Khó chồng khó, nhiều hiệp hội kiến nghị được tháo gỡ

Huyền - Minh| 11/06/2021 09:00

Covid-19 bùng phát lần thứ tư khiến nhiều doanh nghiệp (DN) lại khó  khăn. Một lần nữa, các hiệp hội và hội lại đồng loạt gửi văn bản lên Thủ tướng Phạm Minh Chính, kiến nghị hỗ trợ các DN vượt qua khó khăn trước đại dịch.

Taxi kêu khó

Theo Hiệp hội Taxi ba miền (Hà Nội, Đà Nẵng và TP.HCM), dịch Covid-19 bùng phát lần thứ tư ở nhiều tỉnh, thành trên cả nước đã làm cho hoạt động kinh doanh của các DN vận tải taxi lâm vào tình trạng vô cùng khó khăn.

Lượng hành khách giảm 80-90%, dẫn đến doanh thu sụt giảm nghiêm trọng, đời sống người lao động lao đao, không có thu nhập. Hàng loạt DN taxi đứng trước nguy cơ phá sản, nợ xấu có nguy cơ tăng cao trong hệ thống ngân hàng.

Ông Tạ Long Hỷ - Tổng giám đốc Công ty VinaSun, Chủ tịch Hiệp hội Taxi TP.HCM, Phó chủ tịch Hiệp hội Vận tải Ô tô Việt Nam cho hay, dù DN vận tải taxi tại TP.HCM khá hơn các nơi khác nhưng cũng khó cầm cự. Lượng hành khách tại đây chỉ giảm khoảng phân nửa nhưng tài xế cũng sợ đánh xe đón khách mỗi ngày. Khi dịch bệnh tăng cao thì người dân ngại ra đường nên hầu như cả ngày chỉ có vài khách. Chi phí tiền xăng cao trong khi cả ngày họ chỉ chạy được khoảng 100.000-200.000 đồng. Có ngày còn không đón được khách thì lỗ tiền xăng. “Cứ đà này thì anh em taxi thất nghiệp hết, còn DN cũng phải đóng cửa vì không cầm cự được”.

Hinh-1-7636-1623316217.jpg

Vì vậy, Hiệp hội Taxi ba miền kiến nghị Thủ tướng sớm có chính sách giảm thuế giá trị gia tăng về 0% trong thời gian 6 tháng cho các DN kinh doanh vận tải. Giảm 50% lệ phí trước bạ cho các xe ô tô đăng ký mới để kinh doanh vận tải.

Về thuế, kiến nghị giảm thuế giá trị gia tăng về 0% trong thời gian 6 tháng cho các DN kinh doanh vận tải. Về lệ phí, đề nghị giảm 50 % lệ phí trước bạ cho các xe ô tô đăng ký mới để kinh doanh vận tải.

Về vốn, Chính phủ chỉ đạo hệ thống ngân hàng áp dụng các giải pháp hỗ trợ vốn cho DN. Cụ thể, ngân hàng nên giảm từ 3-5% lãi suất cho vay, cơ cấu lại thời hạn trả nợ và giữ nguyên nhóm nợ. Ngoài ra, DN cũng cần được ngân hàng cho vay mới để bổ sung vốn lưu động và khôi phục hoạt động sản xuất kinh doanh.

Các DN cũ mong muốn được ngừng đóng bảo hiểm xã hội đến hết năm 2021. Đối với các DN vận tải còn nợ đọng bảo hiểm xã hội, đề nghị Chính phủ cho giãn nộp hồ sơ nợ đến ngày 31/12/2021 mà không tính lãi chậm nộp, được miễn nộp phí bảo trì đường bộ đến hết tháng 12/2021, tăng thời hạn kiểm định cho xe ô tô kinh doanh vận tải cho chu kỳ đầu là 24 tháng, còn ba chu kỳ tiếp theo là 12 tháng.

Tháo khó bằng chính sách 

Hiệp hội Doanh nghiệp Hàn Quốc tại Việt Nam cho biết, DN Hàn Quốc mong chờ các chính sách hỗ trợ của Chính phủ Việt Nam, giúp DN sống sót, trụ vững và từ đó có thể phục hồi. 

Trưởng Ban Pháp chế Phòng Thương Mại và Công Nghiệp Việt Nam (VCCI) Đậu Anh Tuấn cũng cho biết: “Do chịu nhiều ảnh hưởng tiêu cực của đại dịch Covid-19, một số DN đề nghị Nhà nước tính toán giảm thuế hoặc thậm chí miễn thuế thu nhập DN và duy trì chính sách này thêm trong ít nhất một năm nữa, đề xuất cần miễn giảm cả thuế môn bài, thuế khoán cho những hộ kinh doanh”.

Trước đó, Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu Thủy sản Việt Nam (VASEP) đã đề nghị Chính phủ có ý kiến với HĐND và UBND TP.HCM để xem xét không thu các loại phí đã nêu trong giai đoạn nền kinh tế đang gặp khó khăn do dịch bệnh Covid-19, ít nhất là cho đến hết ngày 31/12/2021. Đồng thời, điều chỉnh các mức thu nói trên giảm xuống theo hướng không xem đây là nguồn đóng góp ngân sách chính cho TP.HCM.

Theo VASEP, hiện nay hơn 70% lượng hàng thủy sản xuất nhập khẩu đang tập trung tại các cảng biển của TP.HCM. Nhưng mức thu phí sử dụng công trình kết cấu hạ tầng, công trình dịch vụ tiện ích công cộng trong khu vực cửa khẩu, cảng biển đang khiến DN bị khó chồng khó. 

Hiện tại, các cảng biển đang thu rất nhiều loại phí liên quan đến hạ tầng của cảng rồi như phí cầu tàu, phí lưu container, lưu bãi, phí cắm điện, nâng hạ container... Các phí mới này sẽ làm gia tăng thêm gánh nặng chi phí của DN, giảm năng lực cạnh tranh của DN trong bối cảnh DN hiện gặp rất nhiều khó khăn do Covid-19.

Hầu hết DN thủy sản nói riêng, các DN ngành hàng xuất khẩu nói chung đều có nhu cầu nhập khẩu nguyên liệu để chế biến, gia công hàng và tái xuất thành phẩm. Như vậy, DN sẽ phải chịu hai lần phí: một lần cho container hàng nhập khẩu và một lần cho container hàng xuất khẩu.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Khó chồng khó, nhiều hiệp hội kiến nghị được tháo gỡ
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO