Tìm giải pháp tăng trưởng bền vững cho doanh nghiệp

LÊ LOAN| 20/09/2016 06:43

70% kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam đến từ các doanh nghiệp FDI và 90% nguyên liệu nhập khẩu từ nước ngoài cho thấy doanh nghiệp Việt Nam ít được hưởng lợi về giá trị gia tăng.

Tìm giải pháp tăng trưởng bền vững cho doanh nghiệp

70% kim ngạch xuất khẩu (XK) của Việt Nam đến từ các doanh nghiệp (DN) FDI và 90% nguyên liệu nhập khẩu từ nước ngoài cho thấy DN Việt Nam ít được hưởng lợi về giá trị gia tăng. 

Đọc E-paper

Chia sẻ tại Diễn đàn Kinh tế Đông Nam bộ với chủ đề "Hội nhập quốc tế - Tận dụng các cơ hội mới cho liên kết và tăng trưởng" diễn ra ngày 16/9 tại TP.HCM, TS. Cao Đức Phát - Ủy viên Ban chấp hành Trung ương Đảng, Phó trưởng ban Thường trực Ban Kinh tế Trung ương cho biết, tính đến thời điểm này, Đông Nam bộ và đồng bằng sông Cửu Long là hai vùng có số vốn đăng ký cao nhất nước (xét về vốn đăng ký của DN mới thành lập phân theo vùng lãnh thổ) với tổng vốn là 25.669 tỷ đồng, tăng 101,1%.

Thống kê kim ngạch xuất khẩu của vùng Đông Nam bộ, ông Đặng Xuân Quang, Phó cục trưởng Cục Đầu tư nước ngoài (Bộ Kế hoạch và Đầu tư) cho hay, đến nay, kim ngạch xuất khẩu của vùng chiếm gần 60% tổng kim ngạch xuất khẩu cả nước.

Doanh nghiệp FDI đã đi tiên phong trong hầu hết các ngành, lĩnh vực ưu thế của vùng. Tính đến tháng 8/2016, các nhà đầu tư nước ngoài đã đầu tư 11.537 dự án với tổng vốn 140,2 tỷ USD. Điều đáng nói là số lượng dự án và vốn đầu tư này chiếm lần lượt là 57,4% và 48,4% vốn FDI của cả nước.

Tăng trưởng thiếu bền vững

Theo Quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội vùng Đông Nam bộ đến năm 2020 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt năm 2014, TP.HCM và các tỉnh lân cận sẽ là vùng kinh tế phát triển năng động, có tốc độ tăng trưởng cao, bền vững và là đầu tàu phát triển kinh tế chung của cả nước.

Những năm qua, các địa phương vùng Đông Nam bộ đã phát triển năng động, đi đầu trong hội nhập, mở rộng giao thương, hợp tác kinh tế có hiệu quả với các nước trong khu vực và thế giới.

Trong 6 tháng đầu năm 2016, vùng kinh tế Đông Nam bộ đã thu hút đầu tư nước ngoài lớn nhất nước. Cụ thể, chỉ riêng 6 tháng đầu năm 2016, đã thu hút đầu tư nước ngoài, chiếm 51,6% số dự án cấp mới, 62,5% lượt dự án tăng vốn và 42,2% tổng vốn đầu tư trong cả nước.

Mặc dù vậy, ông Cao Đức Phát cho rằng, sự phát triển của Đông Nam bộ chưa tương xứng với tiềm năng, lợi thế của vùng. Điển hình là chất lượng tăng trưởng kinh tế chưa cao, thiếu bền vững, chất lượng nguồn nhân lực còn thấp so với yêu cầu phát triển, sự phối hợp giữa các bộ, ngành, địa phương còn nhiều hạn chế; liên kết vùng còn yếu. Dù đã được quy hoạch thành vùng kinh tế trọng điểm nhưng thiếu thể chế đặc thù cũng như thể chế điều phối và liên kết kinh tế.

Nhiều thách thức

Ông Đoàn Duy Khương - Phó chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) cho rằng, DN Việt Nam đang vướng các thách thức liên quan đến nguồn lực để phát triển, sự cạnh tranh giữa các nền kinh tế và DN, sự thay đổi thị trường.

Minh chứng điều vừa nêu, ông Khương viện dẫn, các chương trình hội nhập AEC, RCEP, TPP sẽ mở ra một thị trường với số lượng người tiêu dùng gấp hàng chục lần dân số Việt Nam. Sự phát triển của công nghệ sẽ định hình lại các ngành công nghiệp và khu vực kinh tế. Trong đó, các ngành như tài chính, bán lẻ, thông tin truyền thông, đào tạo sẽ được tái cấu trúc cùng với sự phát triển của công nghệ số.

Sự phát triển của công nghệ sẽ làm thay đổi các ngành nghề truyền thống và phân chia lại công việc giữa con người và máy móc. Việc cạnh tranh cũng chuyển dần từ cạnh tranh sản phẩm sang cạnh tranh ở các phân khúc trong chuỗi giá trị gia tăng của sản phẩm.

"Nhận thức được sự thay đổi và có các giải pháp để nắm bắt cơ hội cũng như vượt qua thách thức sẽ giúp có được nguồn lực mới, nâng cao khả năng cạnh tranh để tiếp tục phát triển kinh tế và hội nhập kinh tế quốc tế hiệu quả”, ông Đoàn Duy Khương khẳng định.

TS. Vũ Thành Tự Anh - Giám đốc Nghiên cứu chương trình giảng dạy kinh tế Fulbright cho rằng, Việt Nam đang đứng trước cơ hội lịch sử chưa từng có. Có rất nhiều cơ hội mở ra nhưng làm thế nào để biến các cơ hội thành hiện thực là vô cùng khó. Đây không chỉ là vấn đề của vùng Đông Nam bộ mà còn của cả nước.

Cũng theo TS. Tự Anh, để có sức mạnh cạnh tranh quốc tế cần có sự liên kết giữa các tỉnh trong vùng. Vấn đề liên kết vùng đã được Việt Nam đặt ra hàng chục năm qua nhưng đến nay vẫn rất hạn chế.

Chia sẻ kỹ hơn về vấn đề này, ông Bùi Văn - Giám đốc Kênh truyền hình FBNC cho rằng, nếu liên kết vùng theo kiểu hành chính thì không hiệu quả. "Nếu xóa bỏ được xu hướng biến địa giới hành chính thành địa giới kinh tế thì sẽ "cởi trói" cho liên kết vùng. Do đó, để liên kết vùng đạt hiệu quả cần có sự tham gia mạnh mẽ của các hiệp hội DN", ông Bùi Văn nói.

Giảp pháp nào?

Dẫn đầu cả nước về thu hút đầu tư nước ngoài, dự kiến giai đoạn 2016 - 2020, tổng vốn đầu tư FDI vào vùng Đông Nam bộ đạt khoảng 60 tỷ USD vốn đăng ký, chiếm khoảng từ 45 - 55% vốn đầu tư nước ngoài của cả nước. Đồng thời, Đông Nam bộ cần giữ vai trò tiên phong trong việc chuyển hướng chiến lược trong việc thu hút đầu tư nước ngoài tập trung vào các dự án có hàm lượng công nghệ cao, thân thiện với môi trường.

Để đạt được các yêu cầu nêu trên, Phó Cục trưởng Cục Đầu tư nước ngoài Đặng Xuân Quang đề nghị các địa phương vùng Đông Nam Bộ tập trung vào các giải pháp liên quan đến việc hoàn thiện quy hoạch chuyên ngành cho không gian phát triển kinh tế - xã hội - đẩy mạnh cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh đồng thời thế hệ mới để tạo điều kiện thu hút đầu tư nước ngoài, tập trung cho các ngành sản xuất công nghệ cao, công nghệ sinh học, dược phẩm..., xây dựng hệ thống đào tạo nhân lực có trình độ chuyên môn đạt tầm khu vực và quốc tế, tăng cường hợp tác liên kết vùng để mở rộng khả năng tiếp cận thị trường.

Thảo luận về vấn đề này, ông Herb Cochran - Giám đốc AmCham tại Việt Nam khẳng định, cơ hội hội nhập quốc tế của Việt Nam là rất lớn, nhưng để xác định được cơ hội này một cách rõ ràng thì cần phải nắm được thể chế cần thiết.

Cùng quan điểm này, bà Almut Rossener - Giám đốc Hiệp hội Doanh nghiệp châu Âu (EuroCham) tại Việt Nam nói thêm, các hiệp định thương mại sẽ tạo cho Việt Nam rất nhiều cơ hội để phát triển. Nhưng để có thể phát triển và thu hút đầu tư, các ngành phải phối hợp, đầu tư theo quy hoạch. Cần có quy hoạch cụ thể, chắc chắn thì doanh nghiệp nước ngoài mới dám đầu tư.

>Bí thư Thành ủy TP.HCM gỡ vướng cho doanh nghiệp FDI

>TP. Hồ Chí Minh - Vẫn là lựa chọn số 1 của doanh nghiệp FDI?

> Khối doanh nghiệp FDI xuất siêu 1,5 tỷ USD trong 11 tháng

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Tìm giải pháp tăng trưởng bền vững cho doanh nghiệp
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO