Tình yêu thương trong mái ấm nghèo

THANH THỦY| 30/07/2009 09:53

Sáng thứ Bảy cuối tháng 5, đoàn xe của Hội Doanh Nhân Trẻ TP.HCM (YBA) chở theo khoảng hơn 40 người gồm gia đình các doanh nhân và nhân viên văn phòng YBA... không tìm đến một chốn giải trí cuối tuần mà “điểm hẹn” là Trung tâm khuyết tật và mồ côi Bé Thơ tại phường Long Bình, TP.Biên Hòa, tỉnh Đồng Nai.

Tình yêu thương trong mái ấm nghèo

Sáng thứ Bảy cuối tháng 5, đoàn xe của Hội Doanh Nhân Trẻ TP.HCM (YBA) chở theo khoảng hơn 40 người gồm gia đình các doanh nhân và nhân viên văn phòng YBA... không tìm đến một chốn giải trí cuối tuần mà “điểm hẹn” là Trung tâm khuyết tật và mồ côi Bé Thơ tại phường Long Bình, TP.Biên Hòa, tỉnh Đồng Nai.

Cậu bé Thọ đang giúp Xuân Mai uống sữa

130 phần quà gồm sữa, bánh kẹo, kem đánh răng, bàn chải, tập vở, bút chì, bình đựng nước... đã được trao tận tay các em ở Trung tâm. Ngoài ra, còn có gạo, mì gói, dầu ăn, giấy vệ sinh, thuốc bổ, thuốc nhỏ mắt - mũi, thuốc hạ sốt, thuốc đau bụng, dầu khuynh diệp, 3 bộ máy tính và 20 triệu đồng tiền mặt... do YBA huy động nhiều doanh nhân đóng góp - được trao cho các xơ nuôi dưỡng các em.

Trước đó, từ lúc 7 giờ sáng, một đoàn 15 bác sĩ tình nguyện thuộc Hội Thầy thuốc trẻ TP.HCM ủng hộ chương trình “Tết thiếu nhi cho trẻ em bất hạnh” của YBA đã khám, chữa bệnh cho các em. Các em vui sướng, hân hoan vì có quà bánh và còn được xem biểu diễn đua xe ô tô, máy bay mô hình... do Công ty AMC tổ chức.

“100% trẻ ở đây đều suy dinh dưỡng. Tỷ lệ sâu răng, viêm tai - mũi - họng, viêm đường hô hấp trên, rối loạn tiêu hóa... rất cao” - bác sĩ Hồ Quang Hải, trưởng đoàn bác sĩ tình nguyện tổng kết. Theo anh có 32 trẻ ở đây bị khiếm thính nhưng không có máy trợ thính. Số tiền 20 triệu đồng mà YBA tài trợ chỉ mua được hơn 10 máy mà thôi!

Trung tâm Bé Thơ chỉ là một mái nhà tôn, tường gạch trên diện tích hơn 600m2, không có cả bảng hiệu, lối đi vào gập ghềnh, qua nhiều con hẻm sâu hun hút. Một nhóm 6 xơ thuộc tu hội “Nữ tỳ Chúa Ky Tô” (Servitium Christi) - đạo Thiên Chúa - thành lập Bé Thơ từ năm 1993, hiện nuôi dạy 126 em từ sơ sinh đến... 30 tuổi (đông nhất là các em dưới 1 tuổi - 15 tuổi), hầu hết là trẻ bị bỏ rơi và khuyết tật như chậm phát triển, câm, điếc, hội chứng Down.

Đảm trách việc chăm sóc và nuôi dạy các em là các xơ và 4 cô giáo do Trung tâm hợp đồng thuê. Theo xơ phụ trách Trung tâm Vũ Thị Vinh, nguồn thu nhập chủ yếu hàng tháng ở đây là từ việc đan lát hàng mây, tre, lá xuất khẩu: thu được 9 - 15 triệu đồng tùy theo tháng; 20 triệu đồng từ tiền lương của 20 em đã trưởng thành đang đi làm bên ngoài và tiền lương dạy học, dạy đàn, làm hoa vải của các xơ; 15 triệu đồng tiền phụ cấp của công ty Sơn Thúy mà giám đốc là một em từng được nuôi dạy ở Trung tâm; 5 - 6 triệu đồng từ tiền may hàng cho các chợ.

Tổng cộng chỉ khoảng 40 - 55 triệu đồng, trong khi đó Bé Thơ cần đến hơn 60 triệu đồng mới đáp ứng được các nhu cầu cơ bản của các em, chưa kể học phí của các em học ở các trường phổ thông bên ngoài. Vì thế, 100% các em bị suy dinh dưỡng là điều không thể tránh khỏi.

Lần đầu tiên được xem đua xe mô hình

Hầu hết các em đều thấp bé so với tuổi, ánh mắt rất buồn nhưng đều lễ phép và rất trật tự, chứng tỏ các em đã được dạy dỗ cẩn thận. Mỗi bé đều đeo một tấm bảng nhỏ trước ngực ghi tên, ngày, tháng năm sinh và “tình trạng”: “Bình thường - mồ côi”, “Câm điếc - mồ côi” hay “Chậm phát triển - mồ côi”.

Đa số các em đều mang họ Vũ - họ của xơ Vinh, người mẹ chung của các em. Điều rất cảm động là các em luôn bảo bọc nhau: Em lớn giúp em nhỏ ăn uống hay nâng đỡ em nhỏ mỗi khi lên, xuống bậc thềm. Trong đám trẻ có một em bị mụn nhọt phải băng bó quanh đầu là Vũ Thị Xuân Mai, sinh năm 2007 luôn được anh Đỗ Hữu Thọ, sinh năm 1995 theo sát chăm sóc (ảnh bên). Thọ 13 tuổi nhưng thấp bé như trẻ lên 8.

Còn Vũ Thị Vân, sinh năm 1990, được mẹ dẫn vào giao cho các xơ từ năm 9 tuổi rồi mất liên lạc luôn từ đó đến giờ. Em chỉ có mong ước là được học làm cô giáo dạy thủ ngữ cho các em bị câm, điếc ở đây. Em bảo rất rành “việc nói chuyện bằng tay” với các em. Em cũng là một thành viên trong đội ca múa của Bé Thơ.

Trong phòng các bé sơ sinh có tất cả 8 bé từ 1 tháng tuổi đến hơn 1 tuổi. Lanh lợi nhất là bé Vũ Nguyễn Nam Trường, 14 tháng tuổi, bị khuyết tật ở chân. Hầu hết các bé đều bị mẹ - là công nhân - bỏ rơi ở nhà trọ khi mới vài ngày tuổi. Các bé khi được xơ Vinh đón nhận từ nhà trọ đều phải vào bệnh viện điều trị một thời gian rồi mới về Trung tâm.

Tội nhất là bé Quang Linh, hai lần “thoát chết”: Một lần bị mẹ “phá bỏ” lúc 5 tháng và một lần vào lúc bé mới 8 tháng. Bị ép “sinh non” thế mà Quang Linh vẫn bình thường, không bị hư võng mạc như những trẻ sinh non khác. Xơ Tươi cũng kể về trường hợp bé Vũ Nguyễn Minh Vương, sinh tháng 4/2008, may mắn hơn các bạn là có mẹ cạnh bên.

Mẹ bé - một nữ công nhân quê miền Tây - đã được các xơ nhận nuôi từ khi còn mang thai bé. Nay hai mẹ con được ở bên nhau, khi mẹ bé khỏe sẽ đi làm lại và khi có điều kiện muốn đón cháu về thì Trung tâm cũng sẵn lòng giúp. Ý nguyện của các xơ là các bé được ra đời và có cơ hội lớn lên thành người, không “mất đi” như ý muốn của các bà mẹ trẻ lỡ lầm.

Đứa trẻ nào cũng muốn đón nhận tình yêu thương, ngay cả những em bé khuyết tật cũng biểu lộ sự phấn khích khi được âu yếm, săn sóc. Một số trẻ em là con, cháu của các doanh nhân đi trong đoàn tỏ ra rất thân thiện. Các em lớn đã đua nhau cùng bế bồng các em bé trong phòng sơ sinh.

Một bé trai 6 tuổi - con của doanh nhân Nguyễn Tuấn Anh đã chuẩn bị sẵn một túi kẹo để chia cho các bạn. Còn Phối Phối 4 tuổi - con của doanh nhân Lầu Nam Tường thì đã kịp kết thân với một chị 8 tuổi. Anh Tường chia sẻ: “Trông con bé 8 tuổi mà chỉ lớn cỡ con gái mình mới 4 tuổi, thật thương quá. Tôi nghĩ những dịp đi như thế này rất có ý nghĩa, giúp con mình hiểu được nó đang có gì trong cuộc sống và trên đời không chỉ có một mục đích là kiếm tiền...”.

Khi ra về, hình ảnh 7 bé trai và 3 bé gái cùng nhảy và hát bài “Đến với em” (do một em khiếm thị ở trung tâm sáng tác, trong đó có những lời như “Chúng em muốn lớn lên trong tình nhân ái và trong tình yêu thương”) để tiễn khách đã khiến các vị khách vô cùng xúc động và ghi nhớ mãi.

Nguyện vọng lớn nhất của xơ Vinh hiện nay là quyên góp đủ tiền để xây dựng lại Trung tâm cho khang trang, cần nhất là có nơi ở riêng cho các em trai - em gái (hiện Trung tâm chỉ có một phòng ngủ chung cho tất cả các em, với các tấm chiếu hầu hết đã rách nát). Kinh phí dự trù để xây dựng một nơi ở mới trên diện tích 600m2 cho hơn 100 em như thế chỉ ở mức khiêm tốn: 900 triệu đồng, bằng một căn hộ chung cư loại bình dân ở ngoại thành TP.HCM!

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Tình yêu thương trong mái ấm nghèo
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO