Một lòng vì Hội

MAI PHƯƠNG| 17/04/2014 04:50

Hình ảnh về Hội Doanh nhân Trẻ TP.HCM (YBA) năng động, nhiệt huyết pha lẫn những thăng trầm trong suốt 7 nhiệm kỳ (nhiệm kỳ I - VII) đã lần lượt được tái hiện qua những chia sẻ của ba vị cựu "thuyền trưởng" trước thềm kỷ niệm 20 năm ngày thành lập Hội.

Một lòng vì Hội

Hình ảnh về Hội Doanh nhân Trẻ TP.HCM (YBA) năng động, nhiệt huyết pha lẫn những thăng trầm trong suốt 7 nhiệm kỳ (nhiệm kỳ I - VII) đã lần lượt được tái hiện qua những chia sẻ của ba vị cựu "thuyền trưởng" trước thềm kỷ niệm 20 năm ngày thành lập Hội.

Đọc E-paper

Trải qua gần 20 năm hoạt động, các vị cựu "thuyền trưởng" của YBA lần đầu tiên có dịp hội ngộ, chia sẻ những cảm xúc, suy nghĩ mà họ có được từ khi gia nhập và bước lên vị trí lãnh đạo Hội. Chia sẻ về quá trình gắn kết, điều hành YBA trong buổi tọa đàm "YBA-HCM 20 năm: Kiến tạo thành công - Tiên phong trách nhiệm", do YBA tổ chức ngày 11/4, ông Võ Quốc Thắng, nguyên Chủ tịch nhiệm kỳ V-VI bộc bạch: "Tôi cảm ơn những người sáng lập đã tạo nền móng tốt cho đội ngũ kế thừa ngày càng phát triển. Nhờ gia nhập Hội, tôi có được nhiều bạn bè và trải nghiệm".

Trong khi đó, ông Trần Phương Bình, nguyên Chủ tịch YBA nhiệm kỳ I-IV, cho rằng, điều làm ông thấy tự hào chính là sự lớn mạnh từng ngày của YBA, từ vài chục hội viên ban đầu nay đã xấp xỉ 1.000 hội viên qua gần 20 năm hoạt động. Những cá nhân, thành viên Hội, điển hình là ông Võ Quốc Thắng, được bầu làm Chủ tịch Hội Doanh nhân Trẻ Việt Nam. "Tôi thấy tự hào cho doanh nhân trẻ TP.HCM vì điều đó”, ông Bình phát biểu.

Còn theo ông Cao Tiến Vị, nguyên Chủ tịch YBA nhiệm kỳ VII, do là một trong những người bắt đầu từ vị trí hội viên, trở thành thành viên trong Ban Chấp hành Hội, rồi được đề cử lên vị trí Chủ tịch Hội, nên những thăng trầm của Hội đều nhớ rất rõ. "In dấu đậm nhất là lúc tôi được anh Thắng đề cử làm Chủ tịch YBA.

Tôi cảm thấy bị áp lực và có chút tự ái vì phải thông qua ý kiến của tập thể Ban Chấp hành và phải cam kết cho phần kế nhiệm đó. Nhưng sau đó tôi lại thấy quý cách làm việc này của anh Thắng vì đã tạo cho anh em hội viên sự thống nhất trong cam kết, đồng hành cho một nhiệm kỳ mới.

Đến nay, điều này được xem là truyền thống cho giai đoạn chuyển giao. Người kế nhiệm của tôi là anh Nguyễn Phương Nam, Chủ tịch HĐQT Công ty CP Đầu tư ROBOT, cũng đang làm rất tốt vai trò của mình", ông Vị nói.

Một câu hỏi đã được nêu ra với các vị cựu Chủ tịch YBA là nếu so với áp lực từ việc điều hành doanh nghiệp, thì việc kiêm nhiệm điều hành hoạt động Hội có áp lực hơn không? Ông Võ Quốc Thắng thừa nhận có nhưng cũng nên có cái nhìn lạc quan về hoạt động hội.

Vì khi tham gia vào một tổ chức tự nguyện như hội sẽ có rất nhiều chuyện phát sinh, nên người lãnh đạo phải làm sao để dung hòa giữa ý kiến tập thể và ý kiến của từng cá nhân. "Đã làm lãnh đạo phải chấp nhận hy sinh, tham gia Hội nhiều khi họp tới tui, sau cuộc họp, vẫn còn người buồn, người vui. Tuy nhiên, bỏ qua những trục trặc thì hầu hết khi có bất kỳ việc gì, anh em trong Hội cũng chung tay giải quyết", ông Thắng chia sẻ.

Còn theo ông Vị, điều hành hội còn khó hơn điều hành doanh nghiệp vì Hội toàn "ông chủ”, đã không được trả lương mà còn phải đóng góp, hy sinh. "Tôi cũng tham gia nhiều hội và có một câu hỏi trăn trở mãi là vào Hội được cái gì? Câu này rất khó trả lời vì hội viên đóng phí thì đòi hỏi quyền lợi cũng là điều đương nhiên", ông Vị bộc bạch.

Về vấn đề này, người "anh cả” Trần Phương Bình chia sẻ, trước đây việc điều hành Hội dựa vào sự hợp sức của Ban Chấp hành. Hội không có tiền để thuê cả bộ máy văn phòng, mà chỉ có một cô thư ký, nên khi có việc, các thành viên mỗi người một tay chia nhau làm. "Quan điểm của chúng tôi khi gia nhập Hội là gặp nhau, trong vai trò là Chủ tịch Hội tôi càng phải cười và lắng nghe chia sẻ từ anh em, chứ không thể ngồi than vãn và kể khổ, kể khó với anh em được. Lợi ích cuối cùng của tập thể doanh nghiệp mới là điều quan trọng nhất", ông Bình nói.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Một lòng vì Hội
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO