Khả năng liên kết quyết định vai trò hội

PHAN LÊ| 25/04/2013 08:31

Hội nghề nghiệp có thực sự hỗ trợ doanh nghiệp (DN) hay không phụ thuộc vào khả năng liên kết của các đơn vị, không chỉ theo ngành dọc (thủy sản, dệt may, da giày, điều, tiêu, cà phê...), ngành ngang (địa phương, quận, huyện...), mà còn phải liên kết được với các sở, ngành cùng với sự hỗ trợ từ Chính phủ.

Khả năng liên kết quyết định vai trò hội

Hội nghề nghiệp có thực sự hỗ trợ doanh nghiệp (DN) hay không phụ thuộc vào khả năng liên kết của các đơn vị, không chỉ theo ngành dọc (thủy sản, dệt may, da giày, điều, tiêu, cà phê...), ngành ngang (địa phương, quận, huyện...), mà còn phải liên kết được với các sở, ngành cùng với sự hỗ trợ từ Chính phủ.

Đọc E-paper

Chế biến cá basa tại Công ty Thủy sản Sông Hậu

Hội đã làm được gì?

Hơn 20 đại diện các hội nghề nghiệp đã đưa ra ý kiến tại tọa đàm "Năng lực cạnh tranh của DN và vai trò hội nghề nghiệp trong hỗ trợ DN sau hơn 5 năm Việt Nam gia nhập WTO" do Viện Nghiên cứu Phát triển TP.HCM tổ chức tại TP.HCM tuần qua.

Phát biểu tại tọa đàm, ông Nguyễn Phước Hưng, Tổng thư ký Hiệp hội Doanh nghiệp TP.HCM (HUBA), đã nêu hai vấn đề chính HUBA đang quan tâm:

Thứ nhất, cập nhật, phổ biến những lợi ích của Hiệp định Thương mại xuyên Thái Bình Dương (TPP) đến các DN Việt Nam, khuyến khích họ tham gia cũng như tạo điều kiện để họ có thể gia nhập hiệp định này.

Thứ hai, tìm hiểu thông tin về các vụ kiện chống bán phá giá, góp ý với chính quyền về các rào cản kỹ thuật, những vấn đề đang gây khó cho DN trong nước khi cạnh tranh trực diện với DN nước ngoài, điển hình như DN thuộc các ngành cơ khí, cao su, nhựa...

Song, theo ông Hưng, vấn đề trên chỉ có những hội Trung ương mới giải quyết được, các hội nghề nghiệp địa phương rất khó can thiệp vì không nắm bắt được tình hình thị trường thừa hay thiếu để có thể góp ý về quy mô của ngành.

Vì thế, điều phối quy mô, giá cả, chất lượng... là việc mà hội nghề nghiệp muốn hướng tới trong tương lai. Nhưng hiện nay, nguồn lực của hội còn yếu nên không thể gánh vác vai trò quá lớn.

Thế nên HUBA kiến nghị UBND TP.HCM tạo điều kiện về cơ chế, chính sách, kinh phí... nhằm hỗ trợ các hội phát triển, giúp DN nâng cao năng lực cạnh tranh.

Theo bà Nguyễn Thị Thiêm, Chủ tịch Hội DN Quận 9, hội muốn làm tốt vai trò của mình cũng phải có sự hợp lực, gắn kết của các DN. Lúc nào DN cũng than khó, nhưng khi hội tổ chức cho DN gặp gỡ chính quyền địa phương thì lại không đến dự, không chịu đồng hành để hợp sức nhận sự hỗ trợ.

Bà Vũ Kim Hạnh, Chủ nhiệm Câu lạc bộ Hàng Việt Nam Chất lượng cao, với hơn 17 năm hoạt động hội, cho rằng: "Vấn đề cơ bản vừa là thách thức, vừa là cơ hội cho hội là những đơn vị này phải làm sao để DN "chịu nuôi" mình.

Hội phải sống được bằng hội phí do DN hội viên đóng góp chứ không phải chờ Nhà nước bao cấp. Nếu hội không làm được việc, có muốn kêu gọi Nhà nước hỗ trợ cũng rất khó, vì Nhà nước chỉ có thể hỗ trợ giai đoạn đầu".

Bên cạnh đó, các hoạt động của hội như tổ chức huấn luyện, cung cấp thông tin... mà thiếu chuyên nghiệp thì cũng khó giữ chân DN gắn bó với hội. Một trong các chức năng của hội là kết nối DN nhưng hội chưa làm tốt công việc này.

Cần tiếng nói chung

Bà Nguyễn Thanh Hà, Chủ nhiệm Câu lạc bộ Doanh nhân Chợ Đầu mối nông sản thực phẩm Thủ Đức, chia sẻ quan điểm cá nhân: "Trong mối quan hệ giữa hội với các DN, tôi nhận thấy tiếng nói của hội chưa thực sự mạnh, cần xem lại mối liên kết này để những kiến nghị của DN với chính quyền được quan tâm hơn và thực sự có tác dụng".

Bà Hà cũng kiến nghị cần phải có luật về hội, nếu không mọi thứ chỉ dừng trong khuôn khổ vận động, phối hợp tạo tiếng nói của hội, chứ sự quan tâm của Chính phủ thì vẫn trong giới hạn.

TS. Trần Du Lịch, Phó Đoàn Đại biểu Quốc hội TP.HCM, nhấn mạnh lý do chính khiến hội nghề nghiệp chưa phát huy vai trò của mình: "Nhà nước đã giành làm hết việc của hội nghề nghiệp, chẳng hạn vấn đề y đức là chuyện của Hiệp hội Y tế Việt Nam chứ không phải của Bộ Y tế; đạo đức luật sư là chuyện của luật sư đoàn chứ không phải của Bộ Tư pháp... Nhưng cái khó ở đây là chúng ta chưa thể xóa bỏ tư duy để Nhà nước bao cấp, nên làm sao hội có đất dụng võ. Song, nếu chuyển giao lại cho hội thì phải có sự thay đổi, tránh những mâu thuẫn nội bộ khi được giao quyền".

Thực tế cũng có không ít hội nghề nghiệp than phiền "sự tác động từ hội đến chính quyền còn yếu". Tuy nhiên, theo TS. Trần Du Lịch, trong khi DN đang trông chờ vào vai trò của các hội nghề nghiệp thì những đơn vị này cũng cần có sự thay đổi, phải cập nhật thông tin chính xác, phản ánh kịp thời những khó khăn, thuận lợi của DN trong từng thời kỳ, thời điểm lên các cơ quan quản lý, bên cạnh đó, các DN cũng phải đồng thuận hợp tác, liên kết với nhau.

Theo những chia sẻ từ ông Trương Đình Hòe, Tổng thư ký Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu Thủy sản Việt Nam (Vasep), sau hơn 5 năm Việt Nam gia nhập WTO, các DN trong ngành đã có những bài học, kinh nghiệm để "chạy đường dài" với các vụ kiện chống bán phá giá, nâng kim ngạch xuất khẩu từ 3,75 tỷ USD (năm 2007) lên 6,2 tỷ USD (năm 2012), đưa Việt Nam đứng nhất thế giới về xuất khẩu cá tra.

Tất cả đều xuất phát từ yếu tố liên kết, chia sẻ giữa DN và hội, sự hỗ trợ thông tin từ Chính phủ, và điều này đã giúp DN tránh được nhiều "cú ngã” trên thị trường quốc tế.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Khả năng liên kết quyết định vai trò hội
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO