Nhiều doanh nghiệp góp ý cho thủ tục hành chính

Anh Vũ| 11/03/2020 07:00

Ngày 11/3, Hội đồng Nhân dân TP.HCM kết hợp Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam (MTTQVN) TP.HCM tổ chức Hội nghị lắng nghe ý kiến người dân và doanh nghiệp trong thực hiện các thủ tục hành chính tại Sở Tài nguyên và Môi trường nhằm hoàn thiện các thủ tục hành chính trong việc cấp giấy phép sử dụng đất cho người dân và doanh nghiệp.

Nhiều doanh nghiệp góp ý cho thủ tục hành chính

Người dân và doanh nghiệp đến tham dự hội nghị, ảnh: Anh Vũ

Chủ trì hội nghị là Tô Thị Bích Châu - Chủ tịch Ủy ban MTTQVN TP.HCM. Tham dự hội nghị có ông Nguyễn Toàn Thắng - Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường TP.HCM. Về phía doanh nghiệp, có sự tham gia của Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp TP.HCM (HUBA) Chu Tiến Dũng và Phó chủ tịch, Tổng thư ký HUBA Nguyễn Phước Hưng.

Tại hội nghị, Sở Tài nguyên và Môi trường TP.HCM đã lắng nghe 14 ý kiến đóng góp của đại diện các luật sư, hội, doanh nghiệp và các đại biểu. Luật sư Nguyễn Văn Hậu - Phó chủ tịch Hội Luật gia TP.HCM đánh giá quá trình giúp người dân xin cấp chứng nhận quyền sử dụng đất và sở hữu nhà hoặc doanh nghiệp xin giao đất, cho thuê đất… còn nhiều vướng mắc.

Chẳng hạn, vướng mắc lớn nhất chính là khi cấp sổ cho dân, chính quyền tiến hành đo đạc bản đồ, xác định vị trí thửa đất thì phát hiện có tình trạng “cấp trùng chứng nhận quyền sử dụng”. Nguyên nhân là do người dân mua bán đất bằng giấy tay, dẫn đến một thửa đất bán cho rất nhiều người, xảy ra tranh chấp buộc tòa án phải tổ chức rất nhiều phiên xử liên quan đến một thửa đất mà nhiều người cùng sở hữu. Kế đến, liên quan đến thủ tục hành chính, các cán bộ của Sở đo đạc bản đồ để cấp chứng nhận quyền sử dụng đất theo yêu cầu của dân thường “đứng một chỗ dùng tay đo” dẫn đến cấp chứng nhận thì đúng nhưng trên bản đồ thì lại trùng ranh.

Còn luật sư Trương Thị Hòa cho rằng: “Nói đến thủ tục hành chính ở Sở Tài nguyên và Môi trường TP.HCM chính là nói đến việc cấp “giấy đỏ giấy hồng", một cửa mà nhiều khóa, một cổ nhưng nhiều tròng, hết sức khổ cho người dân”. Chẳng hạn, đối với doanh nghiệp, Nhà nước chỉ cần “bắt lỗi” doanh nghiệp làm dự án mà chưa xác định được lộ giới thì… treo mãi việc cấp chủ quyền cho cư dân.

Bà Hòa kiến nghị: “Nên có sự rạch ròi giữa Luật Đất đai, Luật Nhà ở, Luật Xây dựng để người dân đỡ bị hành bởi thủ tục hành chính, phải tới lui nhiều lần”.

Trong khi đó, ông Nguyễn Văn Trí - Tổng giám đốc Công ty Lập Phúc chia sẻ đã gặp nhiều khó khăn trong việc đăng ký sử dụng đất cho nhà máy ở Q.7 và các cán bộ của Sở đã nhiệt tình giúp đỡ cũng như tư vấn, hỗ trợ trong các thủ tục hành chính. Có một đợt, khi làm xong các thủ tục giấy tờ tại văn phòng của Sở đến 17g00 thì hết giờ làm việc, nhân viên hành chính đã ra về và tôi may mắn gặp được anh Trưởng phòng hành chính chịu khó khởi động máy tính trở lại, đăng nhập hệ thống và hoàn tất thủ tục sau giờ làm việc.

Liên quan đến việc cấp quyền sử dụng đất mở rộng cho các nhà máy có các doanh nghiệp lớn như công ty Vissan, công ty sản xuất hàng tiêu dùng Bình Tân (Bita's) cũng đang bị vướng mắc các thủ tục hành chính suốt hàng chục năm qua vẫn chưa xử lý được.

langnghe-02-5537-1583914806.jpg

Ông Nguyễn Toàn Thắng - Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường, trả lời các ý kiến của người dân và doanh nghiệp, ảnh: Anh Vũ 

Liên quan đến việc này, ông Nguyễn Toàn Thắng - Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường cho biết, từ tháng 6/2015 đến nay, ngành đã cấp xấp xỉ 2,6 triệu chứng nhận cho người dân, doanh nghiệp; trung bình 50-60.000 chứng nhận/tháng.Trường hợp của các doanh nghiệp nêu trên còn nằm trong phạm vi chưa giải quyết hết, nguyên nhân là việc tính toán giá trị đất còn chậm do phần liên quan từ hàng chục năm trước. Sở sẽ cố gắng khắc phục trong thời gian tới.

Kết luận hội nghị, bà Tô Thị Bích Châu, Chủ tịch Ủy ban MTTQVN TP.HCM nhận xét: “Không thể phủ nhận thời gian qua, Phòng Tài nguyên và Môi trường có rất nhiều cải tiến, lắng nghe ý kiến của người dân và doanh nghiệp để cải cách thủ tục hành chính, nâng tỷ lệ diện tích đất cũng như hộ gia đình được cấp chủ quyền. Tuy nhiên, số chưa được giải quyết cũng rất lớn”.

Theo bà Châu, không phải người dân bức xúc về trình độ năng lực của cán bộ, sự vô cảm của cán bộ với người dân cũng như là độ vênh của pháp luật với những nhận thức cũng không đồng đều.

Do vậy, người dân có thể đến sở Tài Nguyên và Môi trường thì rất vui vẻ nhưng đến sở Xây dựng thì lại khó khăn, đó cũng là những ý kiến hết sức thiết thực diễn ra trong đời sống hàng ngày của người dân và doanh nghiệp.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Nhiều doanh nghiệp góp ý cho thủ tục hành chính
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO