Nhiều hội ngành nghề kiến nghị về "giãn nhập, thoáng xuất"

DUY KHUÊ| 05/10/2016 06:12

Nhiều ý kiến cho rằng, sự hạn chế trong công tác quản lý, kiểm tra đang tạo lực cản đối với việc cải thiện chỉ số "giao dịch thương mại qua biên giới".

Nhiều hội ngành nghề kiến nghị về

Ngày 3/10, tại Hội thảo Đề xuất sửa đổi, bổ sung một số điều của các luật về quản lý chuyên ngành, nhiều hội ngành nghề đã đề xuất sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tiêu chuẩn và Quy chuẩn kỹ thuật, Luật Chất lượng sản phẩm, hàng hóa, Luật An toàn thực phẩm, Luật Sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả. 

Đọc E-paper

Dù chưa có thống kê cụ thể, song đánh giá sơ bộ công tác quản lý chuyên ngành đối với hàng hóa nhập khẩu thời gian qua cho thấy, hoạt động này gây khó khăn, tốn kém về thời gian, chi phí của doanh nghiệp (DN).

Nhiều ý kiến còn cho rằng, sự hạn chế trong công tác quản lý, kiểm tra đang tạo lực cản đối với việc cải thiện chỉ số "giao dịch thương mại qua biên giới" theo yêu cầu của Nghị Quyết số 19-2016/NQ-CP của Chính phủ về những nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia hai năm 2016 - 2017, định hướng đến năm 2020.

Theo nhận định chung, việc hạn chế trong kiểm tra chuyên ngành, một phần do vướng mắc từ các quy định của các bộ, ngành và trong cả quy định của một số bộ luật.

Phát biểu tại Hội thảo Đề xuất sửa đổi, bổ sung một số điều của các luật về quản lý chuyên ngành do Viện Nghiên cứu Quản lý Kinh tế Trung ương (CIEM) và Dự án Quản trị nhà nước nhằm tăng tưởng toàn diện của Cơ quan Phát triển quốc tế Hoa Kỳ (USAID) thực hiện, ông Đỗ Hà Nam - Chủ tịch Hiệp hội Hồ tiêu Việt Nam (VPA) bức xúc: "Ở Điều 48 Luật An toàn thực phẩm nên ghi rõ phần nào DN được miễn phí, phần nào DN yêu cầu làm thì phải tốn phí, tránh trường hợp nhập nhằng. Vấn đề này chúng tôi đã kiến nghị nhiều lần nhưng đều không được chấp thuận".

Cũng theo ông Nam, trong giai đoạn hội nhập như hiện nay, DN rất cần gia tăng sản xuất, đẩy mạnh xuất khẩu. Thế nhưng những quy định trên gây mất thời gian, chi phí cũng như hạn chế sự cạnh tranh của DN. Vì thế, VPA kiến nghị đối với những hàng hóa là phụ gia, nguyên liệu, bao bì... nhập khẩu để sản xuất phục vụ xuất khẩu thì không cần công bố chuẩn hợp quy, mà chỉ cần hàng hóa đạt tiêu chuẩn của ngành.

>>Hồ tiêu Việt Nam đang chi phối thị trường thế giới

Ông Nguyễn Hải - Tổng thư ký Hiệp hội Mía đường Việt Nam (VSSA) nhìn nhận, đường Việt Nam đang bị cạnh tranh bởi hàng lậu. Đường là mặt hàng thực phẩm thuộc nhóm hàng quản lý có điều kiện, vì vậy Nhà nước phải thay đổi cách quản lý so với hiện nay, tránh trường hợp chủ trương giữa các nghị định, thông tư chồng chéo nhau.

Viện dẫn điều này, ông Hải cho hay, quy chuẩn kỹ thuật của ngành đường trong nước đã được ban hành nhưng lại bê nguyên chuẩn thấp của thế giới về áp dụng đối với đường nội địa (chủ yếu quan tâm đến vấn đề an toàn vệ sinh thực phẩm). Điều này là phi lý bởi chất lượng đường do các DN trong nước sản xuất được đánh giá khá tốt so với chất lượng đường trên thế giới.

Hệ lụy kéo theo là các DN sản xuất thực phẩm nước ngoài dựa vào yếu tố chất lượng từ quy chuẩn kỹ thuật do Việt Nam ban ra để ép mua với mức giá thấp. Do vậy, đại diện VSSA kiến nghị sớm thay đổi lại quy chuẩn đánh giá chất lượng đường Việt Nam. Phía VSSA còn cho rằng, một khi Nhà nước muốn ghi nhận ý kiến, cần phải gửi trước một tháng để DN, hiệp hội nghiên cứu và chuẩn bị kiến nghị.

Phản ánh những khó khăn mà hội viên đang gặp phải, ông Đỗ Phước Tống - Chủ tịch Hội Cơ khí - Điện TP.HCM cho hay, hiện nay, DN nhập khẩu thép về chế tạo phải xin phép và bị kiểm tra chất lượng, trong khi DN đã phải chịu trách nhiệm chất lượng với khách hàng.

Theo ông Tống, trong Luật Sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả, nên bổ sung thêm ý "loại trừ các sản phẩm có hiệu suất năng lượng cao" vì nếu không đưa vào Luật thì khi ban hành nghị định, thông tư sẽ bị vướng.

Cùng với những kiến nghị, đề xuất sửa đổi một số điều trong các luật kể trên, đại diện các hội ngành nghề còn đề nghị Nhà nước nên ban hành quy chế xử lý những cơ quan không tuân thủ quy định, hoặc ban hành các văn bản sai, không phù hợp nhưng không chịu kịp thời sửa chữa.

>>VASEP kiến nghị 11 biện pháp gỡ khó xuất khẩu thủy sản

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Nhiều hội ngành nghề kiến nghị về "giãn nhập, thoáng xuất"
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO