Tranh thủ cơ hội đang ít dần

NAM AN| 22/05/2012 00:14

Trái với kỳ vọng sẽ là miền đất hứa, thực tế thị trường Myanmar không mấy thuận lợi cho doanh nghiệp (DN) Việt Nam đón cơ hội đầu tư vào đây.

Tranh thủ cơ hội đang ít dần

Trái với kỳ vọng sẽ là miền đất hứa, thực tế thị trường Myanmar không mấy thuận lợi cho doanh nghiệp (DN) Việt Nam đón cơ hội đầu tư vào đây.

Đọc E-paper

Đường phố Yangon

Mới đây, các DN tại TP.HCM đã có dịp ngồi lại cùng đại diện Lãnh sự quán Myanmar tại TP.HCM, Liên hiệp Các tổ chức hữu nghị TP.HCM, Hiệp hội Doanh nghiệp TP.HCM để cùng chia sẻ những kinh nghiệm tìm kiếm cơ hội đầu tư tại Myanmar, “mảnh đất vàng cuối cùng của châu Á”.

Giới thiệu về Myanmar, ông Đàm Trung Bắc, Tổng lãnh sự danh dự Myanmar tại TP.HCM, cho biết, ngoài ưu thế về tài nguyên, lao động, Quốc hội Myanmar đang họp để thông qua các bộ luật, trong đó có Luật Đầu tư và đã thực hiện xong lộ trình 7 bước để tiến tới dân chủ và mở cửa. Vì thế, các DN Việt Nam không nên bỏ lỡ thời cơ đón đầu cơ hội vàng làm ăn với Myanmar.

Tuy nhiên, thực tế cho thấy, ngay cả giai đoạn hơn hai năm (2010-2012), Việt Nam bắt đầu đẩy mạnh xúc tiến thương mại sang thị trường Myanmar, hiệu quả thu về cũng chưa mấy khả quan, mặc dù kim ngạch thương mại song phương Việt Nam - Myanmar năm 2011 đạt 270 triệu USD, tăng 77% so với năm 2010.

Theo phân tích của ông Lê Quốc Hưng, Chủ tịch Liên hiệp Các tổ chức hữu nghị TP.HCM, phần lớn hàng hóa Việt Nam xuất khẩu sang Myanmar đều theo đường tiểu ngạch. Thậm chí, có không ít hàng hóa bày bán tại các hệ thống siêu thị ở Myanmar đóng nhãn mác Thái Lan nhưng thực tế là hàng sản xuất tại Việt Nam.

Gần đây, một số DN Việt Nam đã bắt đầu thâm nhập thị trường Myanmar, điển hình có Hoàng Anh Gia Lai, Thiên Long, Biti’s... Hoàng Anh Gia Lai là một trong ba DN Việt Nam đầu tiên được chính phủ Myanmar cho thuê đất đầu tư khách sạn - trung tâm thương mại - văn phòng cho thuê.

Theo ông Lê Hùng, thành viên HĐQT Công ty CP Hoàng Anh Gia Lai, để thuê được 8ha đất trong thời hạn 60 năm (gồm 30 năm thuê đất và hai lần gia hạn, 15 năm/lần), Hoàng Anh Gia Lai đã trải qua hơn 20 lần đàm phán trực tiếp với rất nhiều bộ, ngành thuộc Chính phủ Myanmar.

Theo ông Hùng, ở “mảnh đất vàng cuối cùng của châu Á” hiện chỉ có vùng Yangon là khá sầm uất, còn lại toàn rừng và đồi núi. Song, để đầu tư tại thời điểm này, các DN nước ngoài vào đây buộc phải liên kết - liên doanh với một DN nước sở tại, bởi còn tồn tại cơ chế hành chính quan liêu.

Vậy nên, nếu không có những người Myanmar tham gia, can thiệp thì sẽ rất khó thành công. Song, ông Hùng cũng cho rằng, mặc dù kinh tế Myanmar còn rất lạc hậu, nhưng tư duy kinh tế của họ rất phát triển, nhân lực hầu hết đều tu nghiệp ở nước ngoài.

Thậm chí, những người lãnh đạo chính phủ mới hầu như đều tốt nghiệp ở Mỹ và Anh. Với nền tảng như vậy, chính sách đầu tư của họ sẽ thay đổi trong một ngày gần đây.

Ông Huỳnh Tấn Phong, Phó giám đốc Trung tâm Xúc tiến Thương mại và Đầu tư TP.HCM (ITPC), nhấn mạnh, hiện Myanmar đang bắt đầu kêu gọi nhiều dự án đầu tư, trong đó nhiều nhất thuộc về Hàn Quốc, Nhật Bản, Trung Quốc, Thái Lan, Singapore...

Sắp tới, khi các nước châu Âu và Mỹ chính thức tham gia thị trường này ở lĩnh vực dịch vụ, hứa hẹn sẽ kéo theo sự tăng trưởng của đất nước Myanmar. Tuy nhiên, trong bối cảnh như vậy, hàng hóa và đầu tư của Việt Nam sẽ có thêm nhiều đối thủ cạnh tranh. Do đó, nếu không nắm bắt cơ hội thì Việt Nam sẽ chậm chân trong thị trường Myanmar.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Tranh thủ cơ hội đang ít dần
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO