Nghiêm túc và tập trung

PHÚC AN| 17/12/2011 08:13

Ban giam khảo của buổi thi sáng thứ Bảy 17/12 đã phải làm việc rất căng thẳng khi phải đánh giá đến 7 dự án thuộc hai lĩnh vực dịch vụ và công nghệ thông tin.

Nghiêm túc và tập trung

Ban giám khảo (BGK) của buổi thi sáng thứ Bảy 17/12 đã phải làm việc rất căng thẳng khi phải đánh giá đến 7 dự án thuộc hai lĩnh vực dịch vụ và công nghệ thông tin.

>> Khởi đầu hào hứng
>> Nhiều đề án nổi bật

Thí sinh Nguyễn Hoài Bảo – sinh viên ĐH Bách Khoa với dự án “Cung cấp hệ thống thông tin về xe bus qua điện thoại di động” đã gây được ấn tượng tốt với giám khảo - ảnh Q.T

Mở đầu buổi thi sáng 17/12, thí sinh Nguyễn Hoài Bảo – sinh viên ĐH Bách Khoa với dự án “Cung cấp hệ thống thông tin về xe bus qua điện thoại di động” đã gây được ấn tượng tốt với giám khảo.

Giám khảo Nhan Húc Quân nhận xét: “Dự án có cái nhìn tích cực, mang tính xã hội cao, vốn cho cơ sở vật chất ban đầu thấp do tập trung khai thác chất xám là chủ yếu do đó tôi thấy dự áncó tính khả thi tương đối cao”.

Các vị giám khảo chấm thi buổi sáng 17/12 bao gồm bà Nhan Húc Quân –TGĐ Công ty Bao bì giấy nhôm New Toyo, ông Trần Anh Tuấn và ông Nguyễn Kiên Trì - Công ty The Pathfinder.

Thí sinh thứ hai dự thi trong buổi sáng hôm nay là Đinh Thị Thái Hà – sinh viên ĐH Ngoại Thương tham gia cuộc thi với dự án “Trung tâm Anh ngữ Success tại thị xã Gia Nghĩa – Đắk Nông”. Thái Hà đã có phần trình bày dự án lưu loát, tự tin và rõ ràng. Tuy nhiên phần kế hoạch tài chính chưa sát với thực tế, ý tưởng cũng chưa có sự đột phá.

Giám khảo Anh Tuấn đánh giá dự án “Công cụ thanh toán tin nhắn qua tin nhắn SMS” của Nguyễn Ngọc Thắng – sinh viên ĐH Ngân hàng TP.HCM: ”Điểm yếcủa dự án là chưa xác định được đúng đối tượng khách hàng mục tiêu, thứ hai là chưa nắm thói quen thanh toán bằng sms của người tiêu dùng Việt Nam”.

Cạnh tranh cũng là vấn đề mà nhiều giám khảo đặt ra cho thí sinh. Trong bối cảnh cạnh tranh khốc liệt trên thị trường, nếu không có sự khác biệt thì doanh nghiệp rất khó tồn tại. Nhiều đề án chưa xác định được sự khác biệt nhưng lại có đề án đưa ra quá nhiều nét độc đáo. Giám khảo Kiên Trì khuyên: “Các em chỉ nên tập trung phát triển một điểm mạnh đặc trưng cho đề án”.

Thí sinh Bùi Tứ Quý - sinh viên ĐH Ngoại Thương đang thuyết trình dự án “Dịch vụ hỗ trợ thiết kế slideshow và kỹ năng thuyết trình” - ảnh Q.T

Điều đáng tiếc trong buổi thi sáng nay là nhiều thí sinh chưa nắm được cốt lõi tư tưởng làm giàu của danh nhân Lương Văn Can là trung thực và hiếu nghĩa cũng như chưa “nhìn thấy”, chưa áp dụng được tư tưởng này vào dự án của mình. Hầu hết các thí sinh không trả lời được trọn vẹn câu hỏi của BGK về tính trung thực – tinh thần hiểu nghĩa thể hiện cụ thể như thế nào trong quá trình kinh doanh của mình. Có thí sinh thừa nhận, chỉ tìm hiểu về Lương Văn Can do yêu cầu cuộc thi và thật sự cũng không hiểu rõ những tư tưởng của danh nhân này.

Chia sẻ với thí sinh Phan Vũ Hùng - sinh viên ĐH Ngoại Thương với “Công ty dịch vụ điện toán đám mây không gian”, giám khảo Anh Tuấn thẳng thắn: ”Bản thân tôi đang điều hành doanh nghiệp về CNTT và cũng từng thực hiện dự án về công nghệ điện toán đám mây nhưng không thành công. An ninh bảo mật là vấn đề quan trọng mà các doanh nghiệp Việt Nam rất quan tâm nhưng chúng ta chưa thuyết phục được khách hàng tin cậy sản phẩm”.

Đây cũng là một trong những tiêu chí được quan tâm nhất của các dự án chuyên ngành công nghệ thông tin cần quan tâm nhưng hầu hết các dự án chưa giải quyết được rốt ráo vấn đề này.

Giám khảo Nhan Húc Quân góp ý với dự án “Dịch vụ văn phòng di động tại sân bay” của sinh viên Nguyễn Hiếu Lễ: “Em không nên trông mong vào vốn vay. Dù ít dù nhiều cũng phải chuẩn bị một số vốn ban đầu nếu không em sẽ tạo cho mình một áp lực rất lớn trong kinh doanh”. Kinh doanh trong hàng không và vận tải biển đòi hỏi phải có mối quan hệ vững chắc nên các giám khảo đều lo ngại về tính khả thi trong dự án của Hiếu Lễ.

Giám khảo Anh Tuấn nhắc nhở các thí sinh hai vấn đề: “Định giá cạnh tranh không thuần túy là so sánh giá mà là lợi ích giữa dịch vụ và sản phẩm cuối cùng mà người tiêu dùng được nhận. Thứ hai và vấn đề số liệu. Khi đưa ra số liệu để chứng minh tính khả thi và làm cơ sở tính toán, phân tích tài tính thì phải kèm theo nguồn số liệu rõ ràng”.

BGK gồm bà Nhan Húc Quân (giữa) –TGĐ Công ty Bao bì giấy nhôm New Toyo, ông Trần Anh Tuấn (phải) và ông Nguyễn Kiên Trì (trái) - Công ty The Pathfinder cùng các thí sinh dự thi sáng 17/12 - ảnh Q.T

Mai Phương Mỹ - sinh viên ĐH Ngoại Thương với đề án “Ứng dụng mô hình ô tô taxi trong các gói dịch vụ của Tiện lợi Mô tô” cũng nhận được đánh giá tốt của BGK về mặt ý tưởng. Từ thực trạng hoạt động xe ôm còn nhiều bất cập tại TP.HCM , Mỹ đã xây dựng đề án với mong muốn đưa hoạt động này vào quy củ và phục vụ tốt nhất nhu cầu đi lại của người dân thành phố.

Thí sinh dự thi cuối cùng - Bùi Tứ Quý - sinh viên ĐH Ngoại Thương kéo lại sự chú ý cho khán phòng với “Dịch vụ hỗ trợ thiết kế slideshow và kỹ năng thuyết trình”. Với phần trình bày Giám khảo Anh Tuấn gợi ý thí sinh Tứ Quý nên thông minh lựa chọn cách tồn tại bằng cách hợp tác với những doanh nghiệp lớn hơn. Khi đó, Quý có thể tập trung phát triển thế mạnh thiết kế của mình và để những người có kinh nghiệm hỗ trợ về kinh doanh.

Tuy nhiên, nhìn chung hầu hết phần tiếp thị của các dự án trong buổi thi sáng nay chưa thỏa mãn được yêu cầu của BGK. Chi phí marketing thực tế rất lớn trong khi theo dự toán của thí sinh vẫn còn rất khiêm tốn và rất tiết kiệm. Các bạn sinh viên vẫn còn nhìn bức tranh thị trường qua lăng kính màu hồng. Các thí sinh có khả năng lập đề án tốt, bài bản nhưng cuộc thi đánh giá cao tính khả thi nên kết quả chỉ có 3/7 thí sinh đạt Giải thưởng Tài năng Lương Văn Can:

1. Nguyễn Hoài Bảo – sinh viên ĐH Bách Khoa - Dự án “Cung cấp hệ thống thông tin về xe bus qua điện thoại di động”
2. Bùi Tứ Quý – sinh viên ĐH Ngoại Thương - Dự án “Dịch vụ hỗ trợ thiết kế slideshow và kỹ năng thuyết trình”
3. Mai Phương Mỹ - sinh viên ĐH Ngoại Thương - Dự án “Ứng dụng mô hình ô tô taxi trong các gói dịch vụ của Tiện lợi Mô tô”

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Nghiêm túc và tập trung
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO