Cộng đồng doanh nghiệp băn khoăn với Nghị quyết 35

LÊ LOAN| 30/08/2016 05:30

Theo các hội, câu lạc bộ doanh nghiệp, ngành nghề, song hành cùng việc triển khai Nghị quyết 35 cần phải có chế tài để theo dõi tiến độ thực hiện.

Cộng đồng doanh nghiệp băn khoăn với Nghị quyết 35

Nghị quyết 35/NQ-CP của Chính phủ Về hỗ trợ và phát triển doanh nghiệp (DN) đến năm 2020 (Nghị quyết 35) được ghi nhận là sự đổi mới cụ thể, rõ nét sự quan tâm của Nhà nước đối với DN trong giai đoạn hiện nay. Theo đó, các hội, câu lạc bộ DN, ngành nghề (gọi tắt là hội) cho rằng, song hành cùng việc triển khai Nghị quyết cần phải có chế tài để theo dõi tiến độ thực hiện. 

Đọc E-paper

Nửa triệu doanh nghiệp: Có khả thi?

Đầu tháng 8/2016, UBND TP.HCM ban hành Quyết định số 3907/QĐ-UBND Về kế hoạch triển khai Nghị quyết số 35/NQ-CP ngày 16/5/2016 của Chính phủ trong hỗ trợ phát triển DN đến năm 2020. Hiệp hội Doanh nghiệp TP.HCM (HUBA) được giao nhiệm vụ làm đầu mối ghi nhận, thống kê ý kiến kiến nghị của các DN lớn, DN đầu ngành, những khó khăn mà DN đang vướng để chuyển đến UBND TP.HCM và các ban ngành có liên quan xem xét giải quyết.

Thực thi nhiệm vụ này, tuần qua, HUBA đã họp cùng các hội là thành viên về việc triển khai Nghị quyết 35 và Cuộc bình chọn danh hiệu "Doanh nhân, Doanh nghiệp Thành phố Hồ Chí Minh tiêu biểu năm 2016" tại Trung tâm Hội nghị Đông Hồ Eden, quận 1.

Chia sẻ ý kiến về việc nâng tổng số DN trên địa bàn TP.HCM lên nửa triệu vào năm 2020, theo ông Lương Công Huỳnh - đại diện Hội Dây và Cáp điện TP.HCM, trước hết nên quan tâm đến chất lượng của DN cũng như hiệu quả sản xuất, kinh doanh của họ, chứ không phải ở số lượng nhiều hay ít.

Trước đây, Việt Nam hầu như chỉ có DN nhà nước, nhưng rồi mở cửa kinh tế, các loại hình DN khác ra đời, hiệu quả kinh doanh đã được cải thiện rõ nét. Theo đó là giá trị DN cũng được nhìn nhận theo hướng tích cực.

"Một khi Chính phủ đã đưa ra nghị quyết nâng tổng số DN lên 1 triệu, trong đó TP.HCM đặt chỉ tiêu là 500.000 thì trước tiên phải có kế hoạch, chính sách giúp DN củng cố chất lượng, tránh việc chỉ nghiêng về số lượng mà bỏ qua yếu tố chất lượng" - ông Huỳnh nói.

Ông Huỳnh Văn Hạnh - Phó chủ tịch Hội Mỹ nghệ và Chế biến gỗ TP.HCM (HAWA) nói thêm, trước hết, Lãnh đạo Thành phố cần phải đánh giá cụ thể đối với khối DN nhỏ, DN vừa và DN đầu ngành thì kế hoạch phát triển nửa triệu DN đến năm 2020 mới có thể thực hiện, không thì sẽ là phiêu lưu.

Ông Hạnh gợi ý, muốn có số lượng DN như kế hoạch, các cơ quan quản lý cần sớm minh bạch các giao dịch về thủ tục, giấy tờ hành chính qua kênh điện tử. Điều này sẽ hạn chế sự nhũng nhiễu, tiêu cực trong quá trình xin phép thủ tục hành chính mà DN từng gặp phải trong thời gian qua.

Không ngần ngại chia sẻ những khó khăn, đại diện Hội Doanh nghiệp quận 12 cho biết, quận 12 đang có 5.800 DN nhỏ và vừa và 9.000 hộ kinh doanh cá thể. "Theo định hướng từ UBND TP.HCM, hộ kinh doanh là một trong những đầu nguồn để phát triển lên DN. Song qua quá trình thăm dò ý kiến, đối tượng này cho hay khi nâng cấp từ hộ kinh doanh lên DN, họ tốn thêm nhiều chi phí để thuê báo cáo thuế, phải thực hiện các thủ tục hóa đơn, chứng từ khá phức tạp. Với tình hình hiện nay, các hộ kinh doanh trước mắt cần liên kết, hợp lực để tạo nên sức mạnh trong sản xuất, kinh doanh hơn là phải "tiến lên DN"", vị này cho hay.

Quan ngại về số lượng DN mà Thành phố định hướng phát triển, đại diện Hội Doanh nghiệp quận 9 cho hay, tình trạng của DN trên địa bàn cũng tương tự quận 12. Cụ thể, có rất nhiều DN nhỏ và siêu nhỏ và tỷ lệ "DN ma" đang chiếm khoảng 50%. Định hướng hỗ trợ phát triển DN là tốt nhưng Thành phố cần quan tâm hơn đến chất lượng DN, đừng quá chú trọng đến số lượng vì điều này rất dễ tạo thành cộng đồng "DN ma".

Cần có chế tài

Bà Nguyễn Thanh Hà - Phó giám đốc Công ty Chợ đầu mối nông sản Thủ Đức phát biểu: "Chúng tôi khá trăn trở với Nghị quyết 35, bởi vì Nghị quyết được ghi nhận là sự đổi mới cụ thể, rõ nét của cơ quan quản lý nhà nước đối với DN trong giai đoạn hiện nay. Điều đáng bàn là lộ trình và cách thức thực hiện sao cho phù hợp. Trước đây DN bị quản lý, là đối tượng để các cơ quan quản lý nhà nước lưu tâm. Cách thức quản lý này đã làm DN lo ngại khi bung vốn đầu tư. Do vậy, để việc triển khai Nghị quyết 35 có hiệu quả, Thành phố cần phải có sự sâu sát, nhìn nhận rõ vấn đề thông qua việc để DN tự đánh giá thực trạng "sức khỏe" và qua việc cập nhật từ các hội, để từ đó quyết định phát triển thêm bao nhiêu DN là hợp lý. Bên cạnh đó, Nhà nước đừng để DN rơi vào tình trạng có tiền hoặc có hợp đồng lớn nhưng không dám đầu tư thực hiện do lo ngại chính sách thay đổi, nhất là chính sách thuế thiếu tính ổn định lâu dài".

Ở góc độ Hội Cơ khí TP.HCM, ông Đỗ Phước Tống chia sẻ, muốn Nghị quyết 35 được thực thi tốt, cần phải có chế tài cụ thể. Trước đó, Chính phủ đã phê duyệt kế hoạch phát triển đối với ngành cơ khí, có quy định thời gian, nhưng đến nay vẫn chưa được thực thi là một bài học.

Bà Huỳnh Thị Anh Thư - đại diện CLB Khởi sự và Hỗ trợ doanh nghiệp thẳng thắn nói: "Nếu nhận định về số lượng, tôi chỉ kỳ vọng sẽ có khoảng 30% trong tổng số nửa triệu DN hoạt động tốt vào năm 2020. Do đó, khi nói đến việc tăng số lượng DN cần phải có lộ trình từ hỗ trợ khởi sự và khởi nghiệp và phải có chương trình đào tạo chủ DN phù hợp".

Ông Huỳnh Văn Minh - Chủ tịch HUBA khẳng định các hội nắm rất chắc những vấn đề liên quan đến kế hoạch triển khai Nghị quyết số 35. Theo ông Minh, phải coi việc lập công ty là cần thiết để hộ kinh doanh đồng thuận tiến hành thành lập DN. Đừng để những cơ chế, chính sách không thông thoáng, thiếu tính an toàn, ổn định cản trở quá trình này. Ông Minh nhấn mạnh, hiện nay lãi suất ngân hàng tại Việt Nam vẫn cao, thậm chí rất cao so với các nước trong khu vực.

Vì vậy, với vai trò hiệp hội, HUBA đã và đang có những kiến nghị về chính sách tiền lương, lãi vay, nếu không thấp hơn thì ít nhất cũng phải bằng so với mặt bằng chung của các nước trong Cộng đồng Kinh tế ASEAN. Vấn đề này còn quan trọng hơn nguồn vốn. Do đó, Chủ tịch HUBA đề nghị các hội thành viên cập nhật tình hình của DN thông qua website của hội cũng như thư điện tử.

Các hội thành viên cũng nên tạo đường dây nóng cập nhật tình hình DN, nên cử cán bộ chuyên trách cập nhật thông tin về thực hiện Nghị quyết 35. Dự kiến đến ngày 15/9, HUBA sẽ tập hợp ý kiến, kiến nghị về việc thực hiện Nghị quyết 35 của Chính phủ và Quyết định 3907 của UBND TP.HCM gửi đến các cấp lãnh đạo Thành phố.

>Hướng đến 500.000 doanh nghiệp vào năm 2020

>Chính phủ ban hành Nghị quyết về hỗ trợ và phát triển doanh nghiệp đến năm 2020

> Nghị quyết 19 và nhiệm vụ "mở đường" đến kinh tế thị trường

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Cộng đồng doanh nghiệp băn khoăn với Nghị quyết 35
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO