Cần chương trình quốc gia về tái chế giấy

VÂN KHÁNH| 18/12/2009 08:32

Hội thảo quốc tế “Tái chế bao bì giấy đã qua sử dụng” do Hiệp hội Giấy và Bột giấy Việt Nam phối hợp với Tập đoàn Tetra Pak tổ chức tại TP.HCM và Hà Nội, đã đề cập nhu cầu của thị trường về giấy tái chế.

Cần chương trình quốc gia về tái chế giấy

Hội thảo quốc tế “Tái chế bao bì giấy đã qua sử dụng” do Hiệp hội Giấy và Bột giấy Việt Nam phối hợp với Tập đoàn Tetra Pak tổ chức tại TP.HCM và Hà Nội, đã đề cập nhu cầu của thị trường về giấy tái chế, bài toán kinh tế, công nghệ và các vấn đề pháp lý liên quan đến tái chế giấy trong xuất nhập khẩu và môi trường. Theo TS.Vũ Ngọc Bảo, Tổng thư ký Hiệp hội Giấy và Bột giấy Việt Nam, cần có một chương trình quốc gia về thu gom và tái chế giấy.

Lợi ích cho môi trường và bài toán kinh tế

Về bảo vệ môi trường, việc tái sử dụng giấy làm giảm tổng lượng gỗ phải chặt hạ để sản xuất bột giấy, nhưng điều quan trọng hơn là giảm áp lực chuyển đổi rừng tự nhiên thành rừng sản xuất, bảo vệ nơi sống hoang dã cho muông thú và bảo tồn tính đa dạng sinh học của rừng tự nhiên. Nếu quan tâm đến sự thay đổi khí hậu, chúng ta cần rừng già chứ không phải rừng non.

Các sản phẩm làm từ giấy tái chế

Trong khi cây ít tuổi có thể hấp thụ cacbon nhanh, thì cây già hơn tồn trữ rất nhiều cacbon, nhờ đó làm giảm sự tập trung của khí nhà kính trong khí quyển. Giấy có thể tái chế tới 6 lần trước khi chôn lấp hoặc đốt bỏ nên tiết kiệm năng lượng. Lợi ích kinh tế ngày càng tăng khi công nghệ sản xuất giấy tái chế ngày càng được cải tiến và hoàn thiện.

Nhu cầu giấy ở Việt Nam mỗi năm tới hơn 1,8 triệu tấn, sản xuất trong nước mới chỉ cung cấp được 1,13 triệu tấn, còn lại là giấy nhập khẩu. Trong tổng số giấy sản xuất trong nước, có tới 70% là nguyên liệu từ nguồn giấy tái chế, nhưng hiện chỉ có 25% giấy đã qua sử dụng được thu hồi.

Hơn nữa, lượng giấy đã qua sử dụng này cũng chỉ đáp ứng được 50% tổng lượng giấy phế liệu mà ngành công nghiệp giấy trong nước cần. Như vậy, hầu hết số giấy còn lại bị đem tiêu hủy một cách lãng phí, trong lúc Việt Nam phải dùng ngoại tệ để nhập khẩu một lượng giấy phế liệu, giấy tái chế khổng lồ từ nước ngoài để làm nguyên liệu sản xuất giấy.

Từ thực tế này, Hiệp hội Giấy và Bột giấy Việt Nam kêu gọi các doanh nghiệp trong ngành có giải pháp tích cực trong việc thu hồi và tái chế giấy đã qua sử dụng để tận dụng nguyên liệu, giảm ô nhiễm môi trường, tiết kiệm chi phí sản xuất và tăng thêm việc làm cho lao động.

Từ năm 2000 đến nay nhiều dây chuyền hiện đại, đồng bộ sản xuất bột từ giấy thu hồi được lắp đặt ở Việt Nam, riêng năm 2009, ít nhất 5 dây chuyền mới với tổng công suất 190.000 tấn/năm. Những dây chuyền cũ được nâng cấp đem lại hiệu suất và chất lượng bột tốt hơn. Việc đầu tư mới và nâng cấp tạo điều kiện sử dụng giấy loại thu gom trong nước nhiều hơn, sẽ kích thích việc thu gom.

Bà Trần Hạnh Dung, Giám đốc Truyền thông và Môi trường Tetra Pak Việt Nam, cho biết Tetra Pak sẵn sàng hỗ trợ bước đầu cho các doanh nghiệp vừa và nhỏ trong việc tái chế các vỏ hộp giấy.

Vướng mắc làm nản doanh nghiệp

Ở Việt Nam, nguồn giấy đã qua sử dụng chủ yếu từ hộ gia đình, trường học, văn phòng, nhà máy, siêu thị, cửa hàng, nhà ga, bến xe, sân bay... Thu gom giấy đã qua sử dụng nhiều nhất là những người mua đồng nát, công nhân vệ sinh, bán lại cho các trạm thu mua trung gian, hiện chưa có công ty chuyên doanh giấy thu hồi.

Việc thu hồi giấy trong nước không có tiến triển từ khi thực hiện thuế giá trị gia tăng do cách hợp thức hóa chi phí sản xuất đối với việc mua giấy loại thu gom trong nước phức tạp, rối rắm, chỉ những cơ sở sản xuất quy mô nhỏ có thể chấp nhận được. Các cơ sở sản xuất quy mô lớn thà mua giấy thu hồi nhập khẩu, dù đắt cũng đem lại hiệu quả cao hơn về thời gian và chi phí (vì có hóa đơn khi nhập hàng).

Theo doanh nghiệp, các nước đều có tiêu chuẩn về giấy loại, chủ yếu dùng trong giao dịch thương mại (phục vụ mục đích tái chế) và ngăn cản chất thải không thể tái chế, gây hại xâm nhập từ nước ngoài. Việt Nam cũng đã có TCVN-2007. Giấy thu hồi nhập khẩu vào Việt Nam chủ yếu từ Mỹ, Nhật Bản, New Zealand.

Những loại chính được nhập khẩu: giấy hộp các tông cũ (OCC), giấy báo cũ (ONP), tạp chí cũ (OMG), giấy lề, giấy đứt, giấy trộn lẫn. Lý do nhập khẩu là vì chất lượng giấy thu hồi nhập khẩu cao hơn giấy thu hồi trong nước, không vướng thủ tục hợp thức hóa chi phí sản xuất, chất lượng và số lượng ổn định, do giá không cao hơn trong nước nhiều.

Tuy nhiên, cũng có vướng mắc do chưa thống nhất giữa hải quan và đơn vị nhập khẩu trong việc định nơi dỡ hàng để kiểm tra chất lượng. Thường thì hải quan yêu cầu kiểm tra ngay tại cảng. Điều này doanh nghiệp sợ nhất, vì chi phí dỡ hàng rồi lại xếp hàng vào container rất cao. Cũng thường xảy ra việc không thống nhất giữa hải quan và doanh nghiệp về lượng tạp chất được phép. Khi đó buộc phải dỡ hàng, lấy mẫu, giám định, chờ kết quả...

Doanh nghiệp cho biết, giá trị một container giấy thu hồi nhập khẩu rất thấp, thường 3.000 - 5.000 USD/container, nếu rắc rối xảy ra tại cảng nhập thì chi phí xử lý từ 15 - 35% giá trị lô hàng, nên không doanh nghiệp nào dám nhập hàng không đạt tiêu chuẩn Việt Nam. Những rắc rối trên làm nản lòng doanh nghiệp.

Hiệp hội Giấy và Bột giấy Việt Nam nhận thấy trong quy hoạch phát triển ngành giấy không có nội dung thu gom và tái chế giấy loại, nên chưa có chính sách khuyến khích thu gom và tái chế, đưa công tác thu gom thành hệ thống trong xã hội. Chính phủ cần ban hành văn bản pháp quy khuyến khích thu gom và tái chế giấy, quy định trách nhiệm của các cơ quan, tổ chức, có các biện pháp về thị trường, tuyên truyền giáo dục công dân... để tận thu và tận dụng hiệu quả giấy đã qua sử dụng

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Cần chương trình quốc gia về tái chế giấy
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO