấp thông tin về pháp luật, thị trường, cung cấp dịch vụ kinh doanh, hỗ trợ xúc tiến thương mại, giải quyết tranh chấp... Để nâng cao vai trò, hội ngành nghề cần phải nâng cao vai trò phục vụ DN; đồng thời DN cũng phải tăng cường liên kết, hợp tác với nhau.

Cũng theo ông Sinh, khi Việt Nam ký kết những hiệp định kinh tế thương mại tự do với các nước, nhiều ý kiến cho rằng, dệt may sẽ là ngành được hưởng lợi nhiều nhất, nhưng thực tế hoàn toàn trái ngược. "Hầu như những thành tích của ngành may đạt được trong thời gian qua đều là thành tích từ các DN FDI.

Trong khi đó, điều kiện để ngành may Việt Nam phát triển đến nay hầu như không có, công nghiệp hỗ trợ Việt Nam vẫn chưa cung ứng được cây kim cho DN. Vậy làm sao DN Việt Nam cạnh tranh ở thị trường thế giới?", ông Sinh đặt vấn đề.

Dù thông cảm cho những khó khăn của hội về nhân lực, tài chính, chính sách, nhưng ông Sinh cũng góp ý, các hội nên đẩy mạnh hơn công tác thu thập thông tin, chính sách mới để kịp thời phổ biến đến DN. Đồng thời, đại diện các hội nên thường xuyên đi thực tế, thăm hỏi, lắng nghe những khó khăn của DN, hạn chế các hoạt động có tính hình thức.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Vai trò hội trong mắt doanh nghiệp
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO